Lo công nhân ế vợ, ế chồng nếu chỉ chăm chăm tăng giờ làm thêm

29/05/2019 - 19:40

PNO - Nếu chỉ tăng giờ làm chỉ để người lao động 'đủ sống', sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Nếu chỉ tăng giờ làm chỉ để người lao động 'đủ sống', sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Trước thực trạng hàng vạn công nhân gần 30 tuổi chưa có bạn đời, không có thời gian chăm sóc con cái, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu đề xuất, việc tăng giờ làm thêm phải tính toán kỹ, cân nhắc hệ số lũy tiến để bảo vệ người yếu thế…

Nghẹn ngào đồng tình tăng giờ làm thêm

Một trong những vấn đề được quan tâm tại dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy là đề xuất mở rộng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Đồng tình với quy định này nhưng đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - bày tỏ nhiều băn khoăn.

“Mặc dù để đồng ý với chủ trương này nhưng chúng tôi hết sức buồn và cũng nghẹn ngào, vì  hiếm nơi trên thế giới, tổ chức công đoàn đồng ý tăng giờ làm thêm. Nhưng vì lương của người lao động chúng ta rất thấp, không tăng giờ làm thêm thì không đủ lo cuộc sống tối thiểu. Và thực tế, nhiều nơi cũng đang lách luật, có nơi người lao động đã làm thêm tới 500 giờ/năm, nên chúng tôi chia sẻ”

Do đó, ông Hiểu đề xuất, tăng giờ làm thêm thì phải nghiên cứu xây dựng phương án trả lương lũy tiến để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ví dụ, giờ làm thêm thứ nhất 5USD thì làm thêm giờ thứ hai phải được trả 6 - 7USD.

Lo cong nhan e vo, e chong neu chi cham cham tang gio lam them
Công nhân phải liên tục tăng ca ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống

Lý do ông Ngọ Duy Hiểu đưa ra là, ngoài chi phí để người lao động đầu tư tái sản xuất sức lao động, thực tiễn cho thấy, càng làm thêm nhiều giờ, nguy cơ tai nạn lao động càng cao.

Bên cạnh đó, các quy định đưa ra phải bảo vệ đối tượng yếu thế, bởi: “Người lao động cũng cần thời gian chăm tóc gia đình, con cái, tìm bạn đời nữa. Hiện hàng vạn công nhân gần 30 tuổi chưa có bạn đời, không có thời gian chăm sóc con cái. Họ gửi con ở nơi trông giữ rất ít an toàn do  không có tiền để gửi con ở những môi trường giáo dục tốt”.

Theo ông, nếu chỉ tăng giờ làm mà chỉ để người lao động “đủ sống” thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Ông đề xuất, nên thiết kế trong luật để người lao động có thể làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay.

“Rất nhiều nước trên thế giới  đã quy định như vậy. Ở khu vực công, viên chức, lao động đang làm 40 giờ/tuần, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì 48 giờ/tuần” - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Làm việc quần quật, chỉ thấy váy áo trong mơ

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương  - cũng thừa nhận, nhiều công nhân phải làm thêm giờ. Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra trong lĩnh vực điện tử, đã kết luận: 60% doanh nghiệp vi phạm thời gian làm thêm giờ theo ngày, tháng, năm.

Theo thông tin ngẫu nhiên từ 2 công ty, một công nhân làm công ty giày phải làm 103 giờ/tháng, tổng thu nhập là 8,4 triệu đồng, bao gồm cả lương chính và tăng ca (hơn 3 triệu đồng). Lương của một công nhân khác ngành gỗ, trong tháng tăng ca 141 giờ, liên tục ngày thường, ban đêm, trong tuần và ngày nghỉ, lương tăng ca chiếm 7/12 triệu đồng , tăng 125% so với lương chính thức được hưởng.

Từ con số này, bà Hạnh chia sẻ, rất nhiều công nhân chấp nhận tăng ca để tăng thêm thu nhập nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của mình.

“Công nhân may nói rằng, trong giấc mơ, họ mới thấy được giày dép, quần áo vì cứ làm quần quật 12 giờ/ngày như vậy” - bà Hạnh nghẹn ngào.

Trước tình hình này, giống như đại biểu Ngọ Duy Hiểu, bà Hạnh đề xuất xem xét giảm thời gian chính thức từ 48g/tuần xuống còn 44g/tuần cho người lao động như quy định của nhiều nước trên thế giới. Nếu tăng giờ làm thêm, phải giảm thời gian làm chính thức.

Thứ hai, phải bảo vệ quyền lợi và tiền lương của người lao động. Nếu luật tăng lên 400 giờ/năm thì phải tăng lũy tiến: “Nếu 2 giờ đầu tăng 1 đồng thì giờ thứ ba, thứ tư phải tăng lên so với mức 2 giờ trước đó. Tiền điện tính lũy tiến bậc 2 thì không lý do gì để không tăng lương lũy tiến được”

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI