|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) lo ngại việc nhân rộng mô hình trường chất lượng cao, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông |
Trẻ em nghèo phải được học trường công
Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận, lấy ý kiến cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) băn khoăn tới vấn đề phát triển mô hình giáo dục chất lượng cao.
Theo bà, đây là quy định khác với quy định liên quan đến cơ sở giáo dục trong pháp luật về giáo dục, đồng thời chưa làm rõ tiêu chí chất lượng cao.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng báo cáo, hiện chưa có đánh giá sâu sắc về những kết quả, tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện mô hình này.
Dự thảo luật có bổ sung khái niệm về cơ sở giáo dục chất lượng cao, tuy nhiên, chỉ mới đề cập các tiêu chí đầu vào mà chưa rõ tiêu chí đầu ra là chân dung - nhân cách học sinh - trung tâm của quá trình giáo dục - mục tiêu giáo dục.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, học phí của lớp chất lượng cao năm 2023-2024 vào khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản đóng góp khác.
Hiện, nhiều trường công lập đang xây dựng đề án trường chất lượng cao. Nhiều phụ huynh học sinh không khỏi lo lắng về học phí cao trong bối cảnh điều kiện kinh tế không đảm bảo, bối rối vì không biết phải cho con học lớp nào.
Thực tiễn, nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục của thủ đô luôn trong tình trạng quá tải, do tốc độ đô thị hóa nhanh, có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/lớp.
“Điều này cho thấy, Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà. Bởi thế, khi đầu tư, nhân rộng nhiều trường chất lượng cao, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông” - bà Nguyễn Thị Tuyết Nga lo lắng.
Ở bậc tiểu học và THCS, Chính phủ xác định là giáo dục phổ cập, miễn phí. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giáo dục phổ thông phải tạo ra sự bình đẳng. Các nước phát triển đang hướng tới nền giáo dục không có trường chuyên, lớp chọn, thực hành mô hình “trường học hạnh phúc”, hướng tới công bằng trong thụ hưởng giáo dục.
Do đó, bà đề nghị Chính phủ phải thật cân nhắc về việc phát triển mô hình giáo dục chất lượng cao; cần đánh giá tác động lâu dài, đảm bảo môi trường giáo dục công bằng, trong lành, hạnh phúc, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập.
“Hà Nội cần tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục phổ thông cả nước; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường theo nguyện vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công” - bà Nguyễn Thị Tuyết Nga kiến nghị.
Cần cân nhắc mức độ đầu tư
Trái với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, việc phát triển mô hình chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển của thủ đô.
Công bằng không hẳn là cùng học một trường, một chương trình giáo dục. Chúng ta không thể hạn chế những học sinh, con em gia đình có điều kiện, tự nguyện lựa chọn các chương trình có chất lượng giáo dục cao.
Thủ đô là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế nên cần phải trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế.
Theo bà Trần Thị Vân, mô hình giáo dục chất lượng cao là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ vừa nêu.
“Chúng ta cần coi trọng việc cho phép thủ đô đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao. Đây không đơn thuần là cơ chế đặc thù, vượt trội mà là trách nhiệm của thủ đô phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước” - bà Trần Thị Vân khẳng định.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng khẳng định, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhưng ông cũng cho rằng, cần cân nhắc về mức độ đầu tư, xác định đối tượng được học, chỉ có người Hà Nội được học? Đặc biệt, phải định nghĩa về chất lượng cao thật rõ, đó là kiến thức, hay điều kiện học tập, hay thầy cô giáo, hay toàn bộ những vấn đề như vậy.
Có nên để trường công liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài?
Liên quan tới quy định của dự thảo luật cho phép liên kết các cơ sở giáo dục công lập của thủ đô với cơ sở giáo dục nước ngoài, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga trích Luật Giáo dục: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác về giáo dục giữa cơ sở giáo dục của Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Song Nghị định 86 của Chính phủ mới quy định cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục được thực hiện việc liên kết đào tạo với nước ngoài.
Như vậy, theo quy định hiện hành chưa cho phép các trường công phổ thông thực hiện liên kết với giáo dục nước ngoài. Hiện nước ta cũng chưa cam kết về dịch vụ giáo dục phổ thông với Tổ chức Thương mại thế giới.
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga lưu ý, việc đưa nội dung này vào quy định của luật cần làm rõ các điều kiện cần thiết, cơ chế vận hành, quản lý giám sát… trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật.
Ngược lại, ĐBQH Trần Thị Vân lại ủng hộ quy định này. “Luật Giáo dục hiện hành không có quy định cấm, nhưng cũng chưa quy định cụ thể cho phép. Điều này là chưa tạo điều kiện thuận lợi để các bậc phụ huynh có nguyện vọng cho con em mình tiếp cận với điều kiện học tập tốt hơn - hội nhập ngay trong nước, tiết kiệm chi phí đi du học, các thầy cô giáo có cơ hội tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến” - bà Trần Thị Vân phân tích.
Quy định về ghi âm, ghi hình: Cần tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp Sáng 28/5, báo cáo Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết còn nhiều ý kiến liên quan tới quy định ghi âm, ghi hình tại tòa. Theo bà, việc ghi âm, ghi hình tại tòa “phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; đảm bảo tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác”. Dự thảo luật đang đưa 2 phương án, trong đó phương án 1 được đa số ý kiến đồng tình. Theo đó, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Trong khi đó, một số ý kiến lại ủng hộ phương án 2, để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành. Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị quy định theo hướng, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Đồng thời, dự thảo luật nên bổ sung quy định tòa án sẽ ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn… ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, nên quy định cởi mở hơn việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đối với nhóm đối tượng là phóng viên báo chí, truyền hình, bởi họ là những người được đào tạo, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan. Điều này khác với việc người dân tự do ghi hình, sử dụng hình ảnh, thông tin cắt gọt đưa lên mạng xã hội, tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật doanh nghiệp... Trao đổi bên lề, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu quan điểm, nên cho phóng viên theo dõi phiên tòa tại khu vực tác nghiệp, có phòng truyền hình trực tiếp. Việc ghi âm, ghi hình diễn ra qua màn hình. Tuy nhiên, với những phiên tòa liên quan tới đạo đức xã hội, bí mật đời tư, hôn nhân, hoặc có những bí mật đời tư mà người trong cuộc không muốn công khai, thì không thể ghi âm, ghi hình. |
Minh Quang