Lo ngại xuất xứ COVID-19 làm trầm trọng thêm bạo lực với người Mỹ gốc Á

25/08/2021 - 18:24

PNO - Các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á lo ngại rằng một báo cáo về nguồn gốc của virus COVID-19 dự kiến ​​được chính quyền Joe Biden công bố trong tuần này sẽ dẫn đến nhiều bạo lực hơn nữa việc chống người châu Á trên khắp nước Mỹ.

Kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu, hàng ngàn người Á ở Mỹ đã là nạn nhân của các vụ chống đối, bạo lực từ lạm dụng bằng lời nói đến tấn công thể xác. Hơn một năm sau, những người ủng hộ người Mỹ gốc Á lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi gặp rủi ro khi mọi người từ từ quay trở lại trường học, nơi làm việc và các hoạt động ngoài trời vào mùa thu này.

Trong ba tháng qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã nghiên cứu dữ liệu và thông tin tình báo từ nhiều nguồn sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh trong 90 ngày phải điều tra về nguồn gốc của virus COVID-19. Hạn chót cho báo cáo là trong tuần này.

Các phụ nữ gốc phản đối sự kỳ thị và bạo lực trên đất Mỹ
Các phụ nữ gốc Á phản đối sự kỳ thị và bạo lực trên đất Mỹ

Việc ông Joe Biden khởi động cuộc điều tra vào tháng 5 được đưa ra sau khi một báo cáo tình báo của Mỹ cho thấy một số nhà nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán của Trung Quốc bị bệnh do nhiễm trùng hoặc bệnh không xác định vào tháng 11/2019 và phải nhập viện.

Các quan chức Nhà Trắng nói rằng việc tìm hiểu tận cùng nguồn gốc của đại dịch sẽ giúp ngăn chặn một đại dịch khác. Tuy nhiên, đến đầu tháng này, các quan chức tình báo vẫn còn chia rẽ về hai giả thuyết - một giả thuyết cho rằng virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc và giả thuyết khác cho rằng virus tự nhiên lây từ động vật sang người.

Jo-Ann Yoo, Giám đốc điều hành của Liên đoàn người Mỹ gốc Á lo ngại: “Chúng tôi biết rằng bất kể báo cáo nói gì, cộng đồng của chúng tôi cũng sẽ là đối tượng tiếp tục bị "nhắm đến" bởi những người luôn coi chúng tôi là người nước ngoài".

Gần hai chục tổ chức quốc gia của người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương đã gửi thư cho Tổng thống Biden, kêu gọi ông nỗ lực gấp đôi để bảo vệ cộng đồng trước khi báo cáo được công bố.

Trong lá thư của mình, các nhóm cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong lịch sử đã ảnh hưởng rất lớn đến cách đối xử với người dân gốc châu Á và Thái Bình Dương trên đất Mỹ. Ngoài ra, những nhóm này lưu ý về việc virus SARS-CoV-2 được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm sự căm ghét, phân biệt chủng tộc và bạo lực.

Người Mỹ gốc Á đã và đang sợ hãi bị tấn công bởi những người luôn xe họ là người nước nfgoài
Người Mỹ gốc Á đã và đang sợ hãi bị tấn công bởi những người luôn xem họ là người nước ngoài

Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức và chính phủ của ông đã thể hiện sự ủng hộ của mình với cộng đồng người Mỹ gốc Á châu và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI), những nhận xét chống lại người châu Á từ các quan chức Mỹ đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nếu trong những báo cáo về nguồn gốc COVID-19 sắp tới mà không được sử dụng khéo léo thì nó sẽ là một dạng "hợp pháp hóa ngôn ngữ phân biệt chủng tộc".

Manjusha Kulkarni, Đồng sáng lập Stop AAPI Hate và Giám đốc điều hành của Chính sách Châu Á Thái Bình Dương cho biết: "Điều quan trọng là chính quyền ông Biden hiểu rằng ngôn ngữ là vấn đề quan trọng. Họ cần sử dụng ngôn ngữ chính xác trong các tuyên bố công khai về cuộc điều tra và đại dịch. Ngoài ra, cũng cần phải nhấn mạnh rằng người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương không có lỗi với đại dịch COVID-19".

Một cuộc khảo sát của Pew Research vào đầu năm nay cho thấy 20% người châu Á được hỏi thừa nhận bạo lực chống lại người châu Á đang gia tăng lưu ý rằng nguyên nhân là do cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc là nguồn gốc của đại dịch và những cụm từ như "cúm Trung Quốc".

Vào tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật về tội ác căm thù COVID-19 thành luật như một nỗ lực nhằm chống lại sự gia tăng của tội phạm căm thù chống người châu Á. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu xúc tiến việc xem xét các vụ việc và tội ác thù hận tiềm ẩn liên quan đến COVID-19 được báo cáo tại các liên bang, tiểu bang hoặc địa phương. 

Đầu tháng  8, Tổng thống Joe Biden đã gặp các nhà lãnh đạo châu Á và Đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng để thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm tầm quan trọng của việc chống lại sự gia tăng của tội phạm căm thù chống người châu Á, cơ hội kinh tế, quyền bầu cử và cải cách nhập cư. Sau cuộc họp đó, một số lãnh đạo AAPI cho biết họ đánh giá cao sự sẵn sàng tham gia của chính quyền Biden với cộng đồng.

Một báo cáo gần đây của Stop AAPI Hate chỉ ra rằng hơn 9.000 báo cáo về sự tấn công người gốc Á đã được đưa ra kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 và  4.533 vụ trong số đó diễn ra trong sáu tháng đầu năm nay.

Phần lớn các vụ việc - khoảng 63,7% - là các trường hợp quấy rối bằng lời nói, trong khi lảng tránh hoặc né tránh chiếm khoảng 16,5%. Theo Stop AAPI Hate, khoảng 13,7% các vụ việc liên quan đến hành hung thể xác.

Yoo, Giám đốc điều hành của Liên đoàn người Mỹ gốc Á, cho biết có rất nhiều nỗi sợ hãi trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. Bà nói: Người già sợ hãi bỏ nhà đi, cha mẹ lo lắng cho con cái đến lớp học trực tiếp và những người lao động cảnh giác trong quá trình đi làm.

"Không có gì thay đổi đối với chúng tôi, chúng tôi sợ hãi. Xin đừng nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc vì chúng tôi đang sống trong cơn ác mộng này suốt thời gian qua", Yoo nói.

Thảo Nguyễn (theo BBC, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI