PNO - Lo ngại thái quá khi con trẻ mắc COVID-19, nhiều phụ huynh tham khảo trên mạng rồi tự ý “nhồi” cho con đủ loại thuốc, thực phẩm chức năng, xông hơi… nhằm điều trị, tăng sức đề kháng… Tuy nhiên, không ít trường hợp “gặp họa” từ những “bác sĩ Google” này.
Liên tục trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội gia tăng và luôn dẫn đầu cả nước. Tại nhiều gia đình, trẻ em cũng mắc COVID-19 khiến các bậc phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng.
Vừa đi học trở lại được vài ngày, cô con gái học lớp 2 của chị Hồng Hoa (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) đã được xác định là F0. Ngay sau khi có kết quả test, dù con gái chưa có biểu hiện bệnh, chị Hoa đã nhận được hàng tá tư vấn từ bạn bè. Tham khảo trên các hội nhóm bán hàng xách tay, chị cũng được giới thiệu nhiều loại thuốc từ xịt mũi họng, súc họng, thuốc tăng sức đề kháng, bổ sung vitamin… Ngoài ra, còn có các loại thuốc điều trị viêm, thuốc xông mũi họng, thuốc ngậm ho… “Ma trận” thuốc và thực phẩm chức năng khiến chị Hoa cũng bấn loạn vì sau khi mua về, không biết dùng như thế nào cho đúng và con gái chị cũng phát hoảng mỗi lần phải uống cả mớ thuốc.
Không chỉ có trẻ mắc bệnh, khi học sinh từ cấp 1 trên toàn TP.Hà Nội quay trở lại trường học vào ngày 21/2, các bậc phụ huynh đã bắt đầu cho con uống nhiều loại dự phòng cũng như mua sẵn thuốc để điều trị trong trường hợp con mình trở thành F0. Hầu hết người mua đều nghe theo các đơn thuốc được lan truyền trên mạng cũng như lời quảng cáo của những người bán hàng online.
Một “góc” thuốc được các bà mẹ trang bị phòng hờ và điều trị khi trẻ mắc COVID-19
Bác sĩ Đào Trường Giang, Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết việc mua trữ, sử dụng thuốc cho trẻ tràn lan đang là hiện tượng khá phổ biến ở Hà Nội. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc, COVID-19 là một căn bệnh mới nên không có nhiều thông tin trong điều trị. Bên cạnh đó, thực tế với số ca COVID-19 đang gây ra tình trạng quá tải hiện nay, nhiều gia đình dù báo với phường nhưng chưa được quản lý hết nên họ càng thiếu hướng dẫn, tìm đơn thuốc trên mạng, thậm chí “nghe ai mách gì uống nấy”. “Có nhiều bậc phụ huynh nhắn tin hỏi tôi, hiện có tới sáu, bảy loại thuốc nhưng không biết uống loại gì trước, loại gì sau. Thậm chí, có nhiều loại thuốc xách tay của nước ngoài không rõ thành phần là gì, đây là một sai lầm nguy hiểm”, vị bác sĩ nhi khoa cảnh báo.
Một trong những sai lầm nguy hiểm nhất, theo bác sĩ Đào Trường Giang là có khá nhiều bệnh nhi khi mắc COVID-19 đang tự ý sử dụng sớm kháng sinh, sử dụng các loại thuốc chống viêm có chứa corticoid. “Trước đây, chúng ta cứ nghĩ khi cơ thể gặp phản ứng viêm là phải uống thuốc chống viêm. Thuốc corticoid hiệu quả nhanh trong vấn đề này nhưng ngược lại có nhiều tác dụng phụ, có thể dẫn tới những hậu quả lâu dài cho trẻ như loãng xương, giảm sức đề kháng, yếu cơ, tim mạch…”, bác sĩ Đào Trường Giang phân tích.
Cẩn trọng khi xông hơi mũi, họng
Ngoài những loại thuốc điều trị, rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng, việc bổ sung thuốc bổ, thảo dược hay xông mũi, họng… dù nhiều nhưng hoàn toàn lành tính, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, bác sĩ Đào Trường Giang khẳng định, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm: “Bất cứ các loại thuốc nào đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra tác dụng phụ, ví như nhân sâm, một loại thuốc bổ nhưng nếu không dùng đúng cách cũng “bất đắc kỳ tử”. Với việc dùng nhiều loại một lúc cũng có thể xảy ra tương tác, gây biến chứng, rất khó để kiểm soát”.
Mới đây, bác sĩ Đào Trường Giang ghi nhận một trường hợp bé gái sáu tuổi mắc COVID-19 bị dị ứng nặng mà nguyên nhân nghi ngờ nhiều do uống thuốc tăng cường sức đề kháng xách tay được bán trên mạng. Hiện nay, với các trường hợp bệnh nhi mắc COVID-19, theo bác sĩ Đào Trường Giang, hầu hết chỉ kê thuốc hạ sốt, bù nước và điều trị theo triệu chứng.
Liên quan tới việc “người người, nhà nhà” đang tìm mua các loại xông mũi, thậm chí mua máy xông mũi họng về nhà vì cho rằng sẽ góp phần “thổi nhanh” vi-rút SARS-CoV-2, bác sĩ Đào Trường Giang khuyến cáo không nên sử dụng. “Tôi đã từng gặp một trường hợp bệnh nhân uống nhầm viên xông thảo dược thay vì bỏ vào xông như hướng dẫn. Đặc biệt, khi sử dụng cho trẻ em, phải thận trọng để không gây bỏng, xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, trong điều trị COVID-19, chúng ta lo ngại nhất là thiếu ô-xy do phổi không trao đổi được. Việc xông mũi họng quá nhiều lần trong ngày khiến phổi hít phải toàn hơi nước sẽ làm tăng nguy cơ này, đồng thời, tăng sự khó chịu cho trẻ”, vị bác sĩ phân tích.
Lưu ý khi điều trị trẻ em tại nhà
Bác sĩ Đào Trường Giang khuyến cáo, khi trẻ mắc COVID-19, nếu không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng của viêm phổi (nhịp thở bình thường, không có biểu hiện của thiếu ô-xy, đo SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời), trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, trẻ không mắc các bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh thì có thể theo dõi tại nhà. Nếu bất kỳ khi nào trẻ có các biểu hiện như thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái môi, đầu ngón tay, chân, SpO2 < 95% thì cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện.
Khi theo dõi, điều trị tại nhà, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước. Đặc biệt, cần theo dõi sát nhiệt độ, SpO2 ít nhất hai lần/ngày. Cho trẻ uống hạ sốt nếu trẻ sốt. Thường dùng Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần, hai lần cách nhau ít nhất bốn tiếng. Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu ít, trẻ không khó chịu chỉ cần lau bằng khăn.
Nếu trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đừng nên tự ý sử dụng hai loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho. Đừng nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin. Tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng và cũng đừng chia sẻ đơn thuốc của trẻ, điều này vô tình làm hại nhiều trẻ khác. Cha mẹ cần bình tĩnh, chăm sóc bản thân để có đủ sức khỏe chăm sóc trẻ.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.