PNO - Hàng ngàn người đã tập trung ở các bãi biển, các điểm du lịch trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Vấn đề đặt ra là sau lễ, khi người dân trở lại các thành phố lớn, nguy cơ về dịch COVID-19 sẽ ra sao?
Sáng 30/4, giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định: thành phố tạm an toàn vì những trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm 2.910 tại Q. Bình Tân (từ Hà Nam vào) đều đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. 36 trường hợp tiếp xúc gần F1, 74 trường hợp tiếp xúc khác F2 với bệnh nhân này đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Đối với các trường hợp đi cùng bệnh nhân 2.899 trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh sân bay Đà Nẵng ngày 7/4/2021, 19 trường hợp được giám sát tại thành phố đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Nhiều người dân không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khi đi lại trong dịp lễ 30/4 và 1/5 - Ảnh: Ngọc Linh
Tuy vậy, khi du khách quay trở lại TPHCM sau bốn ngày nghỉ lễ, tình hình có thể sẽ khác nhiều so với thời điểm sáng 30/4 khi người đứng đầu ngành y tế nhận định. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), khẳng định: “Lúc này, không thể nói có nơi nào an toàn, kể cả TP.HCM hay các tỉnh khác. Để xảy ra tình trạng tập trung đông người và không tuân thủ 5K, chỉ cần một trường hợp dương tính thì hàng loạt tỉnh, thành sẽ bùng dịch. Muốn khẳng định có an toàn hay không thì phải chờ 14 ngày kể từ sau lễ mới khẳng định được”.
Thử nhìn lại thông điệp 5K của Bộ Y tế, gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế. Trong 5K này, đợt nghỉ lễ vừa qua, ít nhất hai tiêu chí: khoảng cách và không tụ tập đông người đã bị phá vỡ. Hết đợt nghỉ lễ, dòng người sẽ kéo về các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội. Virus SARS-CoV-2 vẫn đang lẩn khuất đâu đó, từ Hà Nam cho đến Hà Nội, đi vào TPHCM. Những người tiếp xúc với ca bệnh 2.910 thì đã tỏa về tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ biên giới Tây Nam, virus SARS-CoV-2 vẫn có thể đang theo chân những trường hợp nhập cảnh trái phép để vào Việt Nam. Theo phân tích của bác sĩ Trương Hữu Khanh, còn thêm một mối nguy nữa đó là lây nhiễm trong các khu cách ly và các trường hợp sau cách ly như trường hợp ca bệnh 2.899.
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cũng đưa ra nhận định: “Sau kỳ nghỉ lễ, người dân quay về TPHCM, đây là nguy cơ mà thành phố phải đối mặt khi các tỉnh, thành khác đang ghi nhận các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ từ nhập cảnh trái phép. Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ tư là hiện hữu cả nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng và nguy cơ mầm bệnh xâm nhập”.
“Phòng thủ” chống dịch ra sao?
Sáng 2/5, dù là còn ngày nghỉ lễ nhưng những người làm công tác chống dịch COVID-19 tại TPHCM vẫn phải ra quân lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Thảo Cầm Viên, Q.1, TPHCM. Đại diện Trung tâm Y tế phường Bến Nghé (Q.1) cho biết, để tầm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, trung tâm y tế quận đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại nhiều địa điểm, nhất là những nơi tập trung đông người.
“Trước đó, chúng tôi đã lấy 50 mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Trong sáng nay, sẽ lấy 100 mẫu xét nghiệm cho du khách tham quan và nhân viên ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn”, vị đại diện nói. Các mẫu xét nghiệm sẽ được gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, dự kiến hai ngày sẽ có kết quả và sẽ gửi về cho người dân.
Nhân viên y tế ở TPHCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn sáng 2/5
Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến cho hay, trước nguy cơ dịch bệnh như hiện nay, thành phố đã thực hiện các khuyến cáo về khai báo y tế, chỉ định cách ly, xét nghiệm với người dân đi về từ các khu vực nguy cơ. Rà soát, siết chặt việc thực hiện cách ly tập trung, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung. Tăng cường giám sát ngẫu nhiên bằng xét nghiệm tại các khu vực đông người, nguy cơ như khu vui chơi, giải trí, chợ, trung tâm thương mại…
Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các kịch bản dịch bệnh. Người dân từ các tỉnh, thành khi đến TP.HCM, lưu ý cập nhật thông tin từ ngành y tế, như trên trang web: hcdc.vn
để nắm thông tin cũng như những khuyến cáo về khai báo y tế. Khi đi về từ vùng nguy cơ cần trung thực trong khai báo y tế để không mang nguy cơ đến cho cộng đồng. Nếu vi phạm mà làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý. “Chúng ta đang ở giai đoạn nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh trở lại nên cần nâng cao cảnh giác. Luôn nhớ thực hiện 5K dù đi đâu, làm gì. Mỗi người là một thành lũy chống dịch thì chúng ta mới có thể làm chủ được tình hình, phát triển kinh tế”, bác sĩ Hải Yến nhấn mạnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa ra gợi ý: “Tất cả người đi chơi trong dịp lễ này nên ghi nhật ký đi lại. Mỗi cơ quan nên rà soát nhân viên đã đi đâu xa trong dịp lễ này”.
Từ ca nhiễm COVID-19 ở tỉnh Hà Nam, TPHCM hiện đang tổng kiểm tra các cơ sở cách ly tập trung có thu phí tại các khách sạn và khu cách ly tập trung do quân đội quản lý. Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết: thành phố đang rà soát các nơi cách ly để đảm bảo thời gian cách ly, nguyên tắc an toàn khi cách ly. Ngoài ra, với những trường hợp hết thời gian cách ly tập trung, TPHCM sẽ gửi danh sách những người này về các tỉnh, thành và sẽ ghi nhận có phản hồi từ tỉnh bạn hay không. Ngược lại, khi tỉnh bạn gửi danh sách những người hết cách ly tập trung, khi nhận được TPHCM sẽ có phản hồi.
Nhằm tăng cường giám sát dịch COVID-19, TPHCM đang thực hiện lấy mẫu tầm soát cộng đồng trong bốn ngày nghỉ lễ từ 30/4 đến 3/5. Theo đó, số lượng là 50-100 người/ngày, tương đương 10-20 mẫu gộp/ngày. Địa điểm lấy mẫu tại các khu vui chơi hoặc nơi tổ chức lễ hội. Từ ngày 30/4, thành phố đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ở các khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, khu du lịch, chợ, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, khu chế xuất… Đã xét nghiệm 1.537 mẫu và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
TPHCM đang thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp vào TPHCM từ hai huyện là Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) và Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên); cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp vào TPHCM từ xã Việt Hùng, H.Đông Anh, Hà Nội.
Đây là đề xuất của ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trước thực tế nhiều sản phẩm quảng cáo hiện nay không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới người dùng.
Hội thi “Bàn tay vàng công nhân cấp nước TPHCM” do SAWACO thực hiện đã giúp người lao động có sân chơi luyện tay nghề và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.