'Lò gốm Hưng Lợi là ví dụ cho sự vô trách nhiệm về quản lý di sản của địa phương'

24/11/2019 - 08:48

PNO - Từ nhiều năm nay, thực trạng di tích lịch sử văn hóa bị xâm phạm, phá hoại và phá hủy đã trở thành những hồi còi báo động khẩn cấp; thậm chí phổ biến đến mức trở nên bình thường.

Những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh thành xuống cấp nghiêm trọng, di tích đã trở thành phế tích hoặc có nguy cơ “biến mất” do hư hỏng nặng mà không có kinh phí sửa chữa, trùng tu.

Thực trạng này phản ánh tư duy và khả năng thực hiện chức trách của bộ máy quản lý di sản văn hóa ở các địa phương đã và đang không đáp ứng, không phù hợp với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Bắt đầu từ việc số lượng di tích được xếp hạng tăng rất nhanh, nên nhân lực quản lý, kinh phí bảo tồn và trùng tu đều thiếu hụt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó là ý thức của cộng đồng nói chung, đặc biệt trong trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai, nên việc phá hủy di tích trở nên phổ biến.

Mặt khác, việc khai thác di tích chưa đúng cách, không phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích, như quảng cáo và giới thiệu sai lệch nội dung, việc “hạ giải trùng tu” mà thực chất là phá hủy di tích cổ xưa để xây dựng công trình mới ngày càng nhiều, không chỉ đối với di tích ở làng quê xây dựng bằng vật liệu không bền vững như gỗ, mà còn xuất hiện ở những di tích xây dựng bằng vật liệu bền vững, và tuổi đời chỉ trên một thế kỷ ở các đô thị.

Tình hình kéo dài như vậy làm cho các di tích dù cấp nào cũng dần dần trở nên giống nhau ở xu hướng ngày càng “hoành tráng”, thậm chí không còn nhận ra yếu tố truyền thống nữa. Di tích trở nên thật giả lẫn lộn về giá trị, về nội dung…

'Lo gom Hung Loi la vi du cho su  vo trach nhiem ve quan ly di san cua dia phuong'
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Ở một góc độ khác thì những di tích thực sự có giá trị lại đang không được bảo tồn trùng tu một cách xứng đáng. TP.HCM có hai di tích khảo cổ học cấp quốc gia nổi tiếng là di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (xã Long Hòa, H.Cần Giờ) và di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi (P.16, Q.8). Đây là hai di tích đại diện cho hai thời kỳ lịch sử - văn hóa của thành phố. 

Di tích Giồng Cá Vồ khai quật năm 1994, là loại hình di tích mộ táng bằng chum gốm còn nguyên di cốt và nhiều đồ tùy táng quý giá, thuộc nền văn hóa khảo cổ Đồng Nai niên đại khoảng 2.500 năm. 

Từ mười mấy năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao lập phương án tiếp tục khai quật và lập bảo tàng tại chỗ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - du lịch phối hợp với vùng du lịch sinh thái Cần Giờ. 

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa tiến triển được. Với đặc điểm là di tích mộ chum nằm dưới lòng đất, nên nếu để càng lâu thì các chum này càng hư hỏng nặng hơn, không thể bảo tồn được di cốt và đồ tùy táng trong đó. Chúng ta có nguy cơ mất một di tích khảo cổ học có giá trị đặc biệt quý hiếm đối với khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á.

Với Lò gốm cổ Hưng Lợi - di tích hiếm hoi của “Xóm lò gốm Sài Gòn xưa”, niên đại khoảng thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1998. Trải qua gần hai mươi năm, di tích đã trở thành “phế tích” đúng nghĩa. 

Giá trị của di tích đã giảm đi rất nhiều khi không được bảo tồn, trùng tu, bị lấn chiếm và hầu như rất khó khăn cho việc tham quan, tìm hiểu nghiên cứu… 

Do không được bảo vệ, bảo tồn, trùng tu kịp thời, nên di tích hư hỏng rất nặng, và vừa bị người dân thuê xe ủi san phẳng, xóa sổ hoàn toàn. Trường hợp này là một điển hình về sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý di sản của địa phương. 

Để di tích thực sự có giá trị cần bắt đầu từ việc rà soát hệ thống di tích cấp quốc gia, sau đó là di tích cấp tỉnh thành - với những tiêu chí thực sự khoa học và đặt trong bối cảnh của phát triển kinh tế - xã hội, của đời sống cộng đồng đang có nhiều biến đổi. Đồng thời, để có thể bảo tồn và phát huy giá trị thực sự tiêu biểu của từng di tích, cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý có liên quan.

Tuy nhiên, ý thức của chính quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý di sản ở địa phương là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đó là việc tuyên truyền giải thích cho cộng đồng về giá trị di tích và phải thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa sự phá hủy di tích. 

Có như vậy mới kịp thời bảo vệ di tích, đề xuất những biện pháp, thậm chí cả chính sách, để phù hợp với thực trạng bảo tồn di sản văn hóa. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI