Lo ngại giá nhà tăng khi luật mới có hiệu lực

18/07/2024 - 09:36

PNO - Các chuyên gia cho rằng, khi các bộ luật có hiệu lực sẽ tạo điều kiện tháo gỡ pháp lý, nhưng có thể giá bất động sản sẽ tăng, khiến người dân khó tiếp cận nhà ở.

Ông Lê Đình Chung - thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS, Tổng giám đốc SGO Homes, nhận định, cùng với tiến trình phục hồi của thị trường, niềm tin thị trường cũng ghi nhận phục hồi đáng kể, phần chênh giữa quan tâm, xem xét và mua bất động sản được rút ngắn, lượng khách hàng quyết định xuống tiền mua bất động sản tăng trưởng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp khi hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, lãi suất duy trì ổn định ở mức thấp, các chủ đầu tư mạnh tay triển khai các chương trình ưu đãi.

Điều này giúp tỉ lệ hấp thụ các phân khúc đều khởi sắc nhẹ. 6 tháng đầu năm, thị trường sơ cấp ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công (gấp 3 cùng kỳ năm 2023). Riêng quý II, toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công (cao gấp 2,4 lần quý I), cả nhu cầu đầu tư và nhu cầu ở thực với nhu cầu đầu tư tăng khoảng 30% so với quý trước.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi các bộ luật chính thức có hiệu lực sẽ tạo điều kiện tháo gỡ pháp lý, góp phần tạo sân chơi rộng hơn, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần lưu ý, đó là có thể giá bất động sản sẽ tăng vì các quy định tính giá đất theo giá thị trường, khiến cho việc tiếp cận bất động sản của người dân gặp khó khăn hơn và phát sinh những điểm trống, bất cập.

Do đó cần có các văn bản hướng dẫn luật phải thật sự “chất lượng”, cụ thể, chi tiết, đảm bảo thuận lợi để các đối tượng tiếp cận và thực hiện theo. Đồng thời, tiếp tục củng cố niềm tin người dân, tăng tính hấp dẫn các sản phẩm bất động sản, có chính sách hỗ trợ tốt hơn với phân khúc nhà ở xã hội.

G
Khách hàng xem mô hình một dự án chung cư

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, để thị trường bất động sản ổn định và phát triển trở lại, rất cần thông cung - cầu.

Thứ nhất, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm, để không kìm hãm nhịp phục hồi của thị trường.

Thứ hai, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp, khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất hỗ trợ.

Thứ ba, cải thiện mức lương tối thiểu để người dân có cơ hội tăng thu nhập, từ đó cầu cũng tăng lên.

Thứ tư, thu hút dòng đầu tư để duy trì và thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp, thương mại và du lịch, nghỉ dưỡng.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cũng cho rằng, cả 3 bộ luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là cho cả quá trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo là công cụ để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường.

Doanh nghiệp cần nỗ lực tái cấu trúc, phát triển bất động sản hợp túi tiền, nhu cầu của người dân. Ở phân khúc nhà ở xã hội, cần có cái nhìn mới, theo hướng là kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI