Lo ngại về những dự án trá hình làm điện mặt trời

14/12/2020 - 06:56

PNO - Theo văn bản 7088/BCT ngày 20/9/2020 của Bộ Công thương về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) thì điện mặt trời mái trang trại cũng được Nhà nước thu mua nối lưới. Đây là lý do khiến hàng loạt dự án trá hình đang lũ lượt mọc lên khắp Tây Nguyên.

Theo lời người dân thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, khoảng hai tháng trước có người về thôn mua 1,8ha đất vườn, rồi mua thêm dần ra khoảng gần 10ha. 

Bà Bằng, người bán 1,8ha đất đầu tiên than thở: “Họ mua vườn rồi san đồi vùi lấp hết cây cối, cả cây rừng tự nhiên, lấp cả một nhánh suối. Tôi mà biết như thế thì tôi không bán đâu!”. 

Trong ba dự án trồng nấm, nuôi gà ở thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, H.Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chỉ có mộ t lán được treo và i bị ch meo nấm
Trong ba dự án trồng nấm, nuôi gà ở thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chỉ có một được treo vài bịch meo nấm

Những người trong thôn cho biết, ngày họ vào mua đất của bà Bằng, giá đất mới chỉ 120 triệu đồng/sào, vậy mà nay tăng lên 250 - 400 triệu đồng/sào. Giá đất lên khiến dân nhấp nhổm không yên. Ông Quý, một người bán đất cho chủ đầu tư làm điện, nói: “Người dân ở đây quá bất ngờ, cứ nghĩ họ mua đất để làm nông, nào ngờ họ san bằng để làm điện. Họ làm nhanh đến không ngờ. Chưa đầy hai tháng mà nhà thép đã mọc lên cùng với những tấm pin mặt trời”. 

Bà con cho biết, do đây là đất rừng khai hoang làm nông nghiệp nên cây rừng tự nhiên vẫn còn nhiều, nhiều cây 20 - 30 năm tuổi. Nhưng khi san đồi, chủ đầu tư cho vùi hết cây. 

Ông Lê Văn Quyết và ông Trịnh Quang Tân - Bí thư và Chủ tịch xã Ea Nuôl - cho biết việc dân khiếu nại, tỉnh đã về kiểm tra. Và kết quả là: “Có phép cả đấy, người ta xin phép làm trại nấm”. Ông Nguyễn Thế Thành - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Buôn Đôn - quả quyết: ”Huyện đã đi kiểm tra thực tế và các dự án đang tiến hành đều đầy đủ giấy phép hoạt động với dự án trồng nấm”. 

Về chuyện lấp suối, ông Tân khẳng định, chẳng có con suối nào cả, nên không thể nói làm điện vùi lấp suối! Nhưng bà con đều khẳng định con suối là một nhánh của suối Xanh chảy từ TP. Buôn Ma thuột về qua thôn. Theo hình đưa lên Facebook thì vào mùa hè vừa qua nhiều đứa trẻ trong xóm vẫn còn xuống tắm ở con suối này. Bà Bằng đưa chúng tôi trở lại vị trí của con suối, nhưng suối đã bị lấp. Từ vị trí của con suối nhìn lên, hàng trăm trụ thép đang sừng sững mọc lên bên cạnh những khu vườn rẫy vẫn xanh ngát, thanh bình.

Người dân ở xã Ea Nuôl còn lo lắng về sự an toàn của các trụ điện, lưới điện. Lãnh đạo Công ty Điện lực Đắk Lắk trả lời: “Theo quy định của Bộ Công thương về hướng dẫn phát triển ĐMTMN thì chủ đầu tư có bản cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng. Đối với hệ thống điện mặt trời trên mái trang trại, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại trong hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối hoặc hợp đồng mua bán điện. Trước khi đóng điện, Công ty Điện lực Đắk Lắk và chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu kỹ thuật đường dây và hệ thống điện mặt trời”.

Các dự án điện năng lượng mặt trời tại thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, H.Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk
Các dự án điện năng lượng mặt trời tại thôn Hòa Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

Để hạn chế việc phá rừng, phá nương rẫy và bảo vệ môi trường, ngành điện chỉ thu mua ĐMTMN, không thu mua điện từ các dự án điện mặt trời khác. Và, theo hướng dẫn tại văn bản 7088/BCT ngày 20/9/2020 của Bộ Công thương về phát triển ĐMTMN thì điện mặt trời mái trang trại cũng là đối tượng được Nhà nước thu mua nối lưới. Đây là lý do khiến hàng loạt dự án trá hình “trồng nấm”, “nuôi gà”, “nuôi heo” nhưng thực chất là làm điện mặt trời để được bán với giá ưu đãi đang lũ lượt mọc lên khắp Tây Nguyên. 

Theo quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, giá mua điện (8,38 Uscents/kWh) được áp dụng cho các hệ thống ĐMTMN có thời điểm đưa vào vận hành phát điện và xác định chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết 31/12/2020. Đây là lý do khiến các nhà đầu tư gấp rút thi công chạy đua với thời gian để được hưởng chính sách ưu đãi, theo lãnh đạo Công ty Điện lực Đắk Lắk.

Trở lại với các dự án điện mặt trời tại xã Ea Nuôl, cho đến ngày 12/12, các tấm pin mặt trời đã được lợp kín, trong khi chỉ có một giàn meo nấm lèo tèo được treo lên. Người dân ở đây quả quyết, việc treo vài meo nấm chỉ là đối phó, còn bản chất là đầu tư điện mặt trời để hưởng giá điện ưu đãi.

Theo số liệu của Tổng công ty Điện lực miền Trung, tính đến ngày 30/11, toàn khu vực có 17.000 khách hàng bán điện với tổng công suất 925 MWp, riêng tại Đắk Lắk có gần 5.500 công trình với tổng công suất hơn 580 MWp, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn vùng.  

Một số dự án phá rừng, phá vườn cây, lấp cả dòng chảy tự nhiên để làm điện mặt trời bất chấp hậu quả về môi trường đang là một thực trạng báo động khắp các tỉnh Tây Nguyên. 

Nghi Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI