Lỡ cưới rồi, làm sao dây?

27/07/2019 - 11:30

PNO - Có một bà vợ muốn chia tay ông chồng “vô tư, thiếu trách nhiệm”, suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt. Trước khi nộp đơn ly hôn, bà tìm đến một nhà thông thái xin lời khuyên.

Nhà thông thái không cản ngăn ý định của bà, nhưng bảo: “Chị cứ kiên nhẫn thương yêu và thật lòng quan tâm, chăm sóc chồng khoảng hai tháng rồi nộp đơn cũng chưa muộn. Nếu sau đó, anh ta vẫn chứng nào tật ấy, thì chị sẽ không còn áy náy nữa. Và quan trọng hơn là sau ly hôn, chị sẽ thanh thản, còn anh ta sẽ phải hối tiếc vì đã mất người vợ đảm đang, chung thủy. Chị thay đổi cách đối xử với anh ấy là vì chị chứ không hẳn vì anh ấy”.

Lo cuoi roi, lam sao day?
Ảnh minh họa

Bà vợ cất lá đơn vào tủ, và làm theo lời nhà thông thái. Khi ông chồng về nhà trễ, bà pha sẵn cho ông một ly đá chanh, hâm cho ông chén xúp, giường chiếu không còn bừa bộn, và đặc biệt là không hề gặng hỏi ông đi đâu, với ai. Trên miệng bà luôn cài sẵn một nụ cười. Bà cũng không còn trách vì sao ông bắt bà phải làm việc quần quật như một Ô-sin nữa… 

Buổi sáng ông thức dậy, bụng đói meo, đã có sẵn bát mì vợ nấu. Vẫn mì gói thôi, chế biến nhanh, nhưng trong bát mì có vài lát thịt bò, chứ không hằn học, buồn bực như trước giờ… Bà lôi hết quần áo của ông ra, kết lại những hạt nút sắp đứt, bỏ đi những cái đã quá cũ, giặt ủi quần áo bẩn, mua thêm cái mới… Vài tháng sau, bà lại tìm đến nhà thông thái với tâm trạng vui vẻ và cám ơn ông. 

“Chị không ly hôn nữa sao?”. “Dạ không. Vì anh ta cũng đã quan tâm đến tôi. Có hôm, anh ta loay hoay đo bàn chân của tôi, tôi giả vờ ngủ, và hôm sau anh ta mang về nhà một đôi giày tặng vợ. Anh ta vẫn chưa hết nhậu, nhưng tôi nghĩ gia đình mình chưa đến nỗi phải tan nát. Tôi còn thay đổi, thì ông xã sẽ tiếp tục thay đổi”. 

Trong định nghĩa của giới tâm thần học, người điên được định nghĩa là người cứ làm hoài một việc y chang nhau mỗi ngày, không hề thay đổi mà lại đòi hỏi, mong đợi một kết quả khác đi. Có khi ta cũng hay “điên” theo kiểu này, nhưng lại cho rằng người khác điên, khi họ không thay đổi theo ý của ta. 

Lo cuoi roi, lam sao day?

Ảnh minh họa

Niềm tin của bà vợ trên đã cứu rỗi hạnh phúc. Có người cho rằng, ai cũng có thể phản bội mình, nên tốt nhất là hãy tin vào bản thân. Và thật hiệu quả, niềm tin vào chính bản thân đã khiến cho bà vợ tin vào ông chồng. Không thể đơn giản chia các ông chồng làm hai loại tốt và xấu. Bởi có những ông chồng thật tốt với vợ con, nhưng đôi khi lại làm những việc tồi tệ, lén lút, gian lận ngoài xã hội và những ông chồng thật tệ, cũng không phải là xấu toàn diện. Các bà vợ phải có cái nhìn tình cảm, tinh tế, và khoan dung thì mới biết mình đang sống với ông chồng như thế nào.

Bà vợ trong câu chuyện trên cũng rút ra kinh nghiệm sống một cách tinh tế. Muốn thay đổi ông chồng, hãy thay đổi bản thân. Khi bạn không thể thay đổi người khác, không thay đổi được hoàn cảnh, thì hãy thay đổi bản thân. Vì đó là điều có thể. Nhiều bà vợ vô tình hay cố ý đi ngược quy định này, cũng như đi ngược lại dòng sông, không bao giờ ra được biển cả, không bao giờ thành công.

Hãy quy về bản thân mình, bạn sẽ là người chủ động gặt hái hạnh phúc. Bởi người ta quan niệm, nếu gia đình nảy sinh rắc rối, thì người thay đổi là vợ tôi, chồng tôi, con tôi, mẹ chồng tôi, em chồng tôi… rất nhiều người khác nữa trong nhà tôi, chứ không phải là tôi. Tôi không phải là người gây rắc rối, mà tôi chỉ là nạn nhân. Rồi bạn chỉ biết ngồi than thở “vì sao tôi lại lấy một người chồng như thế này, hoặc một người vợ như thế kia?”.

Rất nhiều người bây giờ bận rộn như một sinh viên, lúc nào cũng học hành. Ít ai chỉ có đi làm… “chay”. Với nhiều người, phải học một cái gì đó thì họ mới an tâm và tự tin được. Có người học để nâng cao kiến thức chuyên môn, bởi sự đe dọa lỗi thời. Có người cần bằng cấp để thăng tiến, nhưng cũng có người chỉ cần học để thay đổi bản thân, vì thế mà họ chịu khó đến các địa chỉ giúp họ những “công thức” cần thiết. 

Chẳng có ông chồng, bà vợ nào đang hạnh phúc ngất ngây, đang yêu vợ chồng mình tha thiết mà đến lớp học thành “người tốt”. Đa số, họ đang chịu hết nổi người bạn đời, người mà họ đã từng muốn cưới cho bằng được. Điều họ cần là người đang chung sống với mình phải thay đổi, phải bỏ tật này, thói kia. Nhưng không có nơi nào trên thế giới này huấn luyện cách thay đổi người khác, thay đổi duy nhất, khả thi nhất là thay đổi chính mình.

Đã từng có nhiều lời đề nghị từ các cơ quan như Trung tâm Tư vấn tình yêu hôn nhân, từ Hội Phụ nữ các cấp… cần phải có lớp học “tiền hôn nhân” dành cho các cặp vợ chồng mới cưới. Họ phải biết làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha… là như thế nào. 

Hiện giáo hội nhà thờ Thiên chúa giáo duy trì được chuyện này, giáo dân muốn làm đám cưới, phải có giấy chứng nhận đã qua lớp giáo lý hôn nhân, thì mới được lãnh bí tích hôn phối. Đấy là điều bắt buộc. 

Nhưng xã hội không thể áp đặt mọi công dân phải học làm chồng, làm vợ. Và cũng không có ai có thể bảo đảm học xong, học viên sẽ có một mái ấm như ý. Một khi những ông chồng, bà vợ đã không tự nguyện thì trường học làm chồng, làm vợ đóng cửa. Rồi, sau một thời gian chung sống, cũng là sau một thời gian làm vợ, làm chồng theo kiểu làm… đại, nhiều người lại tự nguyện tìm đúng nơi để học, khao khát học. 

Bây giờ họ học gì? Họ học cách chung sống hòa bình, cách trao hạnh phúc với người “dễ ghét” mà mình đã lỡ cưới. 

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI