Người đàn bà gõ cửa nhà tôi vào một sáng khai giảng năm học mới. Bà nói có con gái là sinh viên năm hai, muốn tìm một chỗ trọ yên tĩnh để tập trung học hành. Tôi nói không muốn bị làm phiền thì ở một mình một phòng. Bà gật đầu ngay: “Ừ, đúng là tôi muốn thuê một phòng riêng cho nó, không chung đụng với ai hết, lối đi biệt lập càng tốt”. Tôi nói vậy thì giá khá cao so với sinh viên. Bà lắc đầu: “Giá cả không thành vấn đề…”.
|
Ảnh minh hoạ |
Nói qua nói lại một hồi thì bà chảy nước mắt: “Xin chị giúp cho. Con gái tôi đúng là sinh viên nhưng mà cháu lỡ dại có bầu. Mấy tháng hè về nhà phải buộc chặt cái bụng, tới nay là sáu tháng. May mà có cái cớ nhập học để tôi đưa con đi. Ông nhà tôi mà biết là nguy to. Xin chị cho cháu ở đây tới ngày sinh nở rồi tôi sẽ đưa đi ngay”.
Tôi từ chối vì một khách trọ tuổi đôi mươi với cái bụng bầu chắc chắn sẽ gây nhiều tò mò phiền toái. Nước mắt lại tuôn rơi, người đàn bà nói trước khi đến nhà tôi, bà đã dò hỏi mấy chỗ trọ quanh đây, biết tôi là người hiền lành nên bà mới dám cầu mong giúp đỡ.
Đành lòng, tôi bỗng trở thành “người cùng phe” với bà, cùng bàn bạc sao cho việc cô con gái ở nhà tôi sẽ không gây nên chuyện.
*
Cô con gái tên Thanh. Ngày đầu tiên đưa Thanh đến, bà mẹ mở va-li giũ tung từng cái áo cái quần trước mặt tôi. Rõ là bà muốn tôi thấy rõ Thanh không thể giấu một cái điện thoại hay thứ gì khác có thể liên lạc được với ai đó. Tôi tưởng Thanh sẽ tự ái hoặc nổi cơn tủi thân. Nhưng không, cô chỉ cúi nhìn vạt áo đội lên lùm lùm rồi như sực nhớ sự có mặt của tôi, cô ngẩng nhìn sự khám xét của bà mẹ với vẻ bình thản.
Thái độ này khiến tôi lo lắng, lỡ khi vắng mẹ, Thanh kiếm cớ đòi đi đâu đó rồi đi luôn thì sao? Như đọc được suy nghĩ trong đầu tôi, đợi bà mẹ xong việc, Thanh hỏi: “Con cũng không được đi ra đường phải không?”. Bà mẹ dằn dỗi: “Muốn khoe cho thiên hạ thấy cái bụng bầu à?”.
Tôi nói với cư dân khu trọ rằng Thanh là đứa cháu ở quê, vì cái thai hơi khó, nên Thanh về thành phố những tháng cuối, lỡ có gì bất ngờ thì kịp đi bệnh viện có bác sĩ giỏi.
Thanh hay hát và hát khá hay. Tôi nghĩ cô giỏi đóng kịch, vì nghe cô hát, khu trọ dễ tin đây là một bà bầu hạnh phúc đang chờ mong đứa con yêu ra đời. Đôi khi tôi lại nghĩ, đóng kịch giỏi hay là quá hồn nhiên? Bởi vì Thanh hay nhờ tôi mua này mua kia khi bà mẹ không kịp có mặt.
Mua thức ăn thì không nói làm gì, khi có thai người ta ăn nhiều cũng là chuyện bình thường. Nhưng cái cách Thanh ăn ngon lành khiến tôi đâm bực, vì cảm thấy cô gái này quá vô tư khiến cả tôi là người ngoài cuộc mà cũng phải lo lắng giùm. Nhất là khi cô nhờ tôi mua giấy bút và màu vẽ. Rảnh quá không biết làm gì nên cô bày chuyện vẽ vời, chủ yếu là mặt trời tỏa sáng và những bông hoa nhiều cánh nhiều màu.
Thanh dán tranh khắp nơi và khi tôi nói keo dán làm hư lớp sơn tường, cô nói: “Cháu sẽ nói mẹ trả bù thêm tiền phòng để dì sơn lại tường”. Tôi bật ra: “Cháu làm khổ mẹ chưa đủ sao?”.
|
Ảnh minh họa |
Nói xong thì tôi ân hận vì đã dặn mình là không nên dính dáng sâu hơn vào chuyện người ta. Tôi thông cảm với bà mẹ, nhưng thật lòng là không cảm thấy thông cảm với cô gái vô tư này.
Một hôm, Thanh hỏi tôi: “Người ta nói sinh con đầu lòng khó tính đúng ngày tháng phải không dì?”. Đây là câu hỏi đầu tiên chứng tỏ cô có quan tâm đến sự cố, chắc cũng biết lo rồi đây, tôi nghĩ thầm trong đầu và trả lời: “Con đầu lòng hay con thứ mấy cũng có thể trục trặc ngày tháng và cả chuyện khác nữa”. “Nên mới có câu đàn bà vượt biển mồ côi một mình dì ha?”.
Câu nói này thốt ra từ miệng của cô gái chỉ biết ăn và hát hò khiến tôi bất ngờ quá. Thanh nhích tới gần tôi, có lẽ vì mấy hôm nay hay trò chuyện tào lao khiến cô cảm thấy thân tình chăng?
Lời thì thầm khiến tôi nhói lòng
“Suốt mùa hè phải buộc bụng nên từ ngày ở với dì, cháu cố ăn nhiều bù đắp cho em bé khỏe. Cháu đọc sách thấy lời khuyên là bà mẹ nên nhìn ngắm màu sắc rực rỡ nên cháu bày ra vẽ. Cháu buồn lắm mà sợ con mình sinh ra có khuôn mặt buồn nên cháu luôn ca hát để em bé được vui vẻ… Dì ơi, dì giúp mẹ cháu thì xin hãy giúp cháu với”.
Chuyện gì đây? Cô gái trước mặt tôi đây rất khác với cô gái vô tư suốt hai tháng nay, cố giữ cho câu nói không bị ngắt quãng để tôi nghe được rõ ràng mà nước mắt cô ròng ròng xuống cằm. “Cháu biết mình có lỗi nên đành để tùy ý mẹ định đoạt, nhưng mà… xin dì giúp, vì khi đó cháu nằm trong phòng sinh không thể làm được gì”.
“Cháu muốn giúp việc gì?” - tôi hỏi. “Mẹ cháu sẽ đem em bé cho ai đó. Nhờ dì chú ý giùm người đó là ai, ở đâu, để mai mốt cháu tới xin con về…”. “Rồi lấy gì nuôi con?”- câu hỏi chực bật ra khỏi môi may mà tôi kịp ngậm miệng lại.
Tôi nhận ra mình khó chịu với Thanh bấy lâu nay cũng là vì nỗi mong muốn được thấy cô như lúc này. Cô còn trẻ quá và hẳn là sẽ còn nhiều vấp váp, nhưng để trưởng thành ai lại chẳng phải trả giá. Nên dù đã dặn lòng là không để mình dính sâu vô chuyện nhà người ta, vậy mà tôi cũng gật đầu: “Ừ, dì hứa”.
Nguyên Hương