Lo lắng khi ăn nhầm hạt hút ẩm

25/02/2022 - 06:44

PNO - Hạt hút ẩm được nhà sản xuất đưa vào túi thực phẩm, lọ thuốc… để bảo quản sản phẩm nhưng đôi khi gây sự cố khi người tiêu dùng vô tình ăn phải.

Mới đây, chị N.T.H., 38 tuổi, ngụ tại Q.7, TP.HCM, cho biết đã vô tình uống hạt hút ẩm được bỏ trong lọ C sủi. Liên hệ với bác sĩ thì được hướng dẫn theo dõi và cần đưa tới bệnh viện nếu có các triệu chứng bất thường.

Một trường hợp khác đã ăn phải hạt hút ẩm ngoài ý muốn là chị Đ.H.T., 43 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình. Bịch hạt hút ẩm được để vào gói bột nêm. Khi dốc bột nêm để nêm canh, chị T. không biết nên đổ luôn cả gói hút ẩm thẳng vào nồi nước đang sôi. Tới lúc cả nhà ăn canh mới phát hiện lớp giấy bao của bịch hạt hút ẩm trong tô canh. Chị T. rất bức xúc vì kiểu đóng gói như vậy rất khó để phát hiện bên trong bịch bột nêm có gói hạt hút ẩm, ăn nhầm là điều khó tránh.

Hạt hút ẩm rơi và trộn lẫn vào lọ C sủi khiến chị T. uống nhầm
Hạt hút ẩm rơi và trộn lẫn vào lọ C sủi khiến chị T. uống nhầm

Liên quan tới nguy cơ ăn phải hạt hút ẩm, bác sĩ chuyên khoa I nội tổng quát Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cảnh báo ai cũng có thể trở thành nạn nhân do cách đóng gói của nhà sản xuất chưa hợp lý. Bản thân bác sĩ Mai cũng từng phối hợp với Khoa Cấp cứu của bệnh viện thăm khám cho 3 - 4 trường hợp vô tình ăn phải hạt hút ẩm bỏ trong thực phẩm. Chủ yếu người dân hoặc phụ huynh đưa con đi khám vì quá lo lắng sau khi phát hiện bản thân hoặc trẻ nhỏ trong nhà ăn nhầm hạt hút ẩm. Rất may, số lượng hạt hút ẩm ăn vào không nhiều nên chưa xảy ra sự cố đáng tiếc.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết thông thường, khi bỏ kèm vào túi thực phẩm thì nhà sản xuất cũng tính toán liều lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thậm chí lỡ ăn nhầm thì cũng hạn chế ảnh hưởng sức khỏe. Bản chất của những hạt hút ẩm là khan nước nên sẽ hút nước. Đặc biệt, những hạt này không có mùi vị đặc trưng nên dễ ăn phải nhất chính là trẻ nhỏ. Tháng nào, Khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận 2 - 3 ca ăn nhầm hạt hút ẩm.

Các trường hợp đưa tới Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau khi ăn phải túi hạt hút ẩm chủ yếu gặp một số triệu chứng nôn ói, rối loạn tiêu hóa. Đa phần bệnh nhi được theo dõi trong 24 giờ, cho uống than hoạt tính để trung hòa hóa chất ở đường tiêu hóa. Nếu trẻ ăn phải số lượng lớn hạt hút ẩm sẽ cần rửa dạ dày. Một số triệu chứng khác nghiêm trọng hơn khi ngộ độc hạt hút ẩm (nếu ăn phải số lượng lớn) là mất nước, rối loạn điện giải, lừ đừ, bứt rứt thần kinh. Các tình huống bệnh nhi ăn phải hạt hút ẩm chủ yếu ở trẻ dưới năm tuổi, khi ăn bánh kẹo thấy có bịch hạt hút ẩm nên ăn luôn. 

Theo bác sĩ Mai, bên cạnh lời khuyên cho người dân hãy kiểm tra kỹ các sản phẩm (thực phẩm, thuốc men) để tránh ăn nhầm hạt hút ẩm thì nhà sản xuất cũng cần chú ý quy cách khi bỏ hạt hút ẩm vào sản phẩm để hạn chế tình huống người tiêu dùng sơ ý ăn phải. Các hạt hút ẩm này cần được bao bọc trong lớp giấy ni-lông dai, không đựng trong bao bì sặc sỡ để tránh sự hiếu kỳ của trẻ nhỏ. Tiếp đến, bịch hạt hút ẩm cần được đính chặt vào bao bì, đặt ở đáy của các túi, lọ. Nếu là các lọ thuốc thì sau khi gắn chặt bịch hút ẩm vào đáy lọ hãy để lên thêm một lớp bông ngăn cách. 

Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI