Lo mất việc vì những cuộc gọi “trời ơi”

12/04/2022 - 06:23

PNO - Anh B. (quận Tân Bình, TPHCM) từng vay tiền qua mạng. Dù đã thanh toán xong từ lâu nhưng đến nay, gia đình anh vẫn không được yên ổn.

Anh B. cho hay, từ tháng 8 đến tháng 10/2021, anh đã vào một số app trên mạng để vay tiền. “Tôi vay nhiều lần, mỗi lần 2 triệu đồng, nhưng họ trừ lãi trước nên số tiền thực chuyển vào tài khoản của tôi chỉ còn 1,1 triệu đồng” - anh B. nói. Với mỗi khoản vay, anh đều thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Nhưng không hiểu sao, từ sau tết Nguyên đán 2022, họ lại gọi điện, nhắn tin đòi nợ anh mỗi ngày với số tiền lên đến hơn triệu đồng. Thấy phiền phức, anh B. đã đổi số điện thoại.

Bà V. - nhân viên một trường tiểu học ở quận Tân Bình, là cô ruột của anh B. - cho hay: “Sau khi cháu tôi thay số điện thoại thì đến gia đình tôi không còn được yên ổn”. Theo bà V., không chỉ bà mà các anh chị em của bà liên tục bị khủng bố bởi hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn từ nhiều số điện thoại lạ. Họ chửi bới, dọa nạt rằng gia đình bà sẽ gặp đủ chuyện xui rủi, nếu không trả nợ thay B. Lo sợ, gia đình bà V. đồng ý trả lại tiền nhưng đề nghị gặp trực tiếp. Nhóm đòi nợ hẹn gặp ở nhiều nơi, khi thì tại một cửa hàng tiện lợi, lúc ở ngoài đường, lúc tại quán cà phê… nhưng không lần nào chúng xuất hiện.

“Họ không bao giờ bắt máy khi chúng tôi gọi lại. Và cứ sau mỗi lần không gặp được, họ lại nhắn số tài khoản và đề nghị chuyển khoản” - bà V. kể. Nghĩ rằng, dù có trả thì chuyện vẫn chưa chấm dứt nên gia đình bà V. không chuyển khoản.

Không chỉ mệt mỏi với các cuộc gọi, tin nhắn khủng bố từ nhóm đòi nợ, bà V. còn sợ mất việc làm
Không chỉ mệt mỏi với các cuộc gọi, tin nhắn khủng bố từ nhóm đòi nợ, bà V. còn sợ mất việc làm

Trong lúc còn chưa hết mệt mỏi vì bị làm phiền thì bà V. được hiệu trưởng nhà trường mời làm việc. Hiệu trưởng cho biết, từ đầu tháng 3, bà nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn tố cáo bà V. nợ tiền không trả. Hiệu trưởng không phản hồi thì chúng nhắn tin hăm dọa với lời lẽ thô tục, yêu cầu phải gây sức ép để bà V. trả tiền nếu không sẽ rêu rao bà là người đi vay giật nợ.

Anh, chị, em của bà V. bỗng dưng cũng trở thành “con nợ” như bà, bị hăm dọa tố cáo, bôi nhọ lên công ty, đơn vị, thậm chí chúng còn tuyên bố sẽ không để gia đình của lãnh đạo công ty, đơn vị nơi họ làm việc được yên ổn. Giám đốc một công ty sản xuất bao bì nơi em trai bà V. làm việc còn bị đe dọa: nếu không yêu cầu cấp dưới trả tiền hoặc trả tiền thay, họ sẽ phanh phui nhiều thông tin xấu của công ty, con cái của giám đốc sẽ “gặp chuyện”.

Bà V. thắc mắc, không hiểu sao nhóm đòi nợ lại có tất cả thông tin của đồng nghiệp và lãnh đạo các đơn vị, công ty của anh, chị, em bà đang làm? Mặc dù được lãnh đạo thông cảm, nhưng nếu không sớm chấm dứt tình trạng này thì e rằng các anh, chị, em và cả bà đều có nguy cơ mất việc. “Hiện nay, lãnh đạo của anh, chị, em tôi đang rất mệt mỏi vì suốt ngày bị quấy phá, không tập trung làm việc được. Hiệu trưởng của tôi cũng rất lo nhóm đòi nợ quay sang “khủng bố” phụ huynh, gây ảnh hưởng đến nhà trường” - bà V. nói.

Luật sư Đặng Đức Trí (Hãng luật Roma) cho hay, các app, link cho vay lãi suất cao phần lớn hoạt động phi pháp. Câu chuyện của anh B. cũng là tình trạng chung của rất nhiều công nhân, lao động thu nhập thấp ở thành phố đang nhờ các luật sư giúp đỡ. Nhiều người vay với số tiền lớn, không còn khả năng trả nợ thì nhóm đòi nợ thuê lộ diện đòi nợ, hăm dọa tạt sơn, gây các vụ va chạm giao thông… 

Nhưng thường thì các nhóm đòi nợ không ra mặt mà tích cực tác động tiêu cực đến tinh thần, cuộc sống của gia đình người vay. “Trong trường hợp này, người vay có thể thu thập thông tin của nhóm đòi nợ như số tài khoản, ghi âm cuộc gọi, lưu giữ tin nhắn hăm dọa… để gửi đến chính quyền địa phương, công an đề nghị làm rõ” - luật sư Trí nêu. Theo ông Trí, người vay có thể gửi cùng lúc đến các nhà mạng và Phòng An ninh mạng - Công an TPHCM nhờ ngăn chặn các cuộc gọi quấy rối. 

Tình trạng cho vay lãi suất cao qua app, link đang diễn ra rất phổ biến, rất nhiều người “dính bẫy” và gặp phải nhiều phiền toái sau đó. Do đó, tốt nhất, người dân không nên vướng vào các hình thức cho vay trái phép này, theo luật sư Đặng Đức Trí. 

P. Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI