Bắt đầu từ tuần này, các lớp đào tạo diễn viên đã mở cửa trở lại sau một thời gian tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sớm nhất là sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn. Lễ khai giảng khóa diễn viên 15 và 16 với khoảng 100 học viên đã diễn ra tối 4/5. Lớp học tại Nhà hát Kịch Sân Khấu Nhỏ sẽ mở lại từ ngày 9/5, sân khấu Quốc Thảo, Minh Nhí… học viên cũng trở lại trong tuần này và tuần sau.
|
Khâu tuyển sinh ở các "lò'' ngày càng gặp khó |
“Lò” đào tạo diễn viên gặp thời khó
Một thời TP.HCM nở rộ các “lò” đào tạo diễn viên. Nhà nhà chiêu sinh, người người chiêu sinh, từ các sân khấu kịch, trung tâm văn hóa, hãng phim, đến lớp học riêng với đạo diễn, diễn viên…
Nhưng, khi sân khấu kịch lần lượt đóng cửa cũng là lúc các “lò” đào tạo bắt đầu vắng bóng học viên. Cho đến nay, thành phố chỉ còn bốn điểm chính là sân khấu Hồng Vân, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi và Quốc Thảo, dù cố gắng duy trì hoạt động nhưng số lượng học viên giảm ít nhiều.
NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Nếu năm 2018, trong một năm tôi tuyển sinh khoảng bốn, năm lớp, mỗi lớp khoảng hơn 40 em, thì hiện nay chỉ tuyển hai lớp/năm và mỗi lớp cũng chỉ khoảng 30 em”. Ngoài ra, Nhà hát Kịch Sân Khấu Nhỏ cũng đăng thông tin tuyển sinh, nhưng NSƯT Mỹ Uyên cho biết lớp học khai giảng ngày 18/2 chỉ có bảy học viên.
Ngoài việc các sân khấu thu hẹp, một lý do khác khiến việc tuyển sinh của các “lò” đào tạo khó khăn hơn chính là sự bão hòa của các game show hài, các chương trình giải trí mang nhiều yếu tố diễn xuất trên truyền hình.
Thời game show bùng nổ, diễn viên đua nhau đăng ký học diễn xuất ở các “lò”, nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết để “chạy show”. Do đó khi game show giảm giờ phát sóng, các ‘’lò’’ đào tạo cũng mất luôn một lượng học viên khá lớn.
|
Một buổi học hóa trang của học viên |
Bên cạnh việc chiêu sinh khó khăn hơn trước, bản thân các ‘’lò’’ do nghệ sĩ quản lý cũng hạn chế tuyển sinh do băn khoăn về “đầu ra” cho các học viên sau khi tốt nghiệp. Họ chỉ tuyển chọn những người ít nhiều thể hiện được năng khiếu diễn xuất, nhưng thời gian để học viên thử sức sẽ không quá dài. Đơn cử như ở sân khấu Trịnh Kim Chi, sau một học kỳ (2,5 tháng), học viên sẽ được đánh giá lại, ai không đủ khả năng đi xa hơn sẽ được tư vấn tìm hướng đi khác.
Tuyển sinh có chọn lọc nên “lối ra” của học viên phần nào khả quan hơn khi web drama, phim sitcom đang có xu hướng phát triển mạnh. Nhiều đạo diễn của loại hình giải trí này cho biết luôn tìm kiếm những gương mặt mới, có thanh sắc và ít nhiều đã qua đào tạo bài bản.
Một điều khá bất ngờ, khi mất đi số lượng học viên học diễn xuất để tham gia game show, các “lò’’ đào tạo lại có thêm đối tượng học viên mới. Đó là những bạn trẻ tìm đến với mong muốn được trang bị thêm các kỹ năng giúp bản thân dạn dĩ, tự tin hơn khi đứng trước đám đông. Trong số này có cả những giáo viên, học diễn xuất nhằm hoàn thiện bản thân, rèn thêm kỹ năng để giảng dạy lôi cuốn học sinh hơn.
Đào tạo chuyên sâu, hướng đi mới của “lò” đào tạo
Trước những thách thức mới để tiếp cận thị trường, nhiều phân khúc học sinh hơn, các “lò’’ chủ động thay đổi phương thức và đào tạo bổ sung những kỹ năng mới cho học viên.
Sân khấu Quốc Thảo, khóa học một năm được chia thành hai học kỳ. Ở học kỳ thứ hai, ngoài những kỹ năng cần thiết để trở thành diễn viên sân khấu như kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hình thể, hóa trang… học viên sẽ được học thêm kỹ năng biểu diễn trước ống kính. Tại buổi học, các bạn được thực hành trực tiếp với máy quay để biết cách giao lưu với máy, hiểu những giới hạn khi diễn xuất trước ống kính…
|
Nghệ sĩ Quốc Thảo (áo đen) hướng dẫn diễn xuất cho các học viên |
“Nhiều diễn viên kịch khi đóng phim thường “bê” nguyên cách diễn sân khấu qua truyền hình. Nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật của hành động, của kỹ thuật tiếng nói; nghệ thuật của điện ảnh quan trọng là những biểu cảm trên nét mặt, ánh mắt… mô tả nội tâm nhân vật. Cần phải biết cách điều chỉnh, đừng để lẫn lộn giữa hai cách diễn” - nghệ sĩ Quốc Thảo nói.
Với lợi thế là “lò” có đông học viên nhất, nhiều năm nay, “lò” của “bà bầu” Hồng Vân đã chủ động khai thác những khả năng khác ngoài kỹ năng diễn xuất của học viên như viết kịch bản, dàn dựng, làm ánh sáng, âm nhạc… cho vở diễn.
Đến nay, sân khấu Hồng Vân đã có được một số tên tuổi tác giả, đạo diễn trưởng thành từ các khóa đào tạo như Đinh Mạnh Phúc (tác giả), Di Dương (tác giả, đạo diễn), Tuấn Dũng (tác giả, đạo diễn)… Tất nhiên, trừ Đinh Mạnh Phúc, những tác giả, đạo diễn kể trên vẫn còn phải tiếp tục rèn luyện để khẳng định thực lực của mình ở lĩnh vực sân khấu.
Bên cạnh đó, thay vì tuyển sinh mới, các “lò” mở thêm lớp đào tạo chuyên sâu. Khóa học thường được tổ chức trong sáu tháng, chỉ dành cho những học viên đã tốt nghiệp xuất sắc khóa cơ bản và có mong muốn gắn bó lâu dài với nghệ thuật. Học viên sẽ được tập trung đào tạo về kỹ năng diễn xuất, tiếng nói sân khấu và thẩm mỹ nghệ thuật.
Giảng viên của lớp này đa phần là những nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều năm gắn bó với sân khấu như NSND Kim Xuân, NSND Việt Anh, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Tuyết Thu, nghệ sĩ Thanh Thủy, Trung Dân… Lớp chuyên sâu cũng thu hút một số gương mặt trưởng thành từ các game show như Minh Dự, Dương Thanh Vàng, Thái Duy…
|
Xuân Nghị (trái) - gương mặt tỏa sáng hiếm hoi từ "lò" đào tạo. |
So với thời gian đầu, chất lượng chuyên môn của các “lò’’ dần được nâng cao hơn. Sau phản ứng của dư luận, những màn giả gái gây phản cảm ở các buổi thi đã được loại bỏ. Thay vào đó là những trích đoạn, vở diễn chính kịch. Lớp chuyên sâu ở sân khấu Minh Nhí từng gây ấn tượng khi học viên thi học kỳ môn tiếng nói sân khấu bằng những trích đoạn có thể “làm khó” cả những sinh viên các trường đào tạo chính quy: Sông dài, Trà Hoa Nữ, Duyên kiếp, Đời Như Ý…
Sân khấu Hồng Vân chọn những vở kịch văn học như Số đỏ, Con nhà nghèo, Bỉ vỏ… để làm bài thi cho học viên. NSND Hồng Vân chia sẻ: “Trong đào tạo, tôi muốn các em được tiếp cận với những tác phẩm có giá trị. Sân khấu khó khăn, rất có thể sau khi tốt nghiệp, các em không có nhiều cơ hội để diễn những vở chính kịch, giàu chất văn học. Được thể hiện những nhân vật hay, nội tâm đa chiều vừa là điều kiện để các em rèn nghề, vừa góp phần gieo cho các em tình yêu với dòng kịch văn học mà tôi từng ấp ủ khi gầy dựng sân khấu”.
Không thể phủ nhận, so với các trường đào tạo chính quy, học ở các “lò”, học viên có cơ hội thực hành nhiều hơn, được trau dồi nhiều kinh nghiệm thực tế từ những nghệ sĩ đã và đang làm nghề. Tuy nhiên, số diễn viên xuất thân từ “lò” đã khẳng định được tên tuổi lại chưa nhiều.
Có lẽ thời gian một năm còn quá ngắn để học viên có thể trang bị đầy đủ cho mình những kỹ năng cần thiết, phục vụ cho quá trình làm nghề. Chưa kể việc được lên sân khấu quá sớm, dù được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn là con dao hai lưỡi, khiến học viên sớm tự mãn và không còn xem trọng việc tiếp tục trui rèn.
Cho đến nay, chỉ có Xuân Nghị được xem như hiện tượng và đang là sự lựa chọn của nhiều đoàn làm phim truyền hình khu vực phía Bắc. Lê Lộc gầy dựng tên tuổi từ “lò” đào tạo Hồng Vân, nhưng trước khi ghi danh khóa đào tạo này, cô đã được đào tạo chính quy ở Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Tuấn Dũng được biết nhiều hơn trong vai trò tác giả một số vở diễn ở sân khấu Hồng Vân.
Khi chuyển hướng đào tạo chuyên sâu, liệu các “lò” có làm được điều gì khác biệt? Câu hỏi vẫn đang chờ lời đáp.
Chung Thu Hương