PNO - Khi được mời tham vấn ý kiến về việc Nhà máy giấy Lee & Man bên bờ sông Hậu tỉnh Hậu Giang nâng công suất lên đến 260%, từ 420.000 tấn giấy lên 1,1 triệu tấn giấy/năm, chính quyền một tỉnh miền Tây Nam bộ đã có công văn phản bác thẳng thừng “không đồng thuận”. Vì sao như vậy?
Khu xử lý nước thải của nhà máy Lee & Man nằm sát sông Hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường
Từ ba tỉnh, thành đề nghị cân nhắc…
Với diện tích lên đến 80 héc-ta, tọa lạc ngay quốc lộ Nam Sông Hậu, toàn bộ phía bắc tiếp giáp với sông Mái Dầm, phía tây nhìn ra sông Hậu với phía hạ nguồn là tỉnh Sóc Trăng. Nhà máy giấy Lee & Man đã gây nhiều lo ngại từ khi vận hành thử nghiệm.
Đến tháng 6/2020, khi UBND tỉnh Hậu Giang gửi công văn kèm các tài liệu có liên quan gửi bốn tỉnh, thành lân cận là Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ nhằm tham vấn ý kiến về việc Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam nâng công suất đến 260%, từ 420.000 tấn giấy lên 1,1 triệu tấn giấy/năm. Lo ngại cho dòng sông Hậu lại tăng lên vì đây là nơi tiếp nhận nước xả thải của nhà máy giấy khổng lồ này.
Từ các phân tích về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, trả lời tỉnh Hậu Giang, UBND TP. Cần Thơ đề nghị tỉnh này cần cẩn trọng, cân nhắc. Theo đó, nên chăng cấp chủ trương đầu tư cho dự án nâng công suất theo lộ trình tăng dần, bởi đối với hoạt động sản xuất của dự án, lưu lượng xả thải sẽ tăng vọt từ 20.000m3/ngày đêm lên 55.000m3/ngày đêm.
Trong khi đó, tình trạng môi trường miền Tây Nam bộ những năm gần đây thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Lượng nước ngọt đầu nguồn chảy về vùng đồng bằng này vào mùa khô năm 2019 - 2020 thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm.
Hơn một năm trước, tỉnh Hậu Giang đã từng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Nhà máy giấy Lee & Man nâng công suất từ 420.000 tấn lên 1,42 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, bộ đã bác đề xuất này. Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng ngành sản xuất giấy là một trong những ngành cần được kiểm soát chặt chẽ vấn đề về môi trường. Ở trường hợp này, tỉnh Hậu Giang đề xuất nâng công suất của nhà máy từ 420.000 tấn lên 1,42 triệu tấn/năm, tăng gấp hơn ba lần công suất cũ, vì vậy càng phải được xem xét cẩn trọng, chặt chẽ hơn.
Từ thực tế cơn hạn, mặn gay gắt vừa xảy ra từ đầu năm nay tại miền Tây Nam bộ cho thấy, nạn xâm nhập mặn từ nước biển đã lan đến địa phận Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ. Ngày 11/2, nồng độ mặn đo được tại tỉnh Hậu Giang, nơi cao nhất lên đến 18,4‰, một độ mặn lịch sử ở địa phương này cho đến nay. Riêng tại sông Mái Dầm, cạnh nơi đặt nhà máy giấy, độ mặn đo được là 3,4‰…
Công văn của UBND TP. Cần Thơ cũng dự báo rằng, những năm tới, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn còn rất lớn. Vào mùa khô kiệt nhất, lưu lượng nước sông Hậu giảm mạnh, nhưng lưu lượng xả thải của nhà máy lại rất lớn sẽ làm tăng áp lực nặng nề đến sông Hậu. “Nếu phải tiếp nhận lưu lượng nước xả thải lớn của nhà máy và nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến việc xử lý nước thải thì toàn bộ người dân đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ bị ảnh hưởng”, ông Đào Anh Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết.
Tương tự, UBND tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh cùng đề nghị tỉnh Hậu Giang cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét công khai số liệu quan trắc môi trường của dự án, số liệu quan trắc môi trường khu vực xung quanh dự án để cộng đồng dân cư cùng biết, cùng hiểu và cùng giám sát. Đồng thời, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với ý kiến của ít nhất mười chuyên gia theo quy định tại thông tư số 25/2019/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
… Đến tỉnh hạ nguồn thẳng thừng từ chối
Theo một nguồn tin của Báo Phụ Nữ TPHCM, đầu tháng 12/2020, trong khuôn viên của Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam ở thị trấn Mái Dầm liên tục diễn ra các cuộc diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh (Hậu Giang - PV) năm 2020.
Trước đó, từ ngày 20/7, UBND tỉnh Sóc Trăng đã gửi công văn số 1191/UBND-KT đến UBND tỉnh Hậu Giang về dự án Nhà máy giấy Lee & Man nâng công suất lên 2,6 lần. UBND tỉnh Sóc Trăng nêu thẳng thắn: “Với trách nhiệm của cơ quan hành chính quản lý nhà nước tại địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng không đồng thuận với việc mở rộng quy mô công suất của dự án”.
Theo quy hoạch ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025, khu vực Tây Nam bộ được quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy và bột giấy là 330.000 tấn/năm và giấy là 420.000 tấn/năm. Do đó, việc mở rộng công suất là chưa phù hợp với quy hoạch. Về nguyên liệu, khi nâng công suất, dự án nhập 1.320.000 tấn giấy phế liệu/năm, như vậy sẽ làm tăng việc nhập khẩu giấy phế liệu.
Dựa trên bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, UBND tỉnh Sóc Trăng đưa ra tám ý kiến đóng góp và phản biện: đây là cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong tình huống xấu nhất nếu sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng thời dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và lao động sản xuất.
Theo tính toán, nếu hệ thống xử lý nước thải vận hành thuận lợi thì mỗi ngày sông Hậu sẽ phải tiếp nhận gần 50.000m3 nước thải từ nhà máy. Trong trường hợp phát sinh sự cố hoặc bể chứa nước thải của nhà máy bị rò rỉ, nước thải sẽ tràn trực tiếp xuống sông Hậu. Ước tính, nếu bị rò rỉ nước thải chưa qua xử lý trong 24 giờ sẽ ảnh hưởng đến 600 héc-ta rừng ngập mặn và trên 4.000 héc-ta đất nuôi trồng thủy hải sản.
Về không khí và chất thải rắn, lượng tro bay khoảng 17.110 tấn/tháng, lượng tro xỉ khoảng 3.824 tấn/tháng mà chủ dự án chưa đánh giá, dự báo việc phát tán tro bụi tới các vùng lân cận cũng chưa nêu cụ thể việc lưu chứa và xử lý lượng tro xỉ. Việc tăng năng suất cũng buộc nhà máy phải tăng công suất nhiệt điện than dẫn đến việc phát thải các hạt bụi, khí thải độc hại khác vào không khí. Việc tăng sự phơi nhiễm các vi hạt này sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp cho cộng đồng dân cư các vùng lân cận.
Ngay khi có thông tin về dự án nhà máy nâng công suất, một người dân ở thị trấn Mái Dầm nói: “Tôi quan sát thấy nhà máy nhập khẩu rác thải giấy nhiều nhất ở đây. Nếu nâng công suất thì nguy cơ sông Hậu sẽ chết. Mà chết đâu riêng một tỉnh, thành nào, cả đồng bằng này. Các địa phương khác cần lên tiếng. Nếu họ đã lỡ làm rồi thì thôi đừng cho họ mở rộng”.
Hồ sơ nhà máy giấy khổng lồ bên bờ sông Hậu
Tháng 6/2007, UBND tỉnh Hậu Giang cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD và được khởi công tại H.Châu Thành của tỉnh này hai tháng sau đó.
Ba năm sau, tháng 12/2010, tỉnh Hậu Giang cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 80 héc-ta đất tại thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành cho công ty trên. Dự án thứ nhất là nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp từ 420.000 tấn/năm, chiếm diện tích 49,1 héc-ta đất. Dự án thứ hai là nhà máy sản xuất bột giấy với sản lượng dự kiến 330.000 tấn/năm, có diện tích 40,8 héc-ta. Với tổng diện tích này, dự án hai nhà máy được xem là có quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam.
Sau nhiều năm khởi công nhưng chưa hoàn thành đúng kế hoạch, chủ đầu tư dự án đã điều chỉnh vốn đầu tư xuống còn khoảng 628 triệu USD rồi tạm ngưng dự án. Từ năm 2011-2015, UBND tỉnh Hậu Giang đã gửi hàng loạt công văn yêu cầu chủ đầu tư giải trình nguyên nhân và cho gia hạn lần thứ năm, thời hạn đến tháng 12/2016 dự án phải đi vào hoạt động.
Cuối tháng 12/2016, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ký phép cho Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án sản xuất giấy. Đầu năm 2017, nhà máy giấy bắt đầu vận hành thử nghiệm có tải. Từ đây, những lo ngại về môi trường của người dân bấy lâu đã hiển hiện. Người dân thị trấn Mái Dầm nhiều lần kêu cứu về tình trạng ô nhiễm, phát tán mùi hôi, tiếng ồn, bụi bẩn… từ nhà máy ra môi trường xung quanh.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.