Lỗ hổng ca khúc thiếu nhi

13/01/2016 - 15:41

PNO - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ (NS) Việt Nam 2015 vừa được công bố với nhiều giải ở hạng mục ca khúc, nhưng không tìm ra giải A cho ca khúc thiếu nhi.

Thiếu bài hát cho thiếu nhi không còn là chuyện mới nhưng thực tế này một lần nữa gióng lên cảnh báo về vùng trũng trong sáng tác ca khúc của nền âm nhạc nước nhà.

Tuổi... không đuổi kịp ca khúc

Những ca khúc về tình yêu của giới trẻ như Chắc ai đó sẽ về, Cơn mưa ngang qua, Say you do… lại đang được trẻ em thuộc nằm lòng, cho thấy phần nào tình trạng thiếu bài hát cho thiếu nhi hiện nay. Thực trạng này còn được thấy rõ thêm khi truyền hình thực tế dành cho trẻ em nở rộ, thí sinh (TS) nhí gồng mình thể hiện những bài hát viết cho người lớn.

Rõ ràng, ở tuổi của Hữu Đại (TS Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên) làm sao em hiểu hết ca từ “Bài hát có trận đấu không quên bên đồi/ Bài hát có người lính biên cương xa mẹ…” (Vết chân tròn trên cát - Trần Tiến). Ba TS nhí Bích Ngọc, Hồng Minh và Hoàng Lâm khi hát “Xin cho mây che đủ phận người/ Xin cho tôi một sáng trời vui/ Xin cho tôi đến tận nụ cười/ Cho tôi quên một nấm mộ tươi…” (Xin cho tôi - Trịnh Công Sơn) cũng khiến nhiều người xót lòng vì các em phải gắng gượng tạo cảm xúc.

“Những đứa trẻ này làm sao hiểu được tận cùng cảm xúc cũng như hoàn cảnh ra đời của câu hát “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về”. Nhìn hai cháu hát mà thương làm sao” - một khán giả bình luận trên mạng xã hội khi xem hai TS nhí Hải Yến, Tiến Quang của đội NS Dương Khắc Linh thể hiện ca khúc Màu hoa đỏ (Thuận Yến).

Những bài hát như Tóc gió thôi bay, Chị tôi, Mẹ yêu con, Đất nước lời ru, Đường về xa xôi, Till the world ends, Baby one more time, Born this way… làm khó ngay cả những ca sĩ chuyên nghiệp, về cảm xúc lẫn về kỹ thuật, cũng được “ấn” vào trẻ em.

Tại chương trình Giọng hát Việt nhí chỉ có chừng 10% bài hát thiếu nhi được sử dụng trong mỗi đêm thi, còn lại là ca khúc người lớn và nhạc phẩm tiếng Anh (cũng dành cho người lớn). Chương trình Người hùng tí hon đang phát sóng và có rating khá cao trên Đài truyền hình Vĩnh Long cũng gần như vậy.

Đồ Rê Mí được xem là “thuần” thiếu nhi nhất, sau vài mùa cũng đã “người lớn hóa” qua các bài hát mà chương trình lựa chọn. Không chỉ thế, các TS nhí (có TS mới năm-sáu tuổi) còn phải song ca bài hát ấy với ca sĩ người lớn khách mời, để thể hiện tài năng của mình.

Bé Hải Ngân, bảy tuổi phải gồng hết sức để “bắt kịp” NSƯT Quang Lý trong bài Hồ trên núi; Bảo Ngọc khó nhọc thể hiện Huế tình yêu của tôi cùng NSƯT Minh Huyền… NS Dương Khắc Linh cho biế t, một trong những vấn đề khiến anh “căng não” khi ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí là chọn bài hát cho TS: “Nhạc Việt có quá ít bài hát cho lứa tuổi nhí. Đa phần chúng tôi đành phải chọn bài hát về chủ đề tình yêu quê hương đất nước cho các em, dù các bài hát ấy xưa nay vốn được người lớn hát”.

Lo hong ca khuc thieu nhi
Bé Bảo Ngọc khó nhọc thể hiện bài Huế tình yêu của tôi - Ảnh: Internet

Thiếu tác phẩm và thiếu  cả tấm lòng

Đại diện Công ty Cát Tiên Sa - đơn vị sản xuất Giọng hát Việt nhí thừa nhận việc thiếu bài hát thiếu nhi, lứa tuổi hoa niên là vấn đề nan giải nhất khi thực hiện chương trình.

Ở mùa đầu, đơn vị này phát động cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi, sau sáu tháng, chỉ nhận được 49 tác phẩm của 12 tác giả, nhưng cũng không được sử dụng trong chương trình vì không đạt yêu cầu. Trong khi đó, kho tàng ca khúc thiếu nhi có nhiều bài hát không còn phù hợp, khi các hình ảnh như cây đa, giếng nước, “vườn cây của ba”… đã dần xa lạ với phần lớn trẻ em hiện nay.

NS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội NS Việt Nam chia sẻ rằ ng, tác phẩm dành cho trẻ em là trăn trở của hội, rất nhiều lần giải thưởng định kỳ hằng năm của hội thiếu vắng giải dành cho ca khúc thiếu nhi. Ông nhìn nhận, tác giả trẻ hiện không mặn mà với đối tượng này, bởi ca khúc thiếu nhi không đem lại cơ hội thành hit trên thị trường, tạo danh tiếng và kiếm ra tiền.

Việc sáng tác thế nào để thiếu nhi ngày nay tiếp nhận và yêu thích cũng là một thách thức không nhỏ. Yêu cầu về giai điệu lẫn ca từ cho trẻ em hiện tại đã khác. Trẻ em thời buổi này có nhiều cơ hội tiếp cận cái mới, nhanh nhạy hơn và cái tôi, sự độc lập cũng bộc lộ sớm hơn. Do đó, nếu vẫn viết theo lối nhẹ nhàng, chậm rãi, giản đơn… như trước sẽ không còn được trẻ tiếp nhận.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI