Lộ nguyên nhân khiến Mỹ, EU còn e dè khi đầu tư vào Việt Nam

25/11/2019 - 16:09

PNO - Hàng loạt những nguyên nhân được các chuyên gia, doanh nghiệp EU, Hoa Kỳ chỉ ra rằng, vẫn còn hạn chế để Việt Nam nhận đầu tư từ nước ngoài... ngay cả khi EVFTA có hiệu lực.

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ “Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”, tổ chức tại TP.HCM ngày 25/11,  đại diện các Hiệp hội ngành nghề, các DN đặt vấn đề rằng, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết nhưng nhìn về thực tế nguồn đầu tư vào Việt Nam từ EU, hay Mỹ còn rất hạn chế. 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, nguyên nhân chính khiến nguồn đầu tư nước ngoài “né” thị trường Việt Nam là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam lỗi thời, không phù hợp với EU, Mỹ.

Lo nguyen nhan khien My, EU con e de khi dau tu vao Viet Nam
Toàn cảnh "Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam" được tổ chức tại TP.HCM, sáng 25/11 Ảnh: Quốc Thái

Ông Cung chỉ ra trong 9 tháng đầu năm 2019, tốc độ xuất khẩu vẫn khá nhưng không đồng đều và khá bấp bênh, rủi ro không nhỏ. Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6% nhưng chủ yếu vào Hoa Kỳ; Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6%; nhưng EU chỉ đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%, còn lại là các quốc gia khác trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Như vậy có thể thấy, mặc dù Hiệp định EVFTA được ký kết, nhưng trái lại kim ngạch xuất khẩu đi EU lại giảm trong 9 tháng qua.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch  EuroCham cho rằng, lý do chính khiến các công ty từ Châu Âu, Mỹ không đầu tư vào Việt Nam là vì vấn đề pháp luật, thể chế quá phức tạp, thiếu cơ quan hỗ trợ về pháp luật, các tổ chức bảo đảm thế chế tại Việt Nam và cả ASEAN.

Ngoài ra vấn đề về lao động cũng có nhiều hạn chế. Mặc dù lợi thế của Việt Nam là chi phí lao động thấp, tuy nhiên, vấn đề khai thác, sử dụng lao động chưa thật sự hoàn thiện.

Thêm vào đó, DN nước ngoài còn có nhiều quan điểm không tích cực về “quan hệ” giữa DN và chính quyền tại Việt Nam, hay những hạn chế về tự động hoá, tự do hoá... Đại diện EuroCham cho rằng, chỉ cần khắc phục tốt những vấn đề trên thì Việt Nam sẽ trở thành nơi lý tưởng hơn để các công ty, DN từ EU, Hoa Kỳ đầu tư vào.

Liên quan đến vấn đề được nhiều người đặt ra là trong Hiệp định EVFTA vừa được ký kết thì Việt Nam hay EU sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ông Jean-Jacques Bouflet không cho rằng nó có lợi ích cho Châu Âu nhiều hơn Việt Nam, vì trên thực tế khi ký kết thì Việt Nam đã tăng gấp đôi lượng xuất khẩu đi các nước.

Việc Hiệp định thương mại tự do được thông qua sẽ giúp DN các nước tham gia hưởng được những khoản lợi ích về mặt thuế quan. Nhưng đối với một số mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu sang Châu Âu trong điều khoản ký kết thì Việt Nam được hưởng thuế suất có thời gian ngắn hơn, ví dụ ô tô Việt Nam muốn xuất sang Châu Âu thì chỉ từ 7 năm sau đó VN đã được hưởng lợi ích thuế, nhưng ngược lại Châu Âu để hưỡng lợi ích thuế thì phái mất từ 9-10 năm.

“Tôi nghĩ rằng thách thức lớn nhất nằm ở năng lực của các DN Việt Nam, việc cần là phải xây dựng mạng lưới, thương hiệu thật sự đủ mạnh”, ông nói.

Lo nguyen nhan khien My, EU con e de khi dau tu vao Viet Nam
Cà phê Việt xuất đi Châu Âu được bán với thương hiệu của các DN tại Châu Âu. Ảnh minh hoạ

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng chỉ ra một hạn chế về  xây dựng thương hiệu của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Ông lấy mặt hàng cà phê làm ví dụ, hiện tại tất cả cà phê đặc sản của Việt Nam bán tại Châu Âu nhưng chỉ dưới thương hiệu của các DN Châu Âu.

Một số đại biểu đặt vấn đề cho các doanh nghiệp Việt Nam, cùng là DN sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam vì sao những doanh nghiệp nước ngoài lại không quá đặt nặng, thậm chí làm tốt hơn DN trong nước khi cùng phải chịu khoản chi phí về logictic, các chi phí khác và thủ tục hành chính tương tự nhau.

TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ là một hình thức, cũng chỉ là một nơi “đặt biển sản xuất” vì họ đã vận hành, hoạt động đi vào chuỗi. Nên họ sẽ ít bị ràng buộc nhiều bởi cách thức thực thi luật pháp ở Việt Nam. Họ không gặp rủi ro về thể chế, trái ngược lại với các DN Việt Nam khi động tới lợi ích của các DN nước ngoài tại Việt Nam, hay bất cứ một quốc gia nào thì họ “kêu tận mây xanh”, còn DN Việt Nam thì rất hạn chế về vấn đề quyền lợi và lợi ích.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI