Cộng đồng mạng chia sẻ về câu chuyện chị Minh Huyền ở Hà Nội chi tiêu cho gia đình một tháng chỉ hết 2,6 triệu đồng cho 4 thành viên. Dù thu nhập cả hai vợ chồng 15 - 16 triệu đồng nhưng chị Huyền vẫn tiết kiệm được 4,5 triệu mỗi tháng.
Câu chuyện chi tiêu của chị Huyền đã khiến một cuộc tranh cãi nảy lửa trên cộng đồng mạng. Nhiều chị em cho rằng không ai có thể chi tiêu như chị Huyền giữa cơn lạm phát leo thang. Thậm chí có chị em thấy mắc cỡ với chị Huyền vì mình đang tiêu hoang.
Chị Đỗ Thị Hằng (27 tuổi, ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng bản thân chị cũng chi tiêu tiết kiệm như chị Huyền. Chị Hằng và chồng kết hôn hơn 1 năm nay, vợ chồng còn kế hoạch, chưa sinh em bé. Hai người vừa mua nhà nên góp ngân hàng hàng tháng. Thu nhập của anh chị khoảng 22 triệu đồng. Chị Hằng chỉ chi tiêu đồ ăn thức uống cho gia đình khoảng hơn 3 triệu đồng. Chồng chị giữ 2 triệu đồng để chi tiêu lặt vặt bên ngoài.
Vợ chồng chị Hằng thích cơm nhà, không bao giờ ăn cơm ở ngoài. Buổi sáng, chị dậy sớm nấu bữa sáng và bữa trưa. Đồ ăn trưa được chia vào hai hộp, mỗi người xách một cái đi làm. Tối về nhà, hai vợ chồng ăn rất đơn giản như rau luộc, trứng hoặc đậu hũ. Chị cho biết, việc ăn thanh đạm buổi tối giúp dễ tiêu. Có bữa tối hai vợ chồng ăn hai quả trứng chiên, 1/3 mớ rau muống chỉ tốn hơn 10 ngàn đồng.
Thực phẩm chị được bố mẹ chồng gửi từ quê khá nhiều. Gạo mỗi tháng ông bà gửi xuống 20kg kèm rau, củ, quả. Thi thoảng mẹ đẻ chị ở Phú Thọ lại gửi xuống cho chị cá, tôm. Cá ở quê rất rẻ, những loại cá tạp chỉ 15 - 20 ngàn đồng/kg. Chị Hằng kể có đợt chị về quê mua 300 ngàn đồng tép, cá ăn cả tháng không hết. Ví dụ, chị mua 1kg cá diếc 20 ngàn kho giềng, hai vợ chồng ăn ba bốn ngày mới hết.
|
Mặc bão giá, chị Hằng vẫn chi tiêu trong khoản tiền mình đề ra cả năm nay |
Mỗi tháng, chị Hằng chỉ giới hạn chi tiêu cho hai vợ chồng 3 - 4 triệu bao gồm tiền ăn và các sinh hoạt phí khác. Tiền lương chị sẽ rút 3 triệu cho mình và 2 triệu cho chồng để phần lớn trong bóp riêng ở nhà, chứ không cho hết vào bóp mang theo hàng ngày, vì như thế sẽ vung tay tiêu mất kiểm soát.
Chị Hằng chi tiền xăng xe hai vợ chồng khoảng 500 ngàn đồng. Tiền điện thoại trả sau của hai vợ chồng mua theo gói, khoảng 250 ngàn đồng. Tiền điện 350 ngàn đồng. Anh chị không dùng máy lạnh nên mùa hè và mùa đông không thay đổi nhiều. Chị nói, do nhà chị ở căn hộ của chị ở tầng 11, hướng đông nam nên rất mát. Tiền mắm muối, giấy vệ sinh, kem đánh răng khoảng 100 ngàn đồng. Chị Hằng không đi chợ nhiều. Chị cho rằng thói quen đi chợ hàng ngày là tốn kém nhất, mua đồ ăn thừa thãi. Cuối tuần chị xem lại tủ lạnh của nhà cần gì, hai vợ chồng mới đi chợ mua bổ sung một lần.
Quần áo váy vóc, chị Hằng từ thời sinh viên đã tiết kiệm. Chị ít mua sắm cho mình, đôi khi bạn bè lại cho gì mặc nấy nên không tốn kém khoản thời trang. Bạn bè thay túi, thay giày, chị Hằng chỉ cần đôi giày công sở đi làm và đôi giày thể thao là đủ.
Còn túi xách, chiếc túi da cũ chị mua 150 ngàn đồng dùng 2 năm chưa hỏng. Chị không bao giờ mất tiền cho những khoản chi tiêu phù phiếm.
Việc chi tiêu của chị Hằng cũng được chồng chị ủng hộ. Anh từng đi xuất khẩu lao động nên biết quý giá đồng tiền mình làm ra, không muốn chi tiêu vung tay quá trán.
Chị Nguyễn Thùy Ngân (ngụ tại quận 2, TPHCM) chia sẻ, trước đây khi đi làm chị nghĩ rằng mình không thể lo cho gia đình chỉ với 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, 3 năm trước chồng chị bị tai nạn rồi qua đời. Chị Ngân trở thành trụ cột, gồng gánh hai con nhỏ nên phải thắt lưng buộc bụng.
Thu nhập 18 triệu đồng và phải trả ngân hàng 4,1 triệu đồng tiền trả góp mua nhà. Chị bắt đầu xem xét lại cách chi tiêu của mình. Chị lên kế hoạch rõ ràng số tiền được dùng. Hàng tháng, các con học trường công và học thêm. Con gái học cấp II trường gần nhà không học bán trú. Bé tự về nhà ăn nên chị chỉ đóng hơn 300 ngàn đồng.
Tiền học đóng ở trường và học thêm tiếng Anh ở trung tâm của hai con hết khoảng gần 6 triệu đồng mỗi tháng. Đây là khoản tiền không thể tiết kiệm được, chị sẽ chuyển gói học tiếng Anh cho các con qua trả góp từ ngân hàng.
Chị Ngân thắt chặt sinh hoạt phí. Nếu trước đây hàng tuần chị cho con đi siêu thị nhặt đồ thả ga thì giờ đây chị đi chợ "chồm hổm" 3 ngày/lần. Chị sẽ ước lượng thực phẩm ba mẹ con dùng trong 3 ngày tới cần bao nhiêu thịt, cá, trứng... để vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa tối giản chi tiêu.
Chị sẽ ưu tiên ăn cá trước, thịt chia theo ngày bỏ tủ lạnh. Nhờ đó, tiền ăn và các khoản trong gia đình của chị chỉ trong vòng 4 triệu đồng. Đồ sinh hoạt khác cũng mua đủ dùng, chị học cách mua thứ mình cần chứ không phải mua đồ mình thích.
Chị Ngân thấy vẫn co kéo được với mức sinh hoạt tối thiểu đó. Còn dư 3-4 triệu đồng, chị sẽ cho vào "quỹ sức khỏe" 2 triệu đồng. Số tiền còn lại chị chi tiêu cho ba mẹ con. Chị dạy con cách quý trọng đồng tiền, biết sống tiết kiệm vì không còn cha.
Hàng tháng ông bà nội cho con thêm tiền, chị cho con bỏ heo tiết kiệm. Con chị cũng không đòi hỏi mẹ mua sắm. Nếu trước đây, mẹ mua cho bé đồ chơi chỉ vài hôm con chán bỏ thì bây giờ các con quý giá từng món đồ mẹ mua cho. Điều ấy cũng khiến chị Ngân rất vui, niềm vui của người tiết kiệm.
Mỗi năm cơ quan chị tổ chức nghỉ mát dịp hè một lần, chị sẽ đăng ký cho các con đi cùng, trích từ tiền bỏ heo của con. Thi thoảng, ngày lễ tết, ông bà, chú bác bên nội sẽ cho các con đi ăn nhà hàng để đổi không khí nên chị Ngân không thấy các con thiệt thòi nhiều.
Chị Ngân cho rằng nếu chi tiêu đúng và có kế hoạch thì chắc chắn chị em có thể kiểm soát được tài chính cho phù hợp.
Còn bạn, bạn chi tiêu thế nào? Mọi việc vẫn ổn chứ?
An Nhiên