Lo con không theo kịp chương trình mới, phụ huynh đổ xô cho con học “tiền tiểu học”

22/05/2022 - 19:35

PNO - Lo lắng con vào lớp 1 sẽ vất vả, thiệt thòi, nhiều phụ huynh cho con học viết chữ, làm toán ngay từ khi bé học lớp Lá.

Trẻ mẫu giáo học thêm đến 7g tối

Sau giờ học buổi chiều ở trường mẫu giáo, con trai chị Nguyễn Thu Hằng (TP. Thủ Đức) được mẹ đưa đi học tại lớp “tiền tiểu học”. Từ sau tết, chị Hằng đã tìm các lớp học “tiền tiểu học” để đưa con trai 5 tuổi đang học lớp Lá đến học. Chị cho biết không quá đặt nặng việc học cho con, thế nhưng bạn bè chị có con đã học qua lớp 1 đều khuyên chị nên cho con đi học chữ trước để bé đỡ “thiệt thòi” so với bạn bè.

Trừ hai ngày cuối tuần, còn lại các buổi chiều trong tuần, sau khi tan học ở trường mẫu giáo, bé Hoàng Trung (5 tuổi, quận 1) đều được ba chở đến lớp học rèn chữ, học đến 7g tối. Mỗi tối, sau khi được đón về nhà, cậu vứt cặp, luôn miệng kêu đói.

Rất nhiều trẻ đã biết đọc, biết viết trước khi vào lớp Một
Rất nhiều trẻ đã biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1

Anh Nguyễn Công Quý - ba của Trung cho biết, đồng nghiệp trong công ty của cả hai vợ chồng anh đều cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1, vì vậy vợ chồng anh quyết định cho con đi học chữ trước. 

“Có người bạn của tôi kể rằng, vì không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 mà cả gia đình phải “đánh vật” mỗi khi học cùng con. Vợ cậu ấy nhiều lần phát khóc vì không biết kèm con thế nào. Con học chữ trước, được làm quen với cách học ở lớp 1 sẽ tự tin hơn khi chuyển cấp”, anh Công Quý chia sẻ.

Chuyện của gia đình anh Công Quý hay chị Nguyễn Thu Hằng hiện đang là câu chuyện phổ biến với những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1.

Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Hiệu trưởng Trường TH Võ Văn Tần, quận 6) cho hay, khi học sinh vào lớp 1, trung bình trong mỗi lớp có khoảng 2/3 em đã được học các lớp tiền tiểu học, học chữ trước. Thậm chí, nhiều em ngay từ đầu năm học đã… biết đọc, biết viết, biết làm toán như học sinh đã học xong lớp 1.

Đừng chỉ “chăm chăm” cho con học chữ trước

Theo cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 đến mức “đọc thông viết thạo” là điều không cần thiết, bởi điều này không những không tốt cho trẻ mà còn “gây tác dụng ngược” khi trẻ chính thức bước vào lớp 1.

“Trẻ lớp 1 khi chuyển từ mầm non lên tiểu học sẽ rất háo hức với những điều mới lạ. Một trong những điều mới lạ đó chính là bài học đầu tiên của con ở trên lớp, với những chữ cái, con số... Nếu trẻ đã biết hết rồi thì con sẽ chán, sẽ thấy rằng việc học lớp 1 không còn gì mới lạ, thích thú, lâu dần con sẽ không hào hứng với việc đến trường”, cô Lệ Hằng phân tích.

Nhiều năm chủ nhiệm lớp 1, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên Trường TH Bình Trị 2, quận Bình Tân) chia sẻ, khó khăn của giáo viên lớp 1 mỗi đầu năm học luôn là tình trạng “em đã biết đọc, em chưa biết gì”, giáo viên sẽ rất vất vả để có thể tiếp cận, uốn nắn từng học sinh. 

“Trước khi bước vào học chính thức chương trình lớp 1, trẻ sẽ có khoảng 2 tuần làm quen với bảng chữ cái, làm quen với môi trường học tập mới ở trường tiểu học, được rèn nền nếp, ý thức tự vệ sinh… Do vậy, không cần thiết phải cho trẻ học thêm chữ trước khi vào lớp 1 mà hãy tạo môi trường để cùng con làm quen với mặt chữ, con số trước, giúp con nhận biết được bảng chữ cái, đếm số. Đặc biệt là làm sao rèn cho trẻ ý thức tự giác, biết tự vệ sinh, biết tương tác với cô khi cần giúp đỡ…”, cô Huyền nêu rõ.

Phụ huynh không nên chỉ chăm chăm việc cho con học chữ trước mà cần chú trọng rèn cho trẻ các kỹ năng chuẩn bị vào lớp Một
Phụ huynh không nên chỉ "chăm chăm" cho con học chữ trước mà cần chú trọng rèn cho trẻ các kỹ năng chuẩn bị vào lớp 1

Đặc biệt, theo cô Thanh Huyền, chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới không “khó như phụ huynh tưởng tượng”. Thậm chí, với phương pháp dạy theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, chương trình mới còn giúp trẻ chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức. 

“Thông thường, hết học kỳ 1 là trẻ đã có thể biết đọc, biết viết. Thay vì cho con học chữ trước, nên rèn cho con các kỹ năng như sự tự tin, tự giác, niềm ham thích được đến trường. Khi trẻ yêu thích việc học, thấy việc học là niềm hứng khởi, thích thú, con sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức”, cô Huyền khuyên.

Bà Lương Thị Hồng Điệp (Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, trong chương trình giáo dục mầm non, trẻ lớp Lá luôn được làm quen mặt chữ, con số, tính toán các phép tính cơ bản.

Ngoài ra, trong quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ, giáo viên cũng đặc biệt quan tâm đến việc hình thành cho trẻ các kỹ năng tự giác, tự phục vụ, kỹ năng làm việc nhóm, thưa, gửi… giúp trẻ tự tin khi vào lớp 1. Các trường cũng tổ chức cho trẻ đi tham quan, làm quen với trường tiểu học… 

“Thời điểm tiền lớp 1, phụ huynh nên cùng với con vừa học vừa chơi, trò chuyện với trẻ về việc trẻ sẽ chuyển cấp để trẻ không bỡ ngỡ, đồng thời khơi lên niềm hứng khởi của trẻ với việc học ở trường tiểu học. Thông qua các trò chơi, phụ huynh giúp trẻ nhận biết, làm quen với mặt chữ, chữ số, dạy trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Phụ huynh không nên quá lo lắng mà “ép” con học chữ trước, vì như vậy có thể sẽ khiến trẻ sợ việc đi học”, bà Lương Thị Hồng Điệp nhắn nhủ. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI