Lỗ hổng quá lớn của an ninh hàng không

18/11/2015 - 14:33

PNO - Chống khủng bố là một trong những nội dung nổi cộm trong cuộc họp G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm cả thế giới chấn động trước các vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris (Pháp). Trong dự thảo tuyên bố, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định sẽ chia sẻ thông tin tình báo, theo dõi cửa khẩu biên giới và tăng cường an ninh hàng không để ngăn chặn bọn khủng bố di chuyển từ nước này sang nước khác.

An ninh hàng không tiếp tục là lỗ hổng cho các phần tử cực đoan thực hiện âm mưu tàn độc. Người ta không khỏi bàng hoàng trước thông tin do một nhân viên an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh (Ai Cập), nơi chiếc máy bay hãng Metrojet của Nga cất cánh và rơi sau đó, tiết lộ.

Người này kể, rất nhiều lần ông chứng kiến các túi xách chứa vũ khí hoặc ma túy dễ dàng lọt qua khâu an ninh chỉ với 10 EUR tiền hối lộ. Trả lời truyền thông, nhiều quan chức tại sân bay trên cho biết, an ninh tại nhiều sân bay Ai Cập nói chung hoạt động rất hình thức, có quá nhiều lỗ hổng chẳng ai buồn khắc phục.

 Lo hong qua lon cua an ninh hang khong
An ninh hàng không là lỗ hổng cho các phần tử cực đoan thực hiện các hành vi tàn độc

Tình trạng thiếu máy soi hành lý hoặc máy soi bị hỏng cùng sự kiểm soát lỏng lẻo ở nhiều khâu đã khiến nơi này trở thành mảnh đất béo bở cho nạn lót tay, hối lộ. Sau khi thảm kịch xảy ra với chuyến bay của hãng Metrojet, ban quản lý sân bay Sharm el-Sheikh mới chấn chỉnh công tác an ninh nhưng chỉ là giải pháp tạm thời.

An ninh hàng không của tất cả các hãng trên thế giới phải tuân theo quy định, tiêu chuẩn chung của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Nhưng ông Magdy Salim, quan chức cấp cao đã về hưu thuộc Bộ Du lịch Ai Cập cho biết: “Nhân viên an ninh tại các sân bay thường cho qua thủ tục kiểm tra đối với bạn bè, đồng nghiệp hoặc với ai có vẻ ngoài luộm thuộm hay quá phô trương vì họ tránh đụng chạm”.

Tháng Sáu năm nay, Bộ An ninh nội địa Mỹ công bố đánh giá khiến nhiều người từng sử dụng dịch vụ hàng không giật mình. Với 70 tình huống mà bộ trên cố tình gài người vào, thử năng lực phản ứng của nhân viên Cơ quan an ninh vận tải Mỹ (TSA), chỉ ba trường hợp bị phát hiện, nghĩa là tỷ lệ thành công lên đến hơn 95%. Thậm chí, có trường hợp thiết bị báo động phát hiện bất thường, nhân viên cũng không tìm ra thiết bị nổ đã được giấu.

Đây không phải lần đầu tiên TSA “thi trượt” bài kiểm tra của Bộ An ninh nội địa. Hơn 10 năm qua, từ khi nạn khủng bố xuất hiện và lan rộng, yêu cầu an ninh càng cao thì TSA càng tỏ ra không theo kịp.

Tổng Thanh tra An ninh Nội địa Mỹ John Roth còn tiến hành những cuộc rà soát chéo và đưa ra kết luận khiến ngườ i trong ngành hàng không ngã ngửa. Có 73 nhân viên quan hệ với các tổ chức khủng bố mà TSA không hề hay biết.

Tháng Tám vừa qua, Thái Lan bắt hai nghi phạm Adem Karadag, Mieraili Yusufu gây ra vụ đánh bom tại ngôi đền Erawan. Hai tên này đều sử dụng nhiều hộ chiếu giả. Đây là công cụ giúp cả hai di chuyển dễ dàng qua các cửa khẩu và che giấu danh tính khi bị nghi ngờ.

Hay khi xảy ra vụ máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia, thông tin được chú ý là hai hành khách người Iran sử dụng hộ chiếu giả. Theo Cảnh sát quốc tế (Interpol), trung bình mỗi năm có một tỷ lượt hành khách không bị đối chiếu với danh sách những đối tượng phải chú ý đặc biệt khi lên máy bay.

Bảo đảm an toàn hàng không không đơn thuần là việc kiểm soát nghiêm ngặt hành khách trước khi lên máy bay mà còn liên quan chặt chẽ đến sự phòng bị, ngăn chặn tác nhân từ bên ngoài.

Hãng hàng không El Al (Israel) đã làm được điều này khi ứng dụng hệ thống chống tên lửa, dùng tia laser phát hiện và làm chệch hướng nhắm bắn của tên lửa, bảo vệ máy bay chở khách. Đến nay, El Al là hãng hàng không thương mại duy nhất sử dụng hệ thống trên tại các sân bay quốc tế.

Ngày 17/11, Giám đốc Cơ quan An ninh Nga Aleksandr Bortnikov đã báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân máy bay nước này rơi tại Ai Cập là do bị tấn công khủng bố. Theo ông Aleksandr Bortnikov, một quả bom tự chế có sức công phá tương đương 1kg thuốc nổ TNT đã được kích nổ, khiến máy bay nổ tung trên không.

Dữ liệu từ hộp đen tìm thấy cũng bảo vệ kết luận trên.Cơ quan An ninh Nga đã công bố số tiền thưởng 50 triệu USD cho ai cung cấp thông tin về kẻ chủ mưu đằng sau hành động phi nhân tính này.

  • Anh Thông (Theo Fox News, BBC, NY Times)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI