Lo ngại bùng phát bệnh viêm màng não mô cầu

26/02/2016 - 11:30

PNO - Ngày 25/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người dân đề phòng căn bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra.

Lo ngai bung phat benh viem mang nao mo cau
Bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra có thể phát tán trong cộng đồn

Không có dấu hiệu bùng phát bệnh

Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương đã “khoanh vùng” theo dõi gần 50 người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (BN), gồm các học sinh, người thân, nhân viên y tế… Đến chiều ngày 25/2, chưa ghi nhận thêm trường hợp nào có dấu hiệu sốt, nghi mắc bệnh. Lo ngại dịch bệnh bùng phát, nhiều người dân tại Hải Dương và Hà Nội đã mua thuốc có chứa thành phần cliprofl oxacin để… uống phòng.

Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo: “Trong điều trị bệnh viêm màng não mô cầu có sử dụng thuốc chứa thành phần này, nhưng mọi người không được mua thuốc uống tùy tiện mà phải có chỉ định của bác sĩ (BS) sau khi đã thăm khám và xác định có tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh”

Chiều 25/2, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, khu vực miền Nam chưa ghi nhận ca bệnh não mô cầu nào. Theo BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra dịch nhưng hiếm gặp. Năm 2014 và 2015, mỗi năm TP.HCM tiếp nhận chỉ một ca bệnh; ca bệnh năm 2015 đã tử vong.

ThS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời điểm này BV không tiếp nhận ca viêm màng não mô cầu nào. Gần đây nhất là khoảng năm tháng trước, BV đã điều trị hai ca có biểu hiện giống viêm màng não mô cầu nhưng đã bình phục. Sở Y tế Hà Nội cũng xác nhận, thời điểm này không có ổ bệnh viêm màng não mô cầu nào tại địa phương, số ca ghi nhận được chỉ xuất hiện rải rác.

Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong năm 2015 và đầu 2016 đã ghi nhận có các trường hợp mắc bệnh rải rác tại Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn… trong đó đã có trường hợp tử vong. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10 -20%.

Lo ngai bung phat benh viem mang nao mo cau
Viêm não mô cầu dễ dàng tấn công trẻ em

Dễ chẩn đoán nhầm, nhanh trở nặng

Khi nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis, sau 10 ngày ủ bệnh, người bệnh sẽ đột ngột sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, sợ ánh sáng, cứng cổ, khó thở. Các dấu hiệu đi kèm thường là: li bì, mê sảng, hôn mê, co giật, phát ban, chân tay lạnh.

Do vi khuẩn gây nhiễm trùng sinh mủ ở hệ thống các màng bao quanh não và tủy sống nên thường được gọi là bệnh viêm màng não mủ. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng máu, gây choáng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

ThS-BS Lâm Minh Yến - nguyên Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cảnh báo, các triệu chứng của bệnh não mô cầu thường xuất hiện nhanh và mau trở nặng. Các BN bị nhiễm trùng máu thường kèm theo bị viêm màng não đến 65% và có 10-20% ca bệnh rơi vào nhiễm trùng máu thể tối cấp. Đặc biệt, thể viêm họng mũi là biểu hiện xảy ra hàng loạt trong mùa dịch não mô cầu, triệu chứng thường gặp là sổ mũi, viêm họng đỏ, không có hạch cổ và amiđan không to.

Ngoài ra, BN còn bị một số bệnh khác như: viêm khớp, viêm màng tim, viêm thận, viêm phổi… Theo BS Yến, bệnh dễ bị nhầm với một số bệnh thông thường như: sốt xuất huyết, thủy đậu, tay-chânmiệng. Ví dụ, giai đoạn đầu BN thường xuất hiện các nốt tử ban giống của bệnh sốt xuất huyết nhưng có khi kèm dạng bóng nước của bệnh tay-chân-miệng và thủy đậu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI