Lỡ có bề gì ai lo?

01/10/2018 - 11:05

PNO - Cuộc đời luôn đầy bất trắc. Nếu chẳng may vợ bị tai nạn mất trí nhớ, chồng “rinh” người tình về nhà thì làm sao?

Hay cha mẹ già có nhà cửa và đang sống chung với vợ chồng em út nhưng lại muốn cậy nhờ con gái quản lý tài sản khi hữu sự được không? 

Những tình huống như vậy, pháp luật có “bó tay” không? 

Lo co be gi ai lo?
Hình minh họa

1. Chị Mai ngồi trên xe lăn nhìn ra cửa sổ, ánh mắt xa xăm vô hồn, không nhận ra người bạn cũ đến thăm mình. Ba năm nay, từ vụ tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não, chị Mai đã mất trí nhớ. Gánh nặng trút lên đôi vai mẹ già đã ngoài 70 tuổi với đồng lương hưu ít ỏi.

Đứa con gái của chị mới bảy tuổi phải phụ bà chăm sóc mẹ. Người bạn hỏi bé: “cha con đâu, sao không thấy?”, bé sụt sùi khóc rồi nấc nghẹn trả lời: “cha con có vợ bé bỏ mẹ con con rồi”. 

Từ khi chị Mai gặp nạn, bà ngoại rước về nhà để tiện chăm sóc thì cũng là lúc thằng rể có con chung với một cô gái khác. Tổ ấm của chị Mai, hắn lén lút đưa nhân tình về. Bà còn nghe thông tin con rể dự định bán căn nhà của hai vợ chồng. 

Trái tai gai mắt, bà gặp chàng rể hỏi cho ra chuyện. Anh ta tuyên bố, đã đi tư vấn luật sư, chồng là giám hộ đương nhiên của vợ nên sẽ toàn quyền quản lý căn nhà tài sản chung của hai vợ chồng.

Bà ức, bởi tiếng là tài sản chung nhưng tiền mua nhà là của chị Mai, còn thằng rể chỉ bỏ ra vài chục triệu đồng mua ít nội thất, sơn phết lại cho đẹp. 

Bà đi tìm trợ giúp pháp lý thì được hướng dẫn: phải làm yêu cầu để tòa án tuyên chị Mai hạn chế năng lực hành vi dân sự, rồi yêu cầu tòa án công nhận quyền giám hộ của bà với con gái để có tư cách pháp lý giải quyết xung đột với con rể; có thể là chia tài sản trong hôn nhân hoặc đối mặt với vấn đề ly hôn, chia tài sản khi con rể quyết ra đi…

2. Ngoài bảy mươi tuổi, bác Thành vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Chỉ có bác gái rất yếu và quên nhớ thất thường. Các con bác Thành đều đã lập gia đình và ra riêng, ngoại trừ thằng út. Sai lầm của vợ chồng bác Thành là chọn sống chung với thằng út bởi quan niệm “nhất trưởng nam, nhì trai út”. 

Thằng út ham chơi và sợ vợ nhất xóm. Con dâu út thì suốt ngày ngồi sạp chợ kiếm tiền, ky bo từng đồng, chua ngoa trong ứng xử với mọi người và cũng không quan tâm, chăm sóc cha mẹ chồng. 

Sáu người con còn lại đều hiếu thảo, ngặt nỗi ở xa, có người định cư nước ngoài. Chỉ có chị Tư lấy chồng ở gần, có thời gian qua lại, quan tâm miếng ăn, giấc ngủ của cha mẹ.

Lo co be gi ai lo?
Hình minh họa

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, không biết đau bệnh nằm xuống lúc nào, bác Thành lo lắng, vợ chồng thằng út tệ vậy thì khổ là cái chắc. Con gái thứ tư ở gần và hết lòng săn sóc cha mẹ nhưng ai lại về ở với thằng rể, trong khi mình có nhà. Bác Thành nghĩ mãi mà chưa tìm ra cách phòng xa cho tuổi già bèn nhờ luật sư tư vấn. 

Luật Dân sự 2015 (khoản 2, điều 48) quy định: “Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.

Như vậy, bác Thành an tâm khi hình dung những ngày cuối đời, nếu bệnh nặng hay mất trí nhớ… thì vợ chồng con gái thứ tư sẽ đưa về phụng dưỡng, quản lý tài sản.

Một thảm cảnh không ai muốn nghĩ tới nhưng vẫn diễn ra trong xã hội: cha già bệnh nặng, bác sĩ báo gia đình chuẩn bị số tiền lớn cho ca phẫu thuật. Các con bất đồng ý kiến, đứa đòi bán nhà cha để lo, đứa ngăn cản với lý lẽ “mổ biết có thành công không hay tiền mất mà mạng không còn, lại hành xác đau đớn”.

Tiếng nói có trọng lượng nhất thuộc về ai? Không phải con ruột hay dâu, rể, cũng không phải con cả hay con út mà chính là… người được quyền giám hộ. 

Hoài Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI