Không triệu chứng cũng xét nghiệm men gan
Vừa sinh con được vài tháng, chị Phan Thị Thùy (34 tuổi, ở TPHCM) tỏ ra bất an với bệnh viêm gan cấp tính (viêm gan bí ẩn) ở trẻ sau khi đọc một số bài viết cho rằng, vi-rút Adeno có trong vắc-xin ngừa COVID-19 gây ra: “Mấy ngày qua, cháu có một số rối loạn về tiêu hóa, da hơi vàng. Bác sĩ nói con tôi mắc bệnh thông thường của trẻ sơ sinh, nhưng tôi và gia đình vẫn khá lo lắng, nên đưa cháu đi xét nghiệm men gan”.
|
Phụ huynh không nên quá lo lắng về bệnh viêm gan “bí ẩn” mà lơ là quan tâm đến bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng ở trẻ đang gia tăng tại TPHCM (trong ảnh: Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đang chữa trị nhiều trẻ bị chân tay miệng) - Ảnh: Phạm An |
Lúc chị Thùy đưa con đến Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), bác sĩ của khoa này cũng đang trả lời một phụ huynh về bệnh viêm gan “bí ẩn”. Nghi ngờ bé gái bị sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, nhưng mẹ bé muốn con mình được xét nghiệm men gan dù bé không có triệu chứng liên quan.
Theo các bác sĩ, từ khi có thông tin về bệnh viêm gan “bí ẩn”, khá nhiều phụ huynh quan tâm và hoang mang. Sau khi được tư vấn, có người chấp nhận nhưng cũng có người muốn được xét nghiệm men gan để yên tâm. Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) cũng ghi nhận thắc mắc của một số phụ huynh về bệnh này.
Mới đây, chị Lan Thương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) phải nghỉ làm để đưa con trai học lớp Sáu đi khám do con nôn ói, tiêu chảy, than đau ở mạn sườn. Sau khi khám, bác sĩ kết luận trẻ bị “nhiễm khuẩn đường tiêu hóa” nhưng chị Thương chưa yên tâm, đề nghị bác sĩ cho làm xét nghiệm men gan. Theo thông tin chị đọc được, triệu chứng thường thấy của căn bệnh “viêm gan bí ẩn” là nôn và tiêu chảy, xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi.
Qua xét nghiệm, chỉ số men gan của con trai chị Thương hoàn toàn bình thường, ở trong ngưỡng cho phép. Dù vậy, chị nói vẫn chưa hoàn toàn yên tâm và có thể sẽ đưa con đến bệnh viện tuyến trên để khám lại.
Chị Lan Anh (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) cho hay, cách đây hai tuần, con gái chị cũng bị nôn, tiêu chảy; sau đó, thêm 4 - 5 bạn cùng lớp có biểu hiện tương tự. Ban phụ huynh đã làm việc với nhà trường sau khi triệu chứng trên xuất hiện ở một số lớp. “Đầu tuần qua, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh học sinh về “dịch lạ” đang lây lan ở trường. Nhà trường đề nghị các học sinh có triệu chứng ói, tiêu chảy nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu nặng thì đến bệnh viện khám” - chị Lan Anh kể.
Nhiều trẻ bị ói, tiêu chảy chỉ do... thời tiết
Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS - TS) Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, thời gian gần đây, số ca khám do nôn và đau bụng có tăng. Trong khoảng 200 ca khám mỗi ngày, có từ 10 - 20 trẻ gặp tình trạng trên.
Tại Bệnh viện Đa khoa Q.Hà Đông, mỗi ngày, có khoảng 10 - 30 trẻ tới khám và hiện đang có khoảng 40 bệnh nhi đang điều trị nội trú về bệnh liên quan đường ruột. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng tiếp nhận hàng chục trẻ rối loạn tiêu hóa, rối loạn điện giải mỗi ngày.
Theo PGS - TS Nguyễn Thị Việt Hà, sau mỗi kỳ nghỉ lễ kéo dài hoặc nghỉ hè, số trẻ tới bệnh viện khám bệnh do bị ói, tiêu chảy thường tăng lên là do thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Trẻ đi du lịch nhiều, ăn các loại thức ăn chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố nên dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Cườm - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) - cho biết, những ngày qua, cùng với bệnh viêm gan “bí ẩn”, các bà mẹ cũng truyền tai nhau về “dịch nôn” ở trẻ em. “Dịch nôn” thực ra là do vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh vào mùa hè gây nên tình trạng nhiễm độc và đây không phải là bệnh truyền nhiễm. Do đó, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
|
Nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy con bị nôn ói, tiêu chảy vì tưởng trẻ bị bệnh viêm gan “bí ẩn” nhưng bác sĩ cho biết trẻ chỉ bị bệnh tiêu chảy do thời tiết (trong ảnh: Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi bị nôn, tiêu chảy tại Bệnh viện Nhi Trung ương) - Ảnh: H.L. |
TS - bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho hay, bệnh viêm gan chưa rõ nguồn gốc thường có một số triệu chứng như sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi. Vài ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, trẻ có dấu hiệu vàng da, vàng mắt.
Theo bà, nếu trẻ có các dấu hiệu trên, phụ huynh nên đưa trẻ tới cơ sở y tế khám; bác sĩ sẽ có chỉ định cần thiết với các trường hợp có nguy cơ cao: “Không phải trường hợp nào cũng cần xét nghiệm men gan. Từ đầu tháng Năm tới nay, sau khi có chỉ đạo từ Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tăng cường giám sát nhưng chưa xác định bệnh nhi nào bị viêm gan cấp tính”.
PGS - TS Nguyễn Thị Việt Hà cũng khuyến cáo, nôn trớ và tiêu chảy có thể lây nhiễm, do đó, cần phòng ngừa lây nhiễm bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ có triệu chứng trên nghỉ học. Khi trẻ đau bụng, cần trấn an và cho trẻ nằm nghỉ, theo dõi sát để phát hiện những dấu hiệu bất thường và đưa đến bệnh viện kịp thời; không cho trẻ dùng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Chưa có bất thường về bệnh viêm gan PGS - TS - bác sĩ Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - thông tin, hiện nay, không có bất thường về tần suất trẻ viêm gan, chưa ghi nhận trường hợp nào do vi-rút Adeno gây ra. Do vi-rút Adeno xâm nhập qua đường tiêu hóa, tiếp xúc và hô hấp. Vì vậy, người lớn cần cho trẻ mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bị bệnh; dùng khăn che miệng khi ho, hắt hơi. Nếu vi-rút xâm nhập cơ thể nhưng không tấn công vào gan, người bệnh sẽ có triệu chứng như cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy. Với trẻ có bệnh lý chuyển hóa, viêm gan B, việc vi-rút này tấn công vào gan sẽ gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu trẻ có dấu hiệu vàng da hay đi tiểu sậm màu, cần đưa đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời. Theo PGS - TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TPHCM - với các chứng cứ khoa học hiện có, 90% nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” là do vi-rút Adeno gây ra. Trên thực tế, vi-rút này không mới nhưng khá hiếm gặp, thường thấy ở trẻ sơ sinh hoặc suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, hiện tại, viêm gan cấp tính “bí ẩn” xuất hiện ở trẻ có thể trạng khỏe mạnh, bình thường, số ca nhiều và nặng hơn. Nhưng bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” không liên quan gì với vắc-xin ngừa COVID-19, bởi vi-rút Adeno gây bệnh viêm gan là chủng của người, còn vi-rút Adeno ở vắc-xin ngừa COVID-19 được lấy từ hắc tinh tinh, sau đó xử lý để không còn khả năng nhân bản. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, khi vi-rút Adeno xâm nhập cơ thể, có người bị tiêu chảy, viêm hô hấp, có người bị viêm gan cấp tính nếu vi-rút tấn công vào gan. Theo báo cáo y khoa, trên thế giới, số trẻ mắc bệnh và nguy kịch không nhiều: dưới 300 ca, phần lớn bệnh nhi đã hồi phục. Bệnh viêm gan cấp tính do vi-rút gây ra không thể tiến triển thành dịch bệnh, nhưng do vi-rút này lây qua đường hô hấp nên mọi người cần rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang đúng cách. “Quan trọng nhất với trẻ có bệnh nền là người lớn không được tự ý cho trẻ uống thuốc. Nếu thấy trẻ bị vàng da toàn thân hoặc tiểu ra nước sậm màu, người lớn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị đúng cách” - bác sĩ Trương Hữu Khanh nói. |
Phạm An - Huyền Anh