Lo sợ virus corona thái quá có thể nguy hiểm hơn

08/02/2020 - 15:49

PNO - Hãy đương đầu với những nỗi sợ hãi để bản thân nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh và có hành động phù hợp để chăm sóc bản thân và những người xung quanh bạn.

Có điều gì về những trận đại dịch tiềm tàng khiến chúng ta sợ hãi đến vậy? Trong khi tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông hoặc bệnh tim là lớn hơn - chí ít ở Mỹ - các bệnh truyền nhiễm hiếm gặp vẫn hiện lù lù trong những cơn ác mộng của chúng ta.

Sự thật là nguy cơ xảy ra đại dịch không ảnh hưởng đến những gì khiến chúng ta sợ hãi. Tâm trí duy lý của chúng ta không có vai trò gì ở đây mà chính nỗi sợ phi lý của chúng ta. Có một điều gì đó cực kỳ đáng lo ngại về khả năng ẩn mình của vi trùng và virus cũng như cách chúng lây lan, gợi lên bản năng sinh tồn sâu sắc nhất và cơ bản nhất của chúng ta.

Sau đây là một cuộc kiểm tra thực tế nhanh: Trong khi virus corona chủng mới (2019-nCoV) đã dẫn đến hàng tá ca bệnh được xác nhận ở Mỹ (chủ yếu liên quan đến những người gần đây đã đi du lịch đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc – xuất phát điểm của virus trên), bệnh cúm thông thường đã tác động đến 19 triệu người Mỹ và cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người tính đến mùa này.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Đôi khi lo lắng có thể là một phản ứng mang tính xây dựng, vì nó truyền cảm hứng cho việc phân tích thận trọng và cẩn thận về một tình huống trước khi can dự. “Công chúng có thể phản ứng với sự hoảng loạn, sợ hãi và nghi ngờ, và thậm chí hoàn toàn mê tín, hoang tưởng hoặc phán xét đạo đức khi nói đến những căn bệnh lạ. Các nạn nhân, ngay cả sau khi hồi phục, có thể bị xa lánh và bị phân biệt đối xử. Cộng đồng, thậm chí gia đình, có thể bị phá vỡ.

Những người sợ hãi có thể không chỉ tuân theo những hướng dẫn được các chuyên gia y tế khuyến nghị, mà còn vượt xa họ: Con tôi không thể ở chung lớp học với con bạn, chúng tôi không muốn có một phòng khám trong làng của chúng ta, bạn không được phép nhập cảnh trở lại đất nước trong bất kỳ tỉnh huống nào.

Khi dịch cúm năm 1918 giết chết 759 người ở thành phố Philadelphia, thuộc bang Pennsylvania, chỉ trong một ngày, ông John Barry, người đã đề cập đại dịch này trong cuốn sách năm 2004 có tựa đề “The Great Influenza”, đã viết, nỗi sợ hãi bắt đầu phá vỡ cộng đồng của thành phố. Lòng tin bị phá vỡ. Những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện không chỉ là sự tức giận, đổ thừa hay bảo vệ lợi ích của chính mình mà là sự ích kỷ tích cực khi đối mặt với tai họa chung”.

Những quan niệm sai lầm nguy hiểm có thể xuất hiện từ nỗi sợ hãi, lo lắng và thiếu hiểu biết này - càng ít người biết, họ càng có thể hoảng sợ. Kết quả cuối cùng có thể gây chết người. Chúng ta đã thấy điều này xung quanh các nạn nhân bệnh AIDS, SARS và Ebola. Quả thật, các nhân viên y tế và những người ứng phó với dịch Ebola mới nhất đã phải hứng chịu hơn 300 vụ tấn công hồi năm ngoái do các nhóm vũ trang ở Cộng hòa Dân chủ Congo, khiến ít nhất sáu người chết và 70 người bị thương.

Sự bùng phát dịch bệnh có thể đáng sợ, và thường liên quan đến thương vong hàng loạt. Và không thể phủ nhận rằng một số bệnh có khả năng gây tử vong theo những cách khủng khiếp. Trong cuộc “lãng du” không ngừng nghỉ của những căn bệnh này từ vật này sang vật chủ kia, các bệnh truyền nhiễm dường như nhấn mạnh những điều chúng ta đã biết, nhưng gắng phớt lờ. Chúng ta dễ bị tổn thương, chúng ta là phàm nhân, và tất cả chúng ta sẽ chết.

Nhưng khi cảm xúc và nỗi sợ hãi chiếm thế áp đảo, chúng ta gặp khó khăn khi đưa ra quyết định hợp lý. Chúng ta trở nên lo lắng, tức giận và không thể xử lý thông tin. Các chuyên gia có thể đang cố gắng tìm hiểu sự thật một cách rõ ràng và súc tích, nhưng nếu bạn đã ở một nơi dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, bạn có thể không nghe thấy chúng. Các chuyên gia y tế công cộng từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của việc thừa nhận cảm xúc của mọi người và trấn an họ bằng sự thật.

Một nguồn hữu ích là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra số liệu thống kê được xác nhận mới nhất cùng những lời khuyên có giá trị về mặt khoa học về việc ngăn ngừa sự lây lan các bệnh về đường hô hấp như virus corona, bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc với nước rửa tay có cồn. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay không được rửa sạch; và ở nhà khi bạn bị bệnh.

Trước một mối đe dọa nhận thức được, hãy cố gắng lắng nghe sự thật một cách bình tĩnh, với một tâm hồn cởi mở và một trái tim rộng mở. Và thay vì chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi hoặc bị mắc kẹt trong chúng, hãy cố gắng sống chung với những lo lắng và biến đổi những nỗi sợ hãi của bạn. Hãy đương đầu với những nỗi sợ hãi để bản thân nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh và có hành động phù hợp để chăm sóc bản thân và những người xung quanh bạn.

Quang Nguyễn (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI