Lo lắng trước gia đình hoàng tộc thu hẹp, Nhật Bản suy xét việc có nữ hoàng

15/05/2021 - 13:23

PNO - Các chuyên gia Nhật Bản đã được triệu tập để xem xét thay đổi luật kế vị, vốn chỉ dành cho nam giới, trong bối cảnh hoàng tộc ngày thu hẹp.

Một hội đồng chuyên gia đã bắt đầu thảo luận về việc giải quyết tình trạng thiếu người thừa kế ngai vàng Nhật Bản, vì một cuộc thăm dò cho thấy 4/5 người được hỏi cảm thấy thoải mái với ý tưởng phụ nữ trở thành nữ hoàng.

Việc giải quyết cuộc khủng hoảng kế vị ngày càng cấp thiết do khan hiếm nam giới trong chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới, đặc biệt là sau khi cựu Nhật hoàng Akihito thoái vị vì lý do sức khỏe.

Hoàng đế Naruhito, người kế vị vua cha cách đây hai năm, chỉ có một người con duy nhất là Công chúa Aiko 19 tuổi. Nếu cô ấy kết hôn với một người không phải hoàng gia, cô ấy sẽ phải rời khỏi hoàng gia và trở thành một công dân bình thường.

Aiko không thể trở thành nữ hoàng và con trai cô không thể trở thành hoàng đế nếu không có sự thay đổi trong luật.

Điều đó để lại hai người thừa kế: Em trai của hoàng đế Naruhito - Thái tử Fumihito (55 tuổi) và cháu trai 14 tuổi, Hoàng tử Hisahito. Trường hợp cuối cùng, Hoàng thân Hitachi - người chú 85 tuổi của hoàng đế Naruhito - trở thành hoàng đế xem chừng rất khó xảy ra.

Gia đình hoàng gia Nhật Bản ngày càng thu hẹp khi hiện tại chỉ còn ba người có thể kế vị ngai vàng hoa cúc, trong đó duy nhất một người dưới 30 tuổi.
Gia đình hoàng gia Nhật Bản ngày càng thu hẹp khi hiện tại chỉ còn ba người có thể kế vị ngai vàng hoa cúc, trong đó duy nhất một người dưới 30 tuổi

Cuộc tranh cãi gần đây xung quanh cuộc hôn nhân bất thành của Công chúa Mako - con gái lớn của thái tử Fumihito - đã gây thêm áp lực để chính phủ và dân chúng suy nghĩ lại về việc cấm phụ nữ trở thành hoàng hậu.

Nhưng những thay đổi đối với luật kế vị vốn chỉ dành cho nam giới của đất nước khó có thể xảy ra, ngay cả khi chỉ có bảy thành viên của gia đình hoàng gia dưới 40 tuổi, bao gồm duy nhất một hoàng tử. Theo luật gia đình hoàng gia năm 1947, không thành viên nữ nào trong gia đình có thể trở thành quốc vương trị vì.

Một hội đồng gồm các chuyên gia do chính phủ bổ nhiệm gần đây đã tuyên bố sẽ tổ chức "các cuộc thảo luận cẩn thận" về một loạt các lựa chọn để đảm bảo một tương lai ổn định cho hoàng gia, bao gồm cả việc mở rộng ngai vàng cho hậu duệ nam của những phụ nữ trong gia đình hoàng tộc, ngay cả sau khi họ kết hôn với "thường dân".

Theo tờ Mainichi, nhiều ý kiến trái chiều đang nổi lên bên trong ban hội thẩm, dự kiến ​​sẽ báo cáo vào mùa thu. Tờ báo này cảnh báo rằng nếu các thành viên nữ tiếp tục rời gia đình - như em gái hoàng đế Naruhito đã làm sau khi kết hôn vào năm 2005, "gia đình sẽ không còn thành viên khác cùng thế hệ với Hoàng tử Hisahito”.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói với các thành viên hội đồng rằng, họ đang giải quyết một vấn đề "đi vào nền tảng của quốc gia", nhưng giới chuyên gia nói rằng ông không muốn đối đầu với những người bảo thủ trong đảng của mình, những người khăng khăng muốn duy trì một hệ thống hoàng tộc phụ hệ.

Trong khi những người theo chủ nghĩa truyền thống thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tiếp tục chống lại sự thay đổi, thì những người theo chủ nghĩa cải cách được sự hỗ trợ rộng rãi từ công chúng Nhật Bản.

Nhật hoàng Naruhito (giữa), cùng hoàng hậu Masako và công chúa Aiko
Nhật hoàng Naruhito (giữa), cùng hoàng hậu Masako và công chúa Aiko

Trong một cuộc thăm dò gần đây, 87% dân chúng ủng hộ một nữ hoàng trị vì, trong khi 80% cho rằng nam giới thuộc dòng dõi hoàng tộc nên được phép trở thành hoàng đế ngay cả khi mẹ hoặc bà của họ cưới một thường dân.

Mặc dù Nhật Bản từng có tám nữ vương từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 18, nhưng tất cả đều là hậu duệ của một nam thành viên hoàng tộc.

Không có chính quyền nào của Nhật Bản tỏ ra hào hứng với việc sửa đổi luật kế vị chỉ dành cho nam giới kể từ thời thủ tướng Junichiro Koizumi, khi các kế hoạch cải cách không có kết quả vì hoàng tử Hisahito ra đời năm 2006, nam giới đầu tiên sinh ra trong gia đình hoàng gia sau 40 năm.

Sự ra đời của Hisahito mang lại cho gia đình một ân sủng, nhưng nếu hoàng tử không tiếp tục sinh con trai, một dòng dõi hoàng tộc kéo dài tận 2.600 năm phải đối mặt với nguy cơ diệt vong.

Ngọc Hạ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI