Livestream, quay phim các đám tang nghệ sĩ: Sự vô cảm không có điểm dừng

01/04/2020 - 08:43

PNO - Bây giờ làm kênh YouTube, trở thành Vlogger quá dễ nên nhiều người tự cho mình cái quyền "sục" vào đời tư người khác, nơi cần sự riêng tư, cố ''đào bới'' thông tin giật gân để câu view mà quên mất, có những ranh giới không nên xâm phạm, không được vượt qua.

Chưa bao giờ những cụm từ như "câu like", "câu view" lại thôi thúc người ta như hiện nay, bởi trên các trang mạng xã hội, mỗi sự tương tác của người dùng đều ảnh hưởng rất nhiều đến chủ nhân tài khoản đó, chứng minh độ thu hút của tài khoản bằng sự quan tâm của cộng đồng thông qua các hoạt động như like (ưa thích), share (chia sẻ), view (xem).

Chúng ta hay nói mạng xã hội là ảo nhưng lợi hay thiệt của nó đều là thật. Với Facebook, YouTube, người ta hoàn toàn có thể kiếm được tiền tươi thóc thật từ những lần xem, chia sẻ hay yêu thích của người xem. Nếu không bị báo cáo, dù nội dung ấy nhảm nhí, phản cảm thế nào, chủ tài khoản kia vẫn thu lợi - tiền hoặc được cộng đồng quan tâm.

Đám đông phản cảm ở một đám tang nghệ sĩ
Đám đông phản cảm ở một đám tang nghệ sĩ. Ảnh: Internet

Rất nhiều người đã làm mọi cách để có được sự quan tâm đó, từ việc cởi đồ, làm chuyện điên rồ, phát ngôn gây sốc, khoe giàu, chửi nhau... Và một trong những trò “đú fame’’ (từ dùng để chỉ việc một người muốn lấy sự nổi tiếng của người khác để làm bàn đạp cho bản thân) được nhiều người sử dụng là chọn đối tượng liên quan đến giới giải trí, một phần để thoả trí tò mò của chính mình, phần khác làm thoả trí tò mò của người xem và chứng minh “đẳng cấp” của chủ tài khoản.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi giới giải trí dễ tiếp cận. Do đặc thù luôn cần công chúng, khán giả nên nhiều nghệ sĩ sẵn sàng có mối quan hệ mở với ống kính, máy quay, kể cả điện thoại thông minh mà chẳng mấy khi có cơ hội kiểm chứng độ tin cậy của người sử dụng các phương tiện đó.

Nghệ sĩ lại thường nhẫn nhịn chịu đựng, ít quyền lực, cùng lắm chỉ lên tiếng trên các báo hoặc trang mạng xã hội, nên lại càng là đối tượng an toàn cho việc tiếp cận khai thác.

Và như luật bất thành văn, ngoài việc làm ra những tác phẩm nghệ thuật cho người xem thưởng thức, bất cứ thứ gì liên quan đến người của giới giải trí đều có sức hấp dẫn lớn: yêu - ghét, buồn đau, ăn gì, sống sao, nhất là những chuyện scandal… đều nhận được sự quan tâm nhất định của công chúng.

Chẳng thế mà gần như trang mạng nào cũng có mục khai thác vấn đề này và được công chúng quan tâm khá sâu. Kiểu như, chức năng giải trí của nghệ sĩ không chỉ được thể hiện trên sàn diễn, trên tivi mà còn nằm trong từng cái ăn nếp ở, dù họ muốn hay không muốn, cố ý phơi bày hay giấu kín.

Và một trong những chiêu trò phản cảm của một số YouTuber, Vbloger bị lên án gần đây là livestream, quay phim các đám tang nghệ sĩ.

Hinh ảnh từng gây bức xúc tại đám tang diễn viên Anh Vũ ( ảnh: internet)
Hinh ảnh từng gây bức xúc tại đám tang của diễn viên Anh Vũ. Ảnh: Internet

Có những nghệ sĩ vốn sống yên bình, lặng lẽ cho đến khi nằm xuống lại “xôn xao cộng đồng mạng” như Lê Bình, hay sự ra đi mang nhiều cảm xúc của các nghệ sĩ Anh Vũ, Minh Thuận lại càng có sức hút đặc biệt đối với các “nhà báo” tự phong của mạng xã hội, mà độ xông xáo, kiên trì của họ có khi còn hơn các nhà báo chuyên nghiệp.

Hình ảnh nhiều người chen lấn, xô đẩy, cười nói, "xông xáo" quay phim ở các đám tang nghệ sĩ không còn lạ. Đến nỗi, bất cứ đám tang nghệ sĩ nào về sau này cũng phải tính phương án đối phó với đội ngũ “phóng viên không mời mà đến” ngày càng đông này.

Trong đám tang mới đây của cố diễn viên Mai Phương, dù diễn ra trong thời điểm dịch bệnh, với quy định không được phép tụ tập quá 10 người ở nơi công cộng, dù có cả công an can thiệp, gia đình chủ động hạn chế số người có mặt trong tang lễ, nhưng trong ngày di quan và cả những ngày trước đó, người ta vẫn thấy những gương mặt lạ hoắc, tươi tắn, vui vẻ nói cười, quay phim, livestream nhiệt tình, bất kể không khí tang gia đau buồn thế nào.

Thậm chí, khi xe tang đi, vài người còn phóng xe theo đến tận nơi hoả táng, một tay cầm điện thoại quay hình, một tay lái xe, đánh đu tính mạng mình với những lượt xem vô nghĩa.

Nhiều người đổ lỗi cho giáo dục, nhưng không, có thầy cô nào lại dạy học trò mình điều sai quấy. Rồi người ta lại tự hỏi tại sao ý thức của một bộ phận người Việt lại đi xuống như vậy. Có câu trả lời: do cha mẹ quên mất việc làm tấm gương đầu tiên cho con, là người thợ uốn nắn ý thức của con chỉn chu, tử tế. Rồi người ta lại cho rằng, sức mạnh của đồng tiền kiếm từ các kênh xã hội quá dễ, và lối sống ảo của một số không nhỏ người trẻ hiện nay đã gây nên nỗi.

Nhưng dù là nguyên nhân gì thì sự tổn thương gây ra từ những ống kính, những tay máy bất chấp kia khi xộc vào nỗi đau của người trong cuộc và gia đình họ là không hề nhỏ.

Nếu không thể thay đổi ý thức của một bộ phận công chúng thiếu ý thức thì có lẽ, một trong những bài học nằm lòng của những nghệ sĩ trẻ sẽ phải là: Bước chân vào ngành giải trí thì bạn cần chuẩn bị tinh thần mình vẫn sẽ có "chức năng giải trí" đến cả khi nằm xuống.

Ngô Phạm Hạnh Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI