Lo sợ COVID-19, người Nhật phản đối tổ chức Olympic Tokyo

17/05/2021 - 06:06

PNO - Thế vận hội Tokyo đã hứng chịu thêm làn sóng phản đối trong bối cảnh COVID-19 đang hoành hành và gây ra hàng triệu cái chết trên toàn cầu.

Nhiều người cầm biểu ngữ phản đối Thế vận hội Olympic Tokyo bên ngoài sân vận động quốc gia Nhật Bản
Nhiều người cầm biểu ngữ phản đối Thế vận hội Olympic Tokyo bên ngoài sân vận động quốc gia Nhật Bản

Tổ chức Olympic là “nhiệm vụ tự sát”

Còn hơn hai tháng nữa Olympic Tokyo sẽ khai mạc, nhưng đại hội thể thao này đã gặp phải một sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân. Trong cuộc thăm dò gần đây cho thấy, có gần 60% người Nhật muốn hủy bỏ. Người ta lo sợ rằng đất nước sẽ phải thêm một lần nữa “mướt mồ hôi” đối phó với dịch COVID-19. 

Kết quả khảo sát của báo Yomiuri Shimbu cho thấy, có đến 59% người được hỏi muốn thế vận hội hủy bỏ, 39% nói nên tổ chức. Trong số những người ủng hộ thì có 23% nghĩ rằng thế vận hội nên diễn ra không có khán giả. Cuộc thăm dò của TBS News cho thấy, 65% người dân muốn thế vận hội bị hủy hoặc hoãn lại. Hãng thông tấn Kyodo cũng có kết quả tương tự.

Hiroshi Mikitani, Giám đốc điều hành của tập đoàn bán lẻ trực tuyến Rakuten Group, nói: “Thật nguy hiểm khi tổ chức sự kiện quốc tế lớn. Tôi phản đối việc tổ chức Olympic Tokyo năm nay”. Ngoài ra, ông mô tả tổ chức thế vận hội là “một nhiệm vụ tự sát”. Cuối tuần qua, một bản kiến nghị hủy bỏ Olympic Tokyo với hơn 351.000 chữ ký đã được đệ trình lên thống đốc thành phố. 

Trước đó ngày 9/5, hàng trăm người đã diễu hành ngoài sân vận động quốc gia Nhật Bản yêu cầu hủy bỏ Olympic. Những người này mang khẩu hiệu: “Thế vận hội mang lại khủng hoảng cho người dân”, “Hãy dập tắt ngọn đuốc Olympic” hay “Thế vận hội sẽ giết chết người nghèo”. Một chuyên gia sức khỏe cho biết: “Bất cứ ai cũng có thể nhiễm COVID-19. Hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta sắp bị quá tải. Tiêm chủng lại trì trệ, nếu tổ chức Olympic sẽ đẩy thảm kịch ở tương lai”.

Vẫn chưa ngã ngũ

Khi sự phản đối của công chúng ngày càng gay gắt thì IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) và chính phủ Nhật Bản dường như đang gửi đi nhiều thông điệp trái chiều. Cả hai tổ chức này chưa có tiếng nói chung để cho thấy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc quyết định số phận của Olympic.

Phó chủ tịch IOC John Coates, nói rằng mặc dù tâm lý của người Nhật về thế vận hội “là một mối quan ngại”, nhưng IOC cũng không tìm ra một kịch bản nào mà theo đó đại hội thể thao sẽ không diễn ra. Trong khi đó, ở một thông điệp trước đây, Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định rằng, chính phủ không đặt thế vận hội trên sức khỏe cộng đồng. 

Truyền thông xứ mặt trời mọc đưa tin chuyến thăm Nhật Bản của Thomas Bach, chủ tịch IOC, dự kiến diễn ra vào ngày 17/5 ở sự kiện rước đuốc tại Hiroshima, nhưng các nhà tổ chức cho biết chuyến thăm này vẫn chưa được xác nhận. Về phía những nhân vật chính của Olympic, ngôi sao quần vợt Nhật Bản, Naomi Osaka, cho biết: “Tất nhiên tôi muốn thế vận hội diễn ra, nhưng tôi nghĩ rằng có nhiều điều quan trọng hơn, đặc biệt là trong năm vừa qua khi đại dịch COVID-19 đang gây tổn hại cho thế giới”.

Các quan chức chính quyền thủ đô Tokyo thì ngày càng lo ngại về việc liệu Olympic Tokyo và Paralympic có được tổ chức theo lịch trình hay không. Thống đốc Tokyo Yuriko Koike nói rằng, bà sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo một thế vận hội an toàn. Chính quyền Tokyo ban đầu tính thoát khỏi tình trạng khẩn cấp bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt kể từ tháng Ba và dự kiến sẽ kết thúc ngày 11/5 để bắt tay vào Olympic, nhưng với tỷ lệ ca nhiễm ngày một tăng, tình trạng khẩn cấp buộc kéo dài đến ngày 31/5.

Thời điểm đưa ra quyết định cuối cùng về việc tổ chức Olympic Tokyo đang rất cấp bách khi ngày 23/7 sẽ khai mạc. “Thống đốc sẽ đưa ra quyết định sau khi kiểm tra dư luận và động thái của những người liên quan”, người đứng đầu văn phòng thủ đô Tokyo cho biết. 

 Trọng Trí (theo Japan Times, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI