“Lỗ hổng” trong khám bệnh nghề nghiệp, công nhân chịu thiệt

04/04/2024 - 06:14

PNO - Khi không còn gắng gượng làm việc được nữa, nhiều công nhân ở Nghệ An mới đi khám sức khỏe. Nhưng đã quá muộn, bệnh tình của họ không còn cơ hội cứu chữa.

Tồn tại nhờ... thuốc!

Tay ôm ngực, ho khan từng chặp, chị Đặng Thị Thắm - 44 tuổi, trú xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - phải lôi cả vốc thuốc ra uống. Một hồi lâu, chị mới có chút sức lực để nói chuyện với chúng tôi. Bệnh tình khiến chị Thắm hom hem. Gần 3 năm qua, chị chỉ còn đủ sức ở nhà lo cơm nước chứ chẳng thể đi làm như trước. “Làm nặng nhọc một chút là thở không nổi, làm sao đi làm thuê được nữa. Sáng dậy, quên uống thuốc là chóng mặt ngay. Giờ cũng chẳng biết phải làm sao nữa…” - chị Thắm nghẹn ngào.

Bị bụi phổi, sức khỏe ngày càng suy giảm, chị Đặng Thị Thắm buộc phải uống thuốc mỗi ngày để cầm cự
Bị bụi phổi, sức khỏe ngày càng suy giảm, chị Đặng Thị Thắm buộc phải uống thuốc mỗi ngày để cầm cự

Chị Thắm là một trong số 62 công nhân Công ty TNHH Châu Tiến (khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) được phát hiện mắc bụi phổi silic mới đây. Tháng 3/2018, chị Thắm vào công ty, làm việc tại dây chuyền đóng bao bột đá. Môi trường làm bụi bay mù mịt, nhưng công nhân chỉ tự bảo vệ sức khỏe bằng những chiếc khẩu trang. “Công ty họ chỉ phát quần áo, ủng, chứ không có khẩu trang chuyên dụng. Dây chuyền chỗ tôi làm có 3 người mắc bệnh đã chết rồi” - chị Thắm cho biết.

Sau 3 năm làm việc, cảm thấy sức khỏe giảm rõ rệt, ho nhiều, chị Thắm đi khám bệnh và được chẩn đoán bị viêm phổi. Thế là chị xin nghỉ việc để ở nhà điều trị bệnh. “Ho ngày một nhiều, có đêm tôi ho đến nỗi con ngủ không được. May mắn là tôi bị bụi phổi mới ở thể trung bình, chưa phải thở ô xy, nhưng giờ nếu không có thuốc thì không trụ nổi” - chị Thắm buồn bã. Hiện tại, mỗi tháng chị phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe và lấy hơn 3 triệu đồng tiền thuốc. Chồng không có việc làm ổn định nên chị đành phải rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền thuốc thang. Cũng vì thế mà chị không còn được hưởng các chế độ bệnh nghề nghiệp, không được hưởng bảo hiểm y tế.

Trường hợp khác là anh Dương Văn Chính - 35 tuổi, ở xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. Anh Chính quả quyết: “Tôi là người làm việc lâu năm nhất ở Công ty Châu Tiến, là người đầu tiên làm hồ sơ để nhận hỗ trợ bệnh nghề nghiệp. Thời điểm đó có 5 anh em cùng làm, giờ 3 người chết rồi”. Anh Chính cho biết, công ty chuyên xay bột đá. Trước khi xay, đá được ngâm để tẩy trắng. Hầu hết các dây chuyền trong công ty đều bụi rất nhiều, không khí làm việc rất ngột ngạt.

Cũng theo anh Chính, nhiều người có phần chủ quan vì không nghĩ loại bụi đá này có thể ăn mòn phổi mạnh đến vậy. Trường hợp của anh là may mắn, còn cơ hội rửa phổi, nhưng sức khỏe cũng suy kiệt nhanh, phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Có người phát hiện bệnh được vài tháng đã phải nằm thở ô xy. Đến nay, trong số 101 công nhân từng làm việc tại Công ty Châu Tiến được khám sức khỏe thì có 62 người mắc bụi phổi silic. Những người không mắc bệnh chủ yếu làm văn phòng hoặc cán bộ quản lý.

Bài học đắt giá, hậu quả nặng nề

Bệnh bụi phổi (do bụi tích lũy trong phổi thông qua quá trình hít thở khói bụi bẩn thường xuyên) đang “bào mòn” thể xác và giết chết nhiều công nhân đang làm việc tại các công ty chế biến bột đá, khai thác quặng thiếc ở Nghệ An. Anh Trương Văn Tàu - 41 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp, nơi được xem là thủ phủ khoáng sản của Nghệ An - cho biết, tháng nào anh cũng phải nhập viện điều trị do bị bụi phổi đã quá nặng. Biểu hiện mỗi khi phải nhập viện là khó thở, tay chân khó cử động, phải nhờ người khiêng lên xe. “Chỉ riêng bộ phận khoan quặng thiếc ở công ty tôi từng làm việc đã có 7 người mắc bụi phổi” - anh Tàu nói.

Anh Dương Văn Chính lo lắng khi những người cùng đi khám sức khỏe với mình đã lần lượt tử vong hoặc phải nằm thở ô xy
Anh Dương Văn Chính lo lắng khi những người cùng đi khám sức khỏe với mình đã lần lượt tử vong hoặc phải nằm thở ô xy

Ông Lê Văn Vỹ - 58 tuổi, trú làng Mỏ, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - cho biết, làng hiện có gần 30 người mắc bụi phổi, tất cả đều từng làm việc tại Công ty cổ phần Than Khe Bố. Nhiều người mắc bụi phổi nhưng vẫn gắng gượng đến mỏ làm việc vì miếng cơm manh áo và chờ đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Ông Hồ Tiến Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Than Khe Bố - thừa nhận, mỏ than chính là môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn lao động và bụi phổi. Bản thân ông cũng không tránh được căn bệnh nghề nghiệp này. “Làm trong môi trường này thì kiểu gì cũng bị thôi, không tránh được. Do kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm chúng tôi chỉ bố trí cho 4-6 người, kể cả người đã bị hay chưa bị đi rửa phổi” - ông Bình nói. Theo ông, nhiều công nhân đã được xác định mắc bệnh nghề nghiệp, song đang ở mức độ nhẹ, vẫn muốn tiếp tục duy trì công việc để mưu sinh nên được công ty tạo điều kiện chuyển đến làm ở những bộ phận ít bụi than để tránh nặng thêm.

Trong chuyến kiểm tra và làm việc tại Nghệ An mới đây, đoàn công tác của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra nhiều bất cập, sai phạm ở Công ty Châu Tiến. Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện các vi phạm hoặc xử lý chưa nghiêm. Đoàn công tác đề nghị tỉnh Nghệ An điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội của các tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Châu Tiến.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học và An toàn vệ sinh lao động - cho biết, vụ việc ở Công ty Châu Tiến cho thấy, việc đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp cho công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn khiêm tốn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chủ yếu nhập các công nghệ, thiết bị sản xuất chính, lược bớt các công nghệ, thiết bị an toàn vệ sinh lao động. Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ, khoa học để có những giải pháp, biện pháp tổng thể từ chính sách, quản lý đến tổ chức triển khai, thực hiện trước mắt và cả lâu dài.

Theo tiến sĩ Thơ, các tổ chức dịch vụ quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp hiện nay đa số có năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quan trắc đầy đủ các chỉ tiêu môi trường lao động, không đủ năng lực thiết bị, chuyên gia để khám phát hiện nhiều bệnh nghề nghiệp. Việc khám, chẩn đoán, giám định và điều trị bệnh nghề nghiệp cũng còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

“Bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp đầu tư không được chuẩn, dù đã hoạt động hàng chục năm. Nếu không kịp thời đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Đó cũng là bài học đắt giá trong quá trình thu hút đầu tư, tổ chức sản xuất, quản lý trong giai đoạn mới” - tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ nói.

6 công nhân tử vong vì bụi phổi

Trong số 62 công nhân Công ty Châu Tiến bị bụi phổi silic, ngoài 6 công nhân đã tử vong còn có 19 người đang ở thể nặng, có nguy cơ suy giảm sức khỏe nhanh, khả năng tử vong cao; 25 người ở mức trung bình cũng có nguy cơ tăng nặng. Hiện những lao động từng làm việc ở công ty này đang được rà soát, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Mới đây, Công ty TNHH Châu Tiến đã chi trả bồi thường cho gia đình 5 công nhân tử vong vì bệnh bụi phổi. Mức bồi thường tương đương 30 tháng lương của người lao động. Trong đó, có 4 công nhân được bồi thường 110 triệu đồng/người, 1 người được bồi thường 121 triệu đồng.

Cần đánh giá nguy cơ bệnh nghề nghiệp

Đoàn công tác của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo có chương trình đánh giá hiện trạng về an toàn, vệ sinh lao động của các hệ thống công nghệ, máy, thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu, hóa chất đang được sử dụng trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… để lập cơ sở dữ liệu, đánh giá được các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức rà soát và sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật An toàn vệ sinh lao động theo hướng tăng cường quản lý, đầu tư cho hoạt động quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện, điều trị, phục hồi chức năng lao động cho người bị bệnh nghề nghiệp.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI