Lo ngại với những triệu chứng kéo dài sau nhiễm COVID-19

22/09/2021 - 06:18

PNO - Mặc dù hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 hồi phục tốt, nhưng các vấn đề về sức khỏe vẫn tiếp diễn ở một số bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh nặng. Quá trình hồi phục của một số bệnh nhân sẽ mất hơn một năm và điều này cần được quan tâm nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau đại dịch.

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng ¼ người từng bị nhiễm COVID-19 mắc các triệu chứng lâu dài như: đau đầu, chóng mặt, đau bụng, các vấn đề về tim, mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, suy giảm nhận thức…

Tiến sĩ Megan Hosey tại Trường Y Johns Hopkins (Mỹ) cho biết: “Đây là căn bệnh khó, phức tạp và chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người đang phải chống chọi với nó. Các bác sĩ, nhà nghiên cứu ngày càng nhận ra rằng nhiều người sống sót sau khi trải qua một căn bệnh nặng hoặc trải qua chấn thương thể chất nghiêm trọng đều có nguy cơ cao mắc các triệu chứng suy nhược và mạn tính về sức khỏe thể chất, nhận thức và tâm thần. Với bệnh nhân COVID-19 cũng không ngoại lệ”.

Sau khi bị nhiễm COVID-19 phải nhập viện và điều trị, các bệnh nhân thường bị các di chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh - Ảnh: Getty Images
Sau khi bị nhiễm COVID-19 phải nhập viện và điều trị, các bệnh nhân thường bị các di chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh - Ảnh: Getty Images

Theo một nghiên cứu mới đây ở Trung Quốc, gần một nửa trong số hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi ở Vũ Hán - nơi bùng phát dịch đầu tiên - vẫn còn các triệu chứng hơn một năm sau. Trong đó, 20% bệnh nhân gặp các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi hoặc yếu cơ, 17% khó ngủ và 11% bị rụng tóc.

Cao Bin - thành viên nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y học hô hấp quốc gia (Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) - cho biết: “Mặc dù hầu hết hồi phục tốt, nhưng các vấn đề sức khỏe vẫn tiếp diễn ở một số bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh nặng. Phát hiện của chúng tôi cho thấy quá trình hồi phục của một số bệnh nhân sẽ mất hơn một năm và điều này cần được tính đến khi lập kế hoạch cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau đại dịch”.

Kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, sau hơn một năm nhiễm bệnh, cứ mười người thì có ba người bị hụt hơi, khoảng 20 - 30% người gặp tình trạng khó vận chuyển oxy vào máu, riêng những người đặt máy thở lên tới 54%. Một nghiên cứu khác ở Mỹ về những bệnh nhân sống sót sau suy hô hấp cấp và được thở máy trong ICU cho thấy hơn 80% trong số họ bị suy giảm sức khỏe thể chất, nhận thức hoặc tâm thần sau khi xuất viện. 

Bà Megan Hosey khẳng định, bệnh nhân COVID-19 đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề sức khỏe dai dẳng. Một nghiên cứu tại Mỹ, Anh cho thấy một năm sau khi nhập viện, 1/3 số bệnh nhân suy hô hấp nặng đã bị giảm nhận thức đáng kể. Một nghiên cứu khác cho thấy, 1/4 số bệnh nhân được điều trị trong ICU có các triệu chứng lo âu, trầm cảm kéo dài.

“Thật không may, những người bị COVID-19 kéo dài ít được sự quan tâm của y, bác sĩ. Các nhà nghiên cứu thì vẫn chưa hiểu đầy đủ về nguyên nhân của các triệu chứng mạn tính này. Rõ ràng COVID-19 kéo dài là các phiên bản mới dành cho các nhà nghiên cứu”, Megan Hosey nói.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã kêu gọi các nghiên cứu rộng hơn để hiểu sâu về những hậu quả lâu dài của căn bệnh này và hỗ trợ nhiều hơn cho những người sống sót. “Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu tại sao các triệu chứng bệnh lại lâu dài và vấn đề tâm thần (như lo lắng và trầm cảm) lại phổ biến ở những người bị nhiễm COVID-19 như thế”, giáo sư Gu Xiaoying, Viện Lâm sàng của Bệnh viện Bắc Kinh, cho biết.

Theo bà Megan Hosey, những bệnh nhân có các vấn đề mạn tính sau nhiễm COVID-19 có thể học cách đối phó như tự điều chỉnh hoạt động, liên hệ với bác sĩ nhờ tư vấn, tích cực chia sẻ thông tin sức khỏe với cộng đồng, tránh cảm giác chịu đựng một mình trước khi chờ đợi các nhà khoa học tìm ra những phương pháp cũng như chiến lược để chữa trị các triệu chứng trên. 

Nguyễn Thảo (theo AFP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI