Lo COVID-19 bùng phát trở lại, các nước tích trữ lương thực

19/10/2020 - 13:35

PNO - Mỹ, châu Âu, Nam Á có số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tiếp tục tăng, làm dấy lên mối lo ngại về đợt bùng phát dịch mới khiến nền kinh tế và giao thương tê liệt. Từ đó, các quốc gia cũng tập trung thu mua lương thực dự trữ do nhu cầu tiêu dùng tăng lên.

Nỗi lo dịch bùng phát mùa đông

Theo tờ Washington Post, hơn 215.000 người ở Mỹ đã chết vì COVID-19. Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng ghi nhận mức tăng đáng báo động trong những tuần gần đây, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý và Ấn Độ. 

Các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu cư dân của họ phải đối mặt với “thời điểm quyết định” và “bước ngoặt nguy hiểm”, đồng thời tái áp đặt một số biện pháp giãn cách, quy định giờ giới nghiêm. Tiến sĩ VK Paul, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Ấn Độ, cảnh báo rằng dịch có thể sẽ bùng phát khi mùa đông đến gần.

Từ nỗi lo về một đợt bùng phát dịch mới, hơn một nửa (52%) số người Mỹ tham gia cuộc thăm dò gần đây – do tổ chức Sports and Leisure Research Group, Engagious và ROKK Solutions phối hợp thực hiện - cho biết, họ có kế hoạch dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. 

Theo The Wall Street Journal, những chuỗi cửa hàng tạp hóa đang tích trữ hàng hóa trước mùa đông để đảm bảo có thể đáp ứng nhu cầu khi số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng lên, cũng như cho dịp lễ cuối năm. Đồng thời, thống kê cho thấy doanh số bán hàng tạp hóa đang tăng. Công ty dữ liệu Envestnet Yodlee tiết lộ, mức chi tiêu thông thường cho một chuyến đi mua hàng tạp hóa của người dân Mỹ vào khoảng 72USD trong tuần đầu tháng mười, cao hơn 11% so với tuần cuối tháng chín.

Người dân chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm hàng dự trữ vì lo ngại đợt bùng phát dịch mới.
Người dân chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm hàng dự trữ vì lo ngại đợt bùng phát dịch mới

Thay đổi thói quen dự trữ

Francisco Blanch - người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu của Bank of America Corp - cho biết: “COVID-19 buộc người tiêu dùng phải chuyển thói quen mua hàng kịp thời sang một cách tiếp cận thận trọng hơn. Kết quả là nhà bán lẻ giữ nhiều hàng tồn kho hơn để đề phòng sự gián đoạn nguồn cung trong tương lai".

Nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc Abdolreza Abbassian cho biết, phần lớn quốc gia quyết định mua lương thực để đảm bảo nguồn cung trong trường hợp COVID-19 phá vỡ chuỗi cung ứng.

Chỉ một số ít thực sự tìm cách tăng dự trữ chiến lược, chẳng hạn như Ai Cập và Pakistan, nhưng họ cũng có những lý do khác để đi đến quyết định trên, bao gồm khả năng tiếp cận ngoại tệ, kiểm soát giá tiêu dùng trong nước. Riêng vụ mùa thất bát ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc khiến hai nước này phải tăng cường nhập khẩu.

Trung Quốc tăng cường dự trữ lương thực và mua thêm sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ theo hiệp định thương mại, làm gia tăng sự khan hiếm hàng hóa.
Trung Quốc tăng cường dự trữ lương thực và mua thêm sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ theo hiệp định thương mại, làm gia tăng sự khan hiếm hàng hóa

Tác động từ Trung Quốc

Bên cạnh đại dịch, một số yếu tố khác cũng đang làm tăng giá ngô, lúa mì và đậu tương, bao gồm lũ lụt ở Trung Quốc và việc nước này tăng cường thu mua lương thực để đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh có thể đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc cạnh tranh thu mua lương thực vào năm 2020. Nhà nhập khẩu lớn nhất về dầu thô, quặng sắt và đậu nành đang có kế hoạch tăng kho dự trữ quốc gia khổng lồ như một phần của kế hoạch 5 năm.

Việc Bắc Kinh mua thêm hàng hóa được hoan nghênh bởi các nhà sản xuất, bởi Trung Quốc tăng mua cũng có nghĩa là các nhà xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu ở Mỹ đang kiếm được lợi nhuận cao nhất trong những năm gần đây.

Ray Young, giám đốc tài chính của công ty tư vấn thị trường ADM, nhận định tại một hội nghị ảo được tổ chức vào tháng chín: “Rất nhiều quốc gia trên thế giới, về nguồn cung cấp thực phẩm, đã chuyển từ thói quen mua thực phẩm đúng lúc sang sự phòng rủi ro. Họ muốn tích lũy một ít dự trữ trong nước vì không biết chuỗi cung ứng sẽ phản ứng như thế nào trong môi trường bình thường mới do COVID-19 ”.

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, USA Today, Fox News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI