Sự phát triển bất cân đối trong thời gian dài giữa kinh tế - văn hóa - giáo dục ở nước ta đã tạo ra một “thế hệ gấu bông” vật chất đủ đầy, thừa tự tin nhưng lại thiếu lễ giáo. Đó là thế hệ sẵn sàng đốp chát, thậm chí mắng mỏ trưởng bối, xem mình là nhất trong mọi chuyện, bỏ ngoài tai những lời khuyên răn.
Khi nghệ sĩ Trung Dân cúi đầu xin lỗi vì đã làm mất thời gian của khán giả, khiến khán giả bận lòng vì chuyện không hay giữa ông và Hương Giang, Trung Dân đã thẳng thắn chỉ ra một việc: trong showbiz, cái tốt đã bị cái xấu che hết rồi. Khi ông đề nghị mọi người cùng tha thứ cho Hương Giang, để cuộc sống tốt đẹp hơn thì một ca sĩ trẻ khác lại không buông ông - kéo nhây thêm câu chuyện tưởng đã có thể khép lại.
|
Cái cúi đầu của đại sứ Kunio Umeda khiến chúng ta phải khâm phục văn hóa ứng xử của người Nhật - Ảnh: Đức Tuỳ
|
Những cái tôi vĩ đại
Chưa bao giờ người ta nhìn vào bề nổi showbiz mà phải lắc đầu ngao ngán như hiện nay. Đạo nhạc tràn lan, sao chép đến cả ý tưởng dựng clip, trang phục, thậm chí là vũ đạo. Những “thảm họa” mang tên fashionista liên tục xuất hiện, khiến khán giả xốn mắt ở các tuần lễ thời trang.
Nghệ sĩ xỉa xói nhau bằng những loại ngôn từ mà thế giới văn minh không ai còn dùng nữa. Họ chèn ép, khích bác đồng nghiệp, ganh nhau từng vị trí trên băng-rôn hoặc thứ tự xuất hiện trên sân khấu. Họ rắp tâm hãm hại nhau, bán rẻ nghề nghiệp và chính bản thân mình qua những lời vu vạ hay những cuộc ném đá hùa theo đám đông. Văn chương càng đáng sợ hơn khi nhiều nhà văn trẻ nói năng thô tục, phản cảm lại được xem là “sành điệu”, được trích dẫn khắp nơi.
Nhưng xét cho cùng, ồn ào làng văn nghệ chỉ là bề nổi của một tảng băng văn hóa kém đang trôi trong xã hội hiện đại. Bạo lực học đường, học trò văng tục, con cái đánh cha mắng mẹ, cùng nhau giết hại động vật, thách nhau làm những chuyện điên rồ và sẵn sàng “hẹn nhau thanh toán” chỉ vì một lời nói “khó nghe”… Bất chấp những lời chỉ trích, nhiều người trẻ xem đó là thành quả, là chiến tích, là cái để họ khẳng định bản thân hay chỉ đơn giản là để… mua vui. Những ai dám khuyên răn họ đều sẽ bị xếp vào nhóm “những kẻ lắm lời”.
Bao giờ cho đến... ngày xưa?
Đã có một thời trẻ em Việt Nam được nuôi dưỡng trong khuôn phép. Các em được dạy phải cúi đầu khi bước ngang bàn thờ, phải lánh đi khi người lớn đang nói chuyện, không được kéo lê dép khi bước đi, gặp đám tang phải dừng lại và đứng nghiêm tiễn người đã khuất hoặc ít nhất cũng phải bỏ mũ. Trẻ em ngày ấy được dạy đi thưa về trình mà việc thiếu chữ “dạ” khi nói chuyện với người lớn tuổi cũng là đã một lỗi lớn…
|
"Lỗ hổng văn hoá ấy, thôi thì chúng ta cùng nhau vá nó lại" - nghệ sĩ Trung Dân |
Những đứa trẻ ngày ấy, hôm nay đều đã trên 40, vẫn cúi đầu chào khán giả, vẫn xin lỗi vì những điều tưởng như rất nhỏ. Chỉ một đoạn clip ghi lại hình ảnh em bé người Nhật băng qua đường và cảm ơn người dừng xe bằng cái cúi đầu hoặc hình ảnh Đại sứ Nhật tìm đến tận nhà xin lỗi gia đình bé Lê Thị Nhật Linh (bé gái bị sát hại tại Nhật) khiến chúng ta ngỡ ngàng vì văn hóa ứng xử của người Nhật.
Văn hóa ấy đã từng tồn tại ở đất nước ta, được rèn giũa qua nhiều năm tháng để trở thành nền tảng đạo đức của dân tộc; để rồi dần bị mai một khi chúng ta tập trung quá mức vào chuyện áo cơm. Hôm nay, ta chê bai một bộ phận du khách Trung Quốc là ham ăn, nói năng ồn ào, không biết xếp hàng, xả rác bừa bãi… Vậy nhưng chúng ta có tốt hơn họ không? Nếu chúng ta tốt hơn thì đâu đến nỗi đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phải chắp tay xin lỗi quan khách trong bữa tiệc tổ chức tại đây. Nếu chúng ta tốt hơn, có lẽ rất nhiều người đã không phải đau đớn nói rằng mình xấu hổ vì là người Việt.
Đời sống đã thay đổi. Chúng ta sẽ không phạt quỳ hay đánh mắng trẻ em để buộc các em phải sống theo quy củ. Nhưng chúng ta phải gia cố lại, xây dựng lại nền tảng văn hóa dân tộc, để mai đây giới trẻ có thể bước vào đời ngay ngắn, không phải cúi đầu xấu hổ trước ai. Nếu phải cúi đầu, đó là khi ta thành tâm nhận lỗi để sửa mình như một người tử tế.
Giới trẻ hôm nay được chu cấp đầy đủ hơn, có nhiều thời gian, điều kiện để tiếp cận thông tin, xu hướng khắp thế giới nhưng không phải ai cũng đủ nền tảng tri thức, bản lĩnh để biết cái nào cần tiếp thu, cái nào không. Trong khi đó, giáo dục đạo đức trong nhà trường và gia đình lại gần như bị lãng quên. Ta dạy trẻ chữ nghĩa, công nghệ, nhưng quên dạy trẻ sống tử tế.
Qua sự việc của tôi, Hương Giang, và nhiều vấn đề khác trong giới showbiz; chúng ta phải nhìn nhận rõ một điều là văn hóa của ta có một lỗ hổng rất lớn. Chúng ta còn tồn tại thì phải làm những điều tốt đẹp để văn hóa được duy trì trên nền tảng đạo đức, nhân văn.
Nghệ sĩ Trung Dân
|
Hoàng Hạc