Như lời tựa trong cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu của Euny Hong: "Cách một quốc gia chinh phục thế giới qua ngành giải trí", làn sóng Hàn lưu (Hallyu) đã khiến tên Hàn Quốc được nhắc đến trên khắp các châu.
Để có được làn sóng Hàn lưu đó, những "lò luyện" bắt đầu ra đời. Ở đây, người ta không luyện "chữ" mà người ta luyện "người". Và, rất nhiều quãng đời thanh xuân đã chôn vùi nơi đó...
Những "lò luyện Idol" tiêu tốn một khoản chi phí khổng lồ
Một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng, trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành các bậc phụ huynh sẽ tiêu tốn khoảng 5,2 tỷ. Tuy nhiên, con số này chưa là gì nếu so với khoản chi phí đầu tư khủng mà một công ty giải trí Hàn Quốc bỏ ra để đào tạo "gà cưng" của họ, từ khi còn là thực tập sinh cho đến khi chính thức ra mắt.
|
JYP - một 'lò luyện' khét tiếng của Kpop |
Không có một con số cụ thể nào được công khai, nhưng nhìn vào quá trình đào tạo, có thể đưa ra những ước tính cụ thể cho từng khoản mục đầu tư của các công ty. Đương nhiên, nếu là "gà cưng" của những công ty lớn, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ được đầu tư, chăm chút kĩ hơn, số tiền mà các công ty lớn bỏ ra cũng sẽ nhiều hơn so với các công ty nhỏ.
Một số những công ty lớn có thể kể đến như: SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment, Cube Entertainment, FNC Entertainment, DPS Entertainment,... Con số thực tập sinh ở các công ty này cũng cao hơn nhiều so với những công ty nhỏ, mức độ cạnh tranh để được ra mắt cũng khốc liệt hơn.
Thông thường chi phí ước tính để đào tạo bài bản một nhóm thần tượng cho đến khi họ phát hành album đầu tay là khoảng 2 tỷ won (tương đương với 40 tỷ đồng). Tuy nhiên đây chỉ là con số ước tính, con số cụ thể có thể nhiều hơn tuỳ vào tiềm lực kinh tế của công ty, thời gian training, các yêu cầu khác,... Nhờ con số này mà bạn có thể hiểu được mức chi trả khổng lồ mà các công ty chủ quản phải chịu, và dù có cắt giảm chi phí đến mức tối đa, thì con số này cũng không thể dưới 1,5 tỷ won (tức là khoảng 30 tỷ đồng).
|
Hình ảnh phía trong các công ty giải trí |
Số tiền đầu tư sẽ dùng để chi trả phí thuê giáo viên thanh nhạc, giáo viên vũ đạo, giáo viên ngoại ngữ, chi phí ăn uống, chăm sóc thân thể (thể dục, thẩm mỹ viện), ngoài ra còn chi phí thuê kí túc xá và đối với các công ty nhỏ thì còn thêm cả chi phí thuê phòng tập. Đương nhiên điều đó có nghĩa là trong suốt quá trình là thực tập sinh, từ khi đặt bút xuống kí vào hợp đồng, người đó sẽ được công ty chi trả toàn bộ chi phí đào tạo và chi phí sinh hoạt.
Ngoài chi phí đào tạo, con số chi trả cho việc ra mắt của các thần tượng cũng không hề nhỏ. Chi phí này bao gồm việc phát hành album, quay MV (thông thường việc một MV có mức đầu tư vài tỷ đồng là chuyện hết sức bình thường). Thêm vào đó, để xuất hiện thật hoàn hảo trước công chúng, các công ty còn phải đảm bảo có một đội ngũ quản lý, đội ngũ chế tác, sáng tạo, đội ngũ marketing, đội ngũ stylist phục trang, chuyên gia trang điểm, tạo mẫu tóc,...
Ngoài ra nếu như không có một đội ngũ các nhà sản xuất riêng, các công ty tiếp tục phải chi trả phí để thuê các nhà sản xuất lớn tạo hit cho "gà cưng" của mình. Và con số này được ước tính sẽ ngốn tiếp khoảng gần 10 tỷ đồng, có thể dao động tuỳ vào điều kiện công ty và chiến lược của họ. Thỉnh thoảng, các công ty cũng không tiếc tiền mạnh tay chi trả để mời những nhà sản xuất và biên đạo nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới về hợp tác với họ trong quá trình sản xuất album cho "gà cưng".
|
Mất 11 năm thanh xuân, Dragon mới được biết đến |
Với sự lan rộng mạnh mẽ của mô hình giải trí và đào tạo thần tượng, các công ty ngày càng phát triển mạnh mẽ với việc đầu tư xây dựng trụ sở với diện tích cực khủng, tích hợp hệ thống các phòng tập, phòng luyện thanh, phòng thu âm, phòng nhạc cụ, studio,...
Cùng với đó, họ xây dựng nên đội ngũ nhà sản xuất, nhạc sĩ, giáo viên luyện thanh và các biên đạo riêng, điển hình như các ông lớn: SM, YG, JYP,... Một số công ty còn mở cả trường đào tạo "Idol" để bất cứ ai cũng có thể tham gia trải nghiệm, tuy nhiên học viên sẽ tự mình chi trả các chi phí, và nếu thực sự có khả năng các học viên này hoàn toàn có thể đủ điều kiện để trở thành một thực tập sinh chính thức của công ty và ký hợp đồng với họ. Một ví dụ điển hình là FNC Academy. Thậm chí anh chàng Seungri của Bigbang cũng đã từng mở ra học viện tương tự.
Nếu có theo dõi Kpop, chắc không ai còn lạ với những sân khấu lung linh, phục trang sặc sỡ, và những hình ảnh cuốn hút của Idol với mỗi màn trở lại của họ. Con số chi trả trong suốt thời gian quảng bá cũng không hề nhỏ, ước tính trung bình khoảng 100 triệu won (tức khoảng 2 tỷ) cho chỉ mỗi tháng quảng bá trên các show âm nhạc hàng tuần.
Đầu tư một số tiền lớn như vậy, công ty thu về được những gì? Đương nhiên, để ký được bản hợp đồng trở thành thực tập sinh cho đến ngày được chính thức ra mắt, thực sự sẽ phải đánh đổi rất nhiều..
Lò luyện Idol – địa ngục sau ánh hào quang
Phía bên dưới những lớp trang điểm, bên dưới những màn trình diễn công phu, đằng sau những giọt nước mắt lăn dài trên sân khấu của những thần tượng Kpop là những góc khuất mà khó ai có thể tưởng tượng. Ở đó tồn tại một hành trình đến vinh quang gian nan mà không phải ai cũng dám dấn thân và đủ sức kiên trì đi đến tận cuối con đường.
|
Tất cả các thành viên BEAST (cũ) đều gặp nhiều thất bại trước khi được ra mắt chính thức |
Muốn trở thành một thực tập sinh, trước hết người đó phải vượt qua buổi thử giọng (audition) của công ty chủ quản. Trừ trường hợp vô tình được nhân viên các công ty giải trí "bắt gặp trên đường", "được dắt ngay về thử giọng và đương nhiên là dễ dàng vượt qua", tuy nhiên, con số này không nhiều và đa số đều là những Idol sở hữu ngoại hình đẹp lung linh như: Chị em Jessica (cựu tv SNSD) và Krystal Jung F(x), Minho (SHINee), Sehun (EXO), Changmin (TVXQ),...
Không may, một số Idol khác lại phải trải qua vô số thất bại, trước khi nhận được lời đồng ý của một công ty quản lý nhất định: IU nữ ca sỹ solo nổi tiếng nhất Kpop đã thất bại đến 20 lần tại các buổi thử giọng trước khi nhận được lời đồng ý của LOEN Ent. Tương tự, ông hoàng giải trí Kbiz Bi Rain đã thất bại những 10 lần trước khi nhận được cái gật đầu của ông trùm JYP,....
Thậm chí khi đã trở thành thực tập sinh rồi, cuộc còn khốc liệt hơn, không ít người đã bỏ cuộc và không ít Idol được đào tạo ở công ty này rồi lại ra mắt dưới trướng một công ty khác: toàn bộ các thành viên BEAST cũ (nay là Highlight) đều đã thất bại trong các cuộc tuyển chọn nhóm để ra mắt trước khi đầu quân cho Cube để được tái sinh và trở thành một trong những nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc. Một số những Idol nổi tiếp khác kể đến như Hani, Junghwa - EXID, Hara - KARA (từng thuộc JYP Ent.), Choa - AOA, Soyeon - T-ara (từng thuộc Sm Ent.),...
|
IU đã 20 lần thất bại trong các cuộc thử giọng nhưng không bỏ cuộc |
Quá trình đào tạo để trở thành thực tập sinh cũng vô cùng dài. Nếu may mắn và gặp thời, mỗi người có thể chỉ phải mất 1-2 năm đào tạo trước khi ra mắt chính thức. Tuy nhiên con số này thường nhiều hơn thế rất nhiều.
Có thể nói các thực tập sinh đều đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình để được ra mắt: G-soul mất 15 năm thực tập sinh dưới trướng JYP, GDragon trưởng nhóm điển trai và tài năng của Bigbang mất 11 năm, Min (MissA), Jokwon (2AM), Jessica mất khoảng 8 năm, Hyoyeon, Seohyun, Sooyoung (SNSD) mất khoảng 7 năm. Còn lại các Idol khác đều có thời gian training trong khoảng từ 3 đến 6 năm...
Đó là một con số không hề nhỏ, nếu so với quỹ thời gian mà chúng ta tụ tập, vui chơi với bạn bè. Idol phải tập trung toàn bộ thời gian ở phòng tập. Và để được ra mắt chính thức, còn tuỳ thuộc vào công ty và vào việc họ có tập hợp đủ các thành viên để tạo thành một nhóm hoàn chỉnh hay không, có đủ kinh phí để thực hiện album ra mắt hay không. Việc một người dành hết cả tuổi trẻ ở phòng tập và rồi không bao giờ được ra mắt là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Là thực tập sinh ở công ty lớn sẽ cho người đó nhiều cơ hội để ra mắt thành công hơn, nhưng cùng với đó cũng là áp lực mà người đó phải chịu trong cuộc chiến sinh tồn. Các công ty quản lý sẽ có những đợt kiểm tra định kì, và nếu như người đó không cải thiện, không tiến bộ, thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị đào thải.
|
Các thành viên SNSD có thời gian đào tạo trung bình từ 5-7 năm |
Khoảng giữa năm 2016, một trang tin ở Hàn Quốc đã gây shock cho dư luận khi đăng một bài báo phỏng vấn một thực tập sinh cũ của SM Ent. – người được cho là đã từ bỏ vì không thể chịu đựng áp lực trong quá trình đào tạo. "Nếu bạn đến muộn hoặc vi phạm luật, bạn phải hát trong khi chạy vòng quanh phòng tập 10 lần. Bạn luyện thanh bằng cách chống đẩy trong khi ai đó sẽ đấm vào bụng bạn để cơ và nội lực giọng hát phát triển. Nếu bạn mắc lỗi, bạn phải tường trình toàn bộ sự việc ra giấy và họ sẽ không cho phép bạn luyện tập để khi bạn giải thích rõ những gì bạn đã làm. Họ kiểm tra cân nặng của bạn mỗi tháng và dạy bạn về thái độ và cách hành xử. Họ dạy bạn chơi nhạc cụ và đánh những nốt nhạc ngẫu hứng trên piano để giúp bạn phân định đúng cao độ từng nốt nhạc" – thực tập sinh này nói.
Cô tiếp tục: "Mọi thứ luôn phải đúng theo lịch trình và sẽ có bài tập về nhà. Thậm chí việc đi đến trường học chữ trong 30 năm còn dễ dàng hơn. Nếu như bạn không tiến bộ nhưng bạn xinh đẹp, họ sẽ bắt bạn ở dưới nước và nín thở trong 5 phút hoặc bắt bạn ngồi kiểu chữ V và ném bóng rổ vào bụng bạn khi bạn thở để cơ bụng phát triển".
Ngoài các kĩ năng về thanh nhạc, các công ty còn trang bị cho “gà nhà” khả năng ngoại ngữ, diễn xuất và ứng xử trước công chúng. Vì vậy không ít Idol đã lấn sân sang mảng điện ảnh và gặt hái thành công nhất định.
Cân nặng cũng luôn được kiểm soát chặt chẽ cả khi họ đã ra mắt.
Thực tập sinh thường bị cấm hẹn hò và sử dụng điện thoại, mạng xã hội, một số công ty như YG thậm chí còn ngăn cách giữa khu tập của nam và nữ, họ sắp xếp lịch tập riêng rẽ để các thực tập sinh khác giới không bao giờ chạm mặt nhau.
|
Bi Rain cũng đã nhận 10 lần thất bại trước khi được biết đến |
Hiện nay, đời sống của các thực tập sinh đã được cải thiện hơn do thành công của lứa đàn anh đàn chị đi trước thu về lợi nhuận lớn cho công ty. So với thế hệ Idol thứ nhất và thứ hai, thế hệ Idol mới nhất có cơ sở vật chất để đào tạo tốt hơn, tuy nhiên có lẽ vì vậy mà những Idol ra mắt gần đây vẫn không thực sự nổi trội so với thế hệ Idol trước đó.
Nhưng, lứa Idol đi trước có đời sống thực tập sinh rất vất vả, họ không có kí túc xá và thường xuyên phải ngủ ở nhà tắm công cộng, suất ăn cũng ít ỏi và họ thường phải nhịn đói. Ngoài ra, thời gian để luyện tập cũng rất lớn và họ thường không có nhiều thời gian để ngủ, trung bình mỗi ngày họ chỉ ngủ khoảng một hai tiếng. Kahi (cựu thành viên After School) từng chia sẻ, có thời kì, một ngày cô chỉ được ngủ khoảng 30 phút.
Vì được nhận một khoản chi phí đầu tư lớn, nên sau khi ra mắt, Idol phải chấp nhận làm việc không lương, đến khi công ty chủ quản hoàn vốn, sau đó sẽ chia theo tỷ lệ công ty: nghệ sĩ. Con số này ít khi được công bố cụ thể, nhưng có vẻ như tình trạng bóc lột sức lao động hay tỷ lệ ăn chia không hợp lý vẫn còn tồn tại, dẫn đến nhiều vụ kiện của các nhóm nhạc lớn với công ty chủ quản, như: DBSK, HanGeng (Super Junior) với SM Ent., Kara với DPS,... Hiện nay, đa số các công ty có mức ăn chia hợp lý hơn để giữ chân gà nhà, điển hình như YG Ent.
Có thể thấy, con đường đi đến thành công chưa bao giờ là dễ dàng, và đối với ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, cạnh tranh mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Làn sóng Hallyu, làn sóng đã khuynh đảo giải trí toàn cầu, đi lên từ ý chí quyết tâm bền bỉ của con người Hàn Quốc và chứa trong đó mà tuổi thanh xuân của những idol.
Hoàng Trang