Lo “quyền anh, quyền tôi” khi giao Bộ Công an quản lý cấp giấy phép lái xe

11/11/2020 - 13:10

PNO - Phản đối việc giao quyền đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sang Bộ Công an, ĐBQH Đặng Thuần Phong lo ngại “quyền anh, quyền tôi” trong vấn đề này.

 

Nhiều ĐBQH phản đối việc giao thẩm quyền quản lý cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an theo dự luật mới
Nhiều ĐBQH phản đối việc giao quyền quản lý cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an theo dự luật mới (ảnh minh họa)

Xây dựng luật một cách cơ học?

Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phân tích, quan điểm của Chính phủ cho rằng, kết cấu hạ tầng giao thông – gọi là phần tĩnh, trật tự an toàn giao thông (gồm người điểu khiển phương tiện giao thông, người tham gia giao thông) – gọi là phần động. Do đó, dự kiến tách lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành hai chuyên ngành luật. Trong đó phần tĩnh (Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi) giao cho Bộ GTVT và phần động (Dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ) chuyển Bộ Công an quản lý.

“Tôi băn khoăn cách lý luận như thế cả về thực tiễn và khoa học. Tĩnh và động là 2 mặt của vấn đề, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách một cách cơ học như thế”, đại biểu Phong chia sẻ quan điểm.

Nếu quy định phần tĩnh là quản lý phần hạ tầng giao thông cho Bộ GTVT thì nhiều khi lại thuộc về trách nhiệm của bộ xây dựng. Như vậy có dẫn tới việc quản lý chồng chéo. Theo tờ trình của Chính phủ đưa ra, trong lĩnh vực giao thông không chỉ có đường bộ mà còn đường thủy, đường hàng không… thì các lĩnh vực này có “gom về hết” cho Bộ Công an quản lý không?

ĐBQH Đặng Thuần Phong bày tỏ sự băn khoăn trước hai dự luật đang được đưa ra bàn tại Quốc hội
ĐBQH Đặng Thuần Phong bày tỏ sự băn khoăn trước hai dự luật đang được đưa ra bàn tại Quốc hội

Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, cách làm như vậy sẽ phá vỡ nguyên lý, dẫn tới không thuyết phục. Đặc biệt, báo cáo trình bày dự thảo hiện còn sơ sài, không đánh giá đầy đủ tác động chính sách của các phương án lựa chọn. Ví dụ, việc giảm thiệt hại về tai nạn giao thông góp phần giảm thiệt hại về kinh tế xã hội cho nhà nước là bao nhiêu? Thiệt hại do ùn tắc giao thông như thế nào? Phải phân tích vì sao phải chuyển quản lý từ Bộ GTVT sang Bộ Công an?

Đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) cũng nhận định, người đề xuất ý tưởng rất “táo bạo” nhưng khi triển khai lại “có cái dở”. Việc tách ra làm 2 luật gây ra sự rườm rà về mặt thủ tục hành chính, chưa tính tới việc xử lý các nhân sự hiện hành.

ĐBQH Đặng Thuần Phong kiến nghị cần lấy ý kiến của ĐBQH về việc có cần thiết tách hai dự luật này hay không.

"Tiêu cực, bằng giả... ngành nào chẳng có!"

Một trong những điểm đáng chú ý là giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Lý do được đưa ra trong tờ trình là do có hiện tượng bằng giả, đào tạo sát hạch có tiêu cực. Nói về vấn đề này, theo ĐBQH Đặng Thuần Phong thì “ngành nào chẳng có”.

“Cần tăng cường kiểm tra, xử lý thôi, nói mà chuyển hết qua thì sổ đỏ cũng có giả, chứng minh thư cũng có giả, hộ chiếu cũng có giả, bằng cử nhân, thạc sĩ cũng có giả... Nếu để cho thật hết thì chuyển hết qua công an”, đại biểu Phong nói và đề nghị thay vì chuyển thẩm quyền, cần tăng cường công tác quản lý.

Đại biểu Phong dẫn chứng thêm, hiện nay chỉ có 3 – 4 nước giao vấn đề quản lý này cho công an còn lại hơn 40 nước là thuộc ngành giao thông.

Đặc biệt, đây là một chính sách lớn, cần đánh giá kỹ trong cả 2 dự án luật. Nếu chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe có thể gây ra “hệ lụy lớn”.

Dù phía Bộ công an cho biết sẽ không tăng thêm biên chế, nhân lực, không phá vỡ kết cấu khác song có một thực tế, cả nước có hơn 2.000 cán bộ công chức trong đó có khoảng 600 cán bộ công chức là nhà quản lý, khoảng 1.700 viên chức công chức làm nhiệm vụ sát hạch. Nếu chuyển đổi, lực lượng này có sang Bộ Công an không hay giải tán? Họ sẽ đi đâu, về đâu?

Đại biểu Phong nhấn mạnh, nếu làm không cẩn trọng, luật có thể không theo yêu cầu thực tiễn, không đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của xã hội. “Không khéo lại có “quyền anh, quyền tôi” ở trong này”, đại biểu Phong nói.

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Cao Văn Trọng cho rằng, quy định chuyển đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an là không phù hợp.

Đại biểu lý giải, chương trình cải cách lái xe hiện nay đã chặt chẽ hơn trước đây nhiều, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã sử dụng phần mềm mà học viên phải điểm danh bằng vân tay, nếu không tham gia đủ không được thi.

Về bằng giả, theo đại biểu Trọng, Việt Nam đang tiến tới cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip, vậy tại sao không gắn chip cho bằng lái xe? Nếu làm được điều này thì không lo ngại vấn đề bằng giả.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI