Lo dịch bùng phát khi đông lạnh, tết cận kề

17/11/2021 - 09:42

PNO - Miền Bắc đang bước vào mùa lạnh và nhiều hoạt động chuẩn bị cho dịp năm mới cận kề. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm nguy cơ khiến dịch tái bùng phát và cần có kịch bản để các địa phương chủ động ứng phó.

Nguy cơ dịch bùng phát dịp cuối năm

Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã chính thức bước vào mùa đông với nền nhiệt giảm. Dự báo trong tuần tới, nhiều nơi như Sơn La, Điện Biên… trời rét đậm, chỉ từ 12 - 18oC. Thời tiết trở lạnh, mưa phùn, theo các chuyên gia là điều kiện thuận lợi để các loại vi-rút, trong đó có SARS-CoV-2 tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã lo lắng và chuẩn bị kịch bản để đối phó. 

Trong tuần qua, khu vực miền Bắc ghi nhận sự “tăng nhiệt” của dịch bệnh. Điển hình như tại Hà Nội, ngày 15/11, số ca mắc của thủ đô, theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lên tới 289 ca, đạt kỷ lục từ trước tới nay. Tại tỉnh Thái Bình, nếu như những ngày đầu tháng 11 chỉ ghi nhận một vài ca bệnh lẻ tẻ thì đến nay cũng dao động trên dưới 100 ca. Ngày 14/11, số ca của địa phương này là 134 trường hợp…

Số ca mắc tăng cao trong bối cảnh các địa phương đang dần mở cửa, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19, đây là một trong những kịch bản đã được lường trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh miền Bắc vào đông, các chuyên gia cho rằng, cần đặc biệt lưu ý hơn.

Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phân tích vào mùa đông, hệ thống đường hô hấp của con người dễ bị xung huyết, tăng tiết, đờm dãi… Đây chính là điều kiện để vi-rút SARS-CoV-2 xâm nhập và tấn công. Khi bệnh nhân đang bị tổn thương đường hô hấp, ho, viêm phổi hay mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, viêm phổi… nếu đồng thời nhiễm COVID-19 sẽ làm bệnh có điều kiện tiến triển nặng hơn.

“Không phải bản thân vi-rút tăng độc lực trong mùa đông mà do ảnh hưởng của bệnh nền khiến bệnh nhân có nguy cơ diễn biến bệnh phức tạp, nặng nề. Trong khi đó, ở các mùa khác, hệ thống đường hô hấp của con người khỏe mạnh hơn, các bệnh đường hô hấp ít xuất hiện, các căn bệnh như hen suyễn, viêm phổi cũng ít tái phát…”, bác sĩ Vũ Minh Điền phân tích.

Mưa gió lạnh đang gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch ở Thừa Thiên - Huế ẢNH: THUẬN HÓA
Mưa gió lạnh đang gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch ở Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng cảnh báo thêm nhiều người dân có thể nhầm lẫn triệu chứng COVID-19 với các bệnh mùa đông khác như cảm cúm, từ đó có tư tưởng chủ quan, không thăm khám khiến bệnh âm thầm lây nhiễm trong cộng đồng. Trong điều kiện thời tiết lạnh, mọi người ở trong nhà nhiều hơn, tiếp xúc gần, đóng kín cửa, thông khí kém hơn, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao.

Bên cạnh đó, thời điểm tết Nguyên đán cũng đang cận kề với nhiều hoạt động tập trung đông người như tiệc tất niên, gặp mặt, cưới hỏi… nên nếu không phòng ngừa chặt chẽ sẽ có thể đẩy nhanh tốc độ lây nhiễm. 

Đây cũng là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ sự quan ngại và cho rằng, cần hết sức chú ý trong công tác chống dịch từ nay tới cuối năm. Theo bộ trưởng, việc các địa phương đang trở về trạng thái “bình thường mới”, kết hợp với một số nguyên nhân khác như yếu tố thời tiết lạnh ở miền Bắc và các hoạt động trong dịp cuối năm có thể là nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19. 

Đẩy nhanh tiêm chủng, củng cố y tế cơ sở 

Đứng trước kịch bản này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xác định, điều quan trọng là kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong. Để làm được điều này, việc tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân - là chìa khóa quan trọng trong nhiều biện pháp mà Bộ Y tế đặt ra. Theo đó, trong tháng 11 này, toàn bộ các tỉnh miền Bắc sẽ được cung cấp đủ lượng vắc-xin để bao phủ cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đồng thời, việc tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cũng được tiến hành song song. Đặc biệt, tại một số địa phương “nóng”, theo bộ trưởng có thể tăng cường tiêm mũi ba trong điều kiện vắc-xin về Việt Nam cho phép. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, hiệu quả ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và tử vong của vắc-xin COVID-19 sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh lên tới 93%. 

Theo các chuyên gia, cùng với vắc-xin, cần phải tăng cường vai trò của y tế tuyến cơ sở. Thời gian qua, dù là “trụ cột” chống dịch, song y tế cơ sở đã bộc lộ nhiều khuyết điểm khi “vừa yếu, vừa thiếu”. Đây cũng là một trong những vấn đề đang được TP.Hà Nội tập trung triển khai trong thời gian tới đây. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thủ đô đang có kế hoạch lập tới 508 trạm y tế lưu động, góp phần hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe của F1, F0 điều trị, cách ly tại nhà, từ đó giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị COVID-19.  

Mô hình này đã được Bộ Y tế áp dụng ở các tỉnh phía Nam từ giữa tháng Tám, đặc biệt phát huy được hiệu quả trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà ở TPHCM và Bình Dương. Hiện, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.Hà Nội đã chuẩn bị phương án lập trạm, phân công nhân sự phụ trách cùng với việc đảm bảo trang thiết bị, thuốc men... Các trạm này sẽ hoạt động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội không đưa ra tiến độ cụ thể mà cho biết, dịch bệnh bùng phát tại đâu sẽ thành lập tại đó trên cơ sở đã có sự chuẩn bị, chủ động về nguồn nhân lực và vật lực. 

Ngày 16/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng chính thức yêu cầu các địa phương trên địa bàn phải triển khai, diễn tập thí điểm cách ly F1 tại nhà, thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn. Động thái này của Hà Nội cho thấy, thành phố đang “tập dượt” ứng phó với dịch bệnh trong điều kiện mới, trước nguy cơ số ca nhiễm có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, do các nguồn lây đã xuất hiện, len lỏi trong cộng đồng.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội cần sớm ban hành quy định về điều kiện cách ly y tế F1 tại nhà, giao chính quyền địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng phối hợp y tế cơ sở kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện, tổ chức cách ly theo hướng dẫn. Với các trường hợp không có đủ điều kiện cách ly tại nhà, thành phố vẫn quyết liệt yêu cầu cách ly tập trung hoặc cách ly tại khách sạn nếu người dân có nguyện vọng. Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội đã cho phép 12 khách sạn trên địa bàn được phép cách ly với các trường hợp F1, có thu phí. 

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tăng cường 5K, bảo vệ sức khỏe đường hô hấp để phòng tránh SARS-CoV-2 khi miền Bắc bước vào mùa đông và dịp tết cận kề - Ảnh: Bảo Khang
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tăng cường 5K, bảo vệ sức khỏe đường hô hấp để phòng tránh SARS-CoV-2 khi miền Bắc bước vào mùa đông và dịp tết cận kề - Ảnh: Bảo Khang

Những khuyến cáo bảo vệ sức khỏe trong mùa đông

Để hạn chế lây nhiễm COVID-19 trong dịp cuối năm, theo các chuyên gia, người dân cần nâng cao ý thức và tuân thủ nghiêm quy tắc phòng, chống dịch, thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) của Bộ Y tế. Thực tế, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, không ít người dân lơ là việc thực hiện 5K; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định quét mã QR Code, khai báo y tế; thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép... Do đó, ông kêu gọi, người dân không vì đã tiêm phòng vắc-xin mà chủ quan trong phòng chống dịch…

Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Minh Điền khuyến cáo, người dân nên tự bảo vệ sức khỏe, đặc biệt chăm sóc đường hô hấp trong thời tiết lạnh để đề phòng vi-rút SARS-CoV-2 tấn công và diễn biến nặng khi mùa đông tới. Mỗi người nên thường xuyên vệ sinh, súc miệng hằng ngày; che mũi khi hắt hơi; giữ ấm cổ và cơ thể. Có thể làm khỏe mạnh đường hô hấp bằng cách uống đủ nước, đảm bảo chế độ ăn uống giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý, những người vì lý do sức khỏe chưa được tiêm vắc-xin hoặc những người tuổi cao, có bệnh nền... nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là trong các hoạt động đông người mùa lễ tết.

Huyền Anh

Khởi tố vụ làm lây lan dịch ở quán cà phê karaoke

Chiều 6/11, Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người” làm lây lan dịch bệnh COVID-19, xảy ra tại cơ sở kinh doanh cà phê karaoke Toàn Hảo, ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang. Đây là một trong những địa điểm làm lây lan nhiều ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 13/11, qua khám sàng lọc và lấy mẫu test nhanh, lực lượng y tế phát hiện sáu trường hợp là nhân viên phục vụ tại cơ sở kinh doanh cà phê karaoke này dương tính với vi-rút SARS-CoV-2.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an huyện Quốc Oai và các đơn vị chức năng đã tổ chức truy vết, điều tra dịch tễ, xác định có 22 trường hợp tiếp xúc gần và lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Đến ngày 14/11, kết quả điều tra dịch tễ xác định trường hợp lây nhiễm đầu tiên là chị N.T.T.P. (SN 1994, ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức), là nhân viên phục vụ tại cơ sở kinh doanh cà phê karaoke Toàn Hảo. Đến sáng 16/11, ổ dịch đã lây lan ra 35 trường hợp khác. Qua truy vết, xác định có 331 trường hợp F1 và gần 1.000 trường hợp F2, F3… 
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an huyện Quốc Oai đang tích cực điều tra, củng cố hồ sơ để nhanh chóng xử lý các cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

 Chi Mai

Kiến nghị giữ lại khu cách ly tập trung cho công nhân ở TPHCM

Trong báo cáo vừa gửi UBND TPHCM, Ban Quản lý các Khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 hiện nay, để tiếp tục hoạt động và duy trì chuỗi sản xuất, đồng thời giảm áp lực tại các bệnh viện dã chiến thành phố, các khu thu dung và điều trị người mắc COVID-19 tại các quận, huyện, Hepza đã chỉ đạo các công ty phát triển hạ tầng có đủ điều kiện và cơ sở vật chất thành lập khu cách ly tập trung tạm thời và trạm y tế lưu động.

Hiện nay có Trạm y tế lưu động Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) đang hoạt động. Tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức) đã hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị có quy mô 250 giường và chuẩn bị đi vào hoạt động. Quy mô ban đầu là cơ sở thu dung có chức năng điều trị với 50 giường được trang bị đủ điều kiện để lắp bình ô-xy và các thiết bị y tế chuyên dụng khác.

Hepza cũng đã làm việc với chủ đầu tư Khu công nghiệp Đông Nam và Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) thống nhất đề xuất thành lập Khu cách ly tập trung khu công nghiệp Đông Nam, xã Hòa Phú, huyện Củ Chỉ có quy mô dự kiến từ 250 giường đến 300 giường nhằm đảm bảo an toàn, kịp thời chủ động phòng, chống dịch cho lực lượng lao động, giúp người lao động yên tâm sản xuất. Ngoài ra, Hepza cũng đã làm việc với UBND huyện Nhà Bè, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước thống nhất đề xuất thành lập khu cách ly tập trung tại Trung tâm Sinh hoạt công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tiếp tục rà soát các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thành lập thêm các khu cách ly tập trung/trạm y tế lưu động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Để tiếp tục hoạt động và duy trì chuỗi sản xuất, Hepza đang tiếp tục rà soát các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm thành lập thêm các khu cách ly tập trung tại các khu chế xuất - khu công nghiệp. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu chế xuất do đã thành lập rất lâu (từ năm 1992, 1993) nên cơ sở vật chất xuống cấp, doanh nghiệp không còn mặt bằng trống, nhà xưởng dư thừa để tận dụng làm nơi cách ly tập trung.

Do đó, Hepza kiến nghị UBND TPHCM trong quá trình sắp xếp thu hẹp các khu cách ly tập trung của thành phố, xem xét giữ lại khu cách ly tập trung cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp không có nơi cách ly để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hỗ trợ chi phí chăm sóc cho người lao động của mình bị nhiễm, chỉ cần nơi cách ly đủ điều kiện.

Hoàng Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI