Liveshow Khánh Ly bị “dí” tác quyền: Ai khó coi hơn?

05/08/2014 - 11:01

PNO - PN - Sau động tác làm căng của nhạc sĩ (NS) Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đòi lên sân khấu liveshow Khánh Ly in Hà Nội nói rõ việc chương trình chưa trả phí tác quyền, sự việc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Liveshow Khanh Ly bi “di” tac quyen: Ai kho coi hon?

Tối 2/8, Khánh Ly vẫn hát mà không gặp sự cản trở nào từ VCPMC hay cơ quan chức năng như những thông tin trước đó. Có tin cho biết, nhà tổ chức đã đóng cho VCPMC gần 200 triệu đồng phí tác quyền để tránh những điều không hay có thể xảy ra (?!). Dù vậy, dư luận vẫn tiếp tục râm ran với phần lớn ý kiến cho rằng NS Phó Đức Phương đã ứng xử quá thô lỗ và kém văn hóa với một chương trình văn hóa và chỉ quan tâm đến tiền chứ không vì khán giả. Có vị luật sư còn nêu các vấn đề cá nhân của ông Phương để kết luận rằng cần phải xem lại hoạt động của VCPMC.

Trước hết, phải khẳng định, nếu (chỉ nếu thôi, bởi điều đó đã không xảy ra) NS Phó Đức Phương bước lên sân khấu chương trình Khánh Ly in Hà Nội nói chuyện tiền tác quyền là hành vi rất khó coi. Nhưng, ngay cả trong trường hợp đó thì sự khó coi của NS Phó Đức Phương vẫn không khó coi bằng việc nhà tổ chức sử dụng tác phẩm của người khác để kinh doanh mà không chịu trả tiền.

Cần biết rằng, NS Phó Đức Phương không bỗng dưng nhảy bổ vào gây khó khăn cho show Khánh Ly. Như khẳng định của VCPMC, đơn vị này đã gửi công văn đến Ban tổ chức show Khánh Ly từ ngày 17/7 và sau đó đã nhiều lần liên lạc bằng điện thoại, cử người đến làm việc nhưng đều không nhận được phản hồi tích cực nào. Mãi đến khi có sự can thiệp của Thanh tra Bộ VH-TT-DL thì ngày 1/8 Ban tổ chức show mới chịu làm việc với VCPMC nhưng cũng không có thỏa thuận nào đạt được mà chỉ là lời hứa sẽ trả lời và xin khất.

Các tác phẩm của cố NS Trịnh Công Sơn hiện do VCPMC chịu trách nhiệm quản lý về tác quyền theo hợp đồng ủy thác của gia đình ông. Nghĩa là, việc đi đòi tiền tác quyền khi có một cá nhân, đơn vị bất kỳ sử dụng tác phẩm của Trịnh Công Sơn là trách nhiệm VCPMC phải thực hiện. Nếu ông Phương có bước lên sân khấu trong một hình ảnh rất khó coi như thế, ông Phương vẫn đang thực hiện trách nhiệm đã ký với gia đình Trịnh Công Sơn.

Khánh Ly in Hà Nội và sắp tới đây là Khánh Ly in Đà Nẵng là chương trình kinh doanh, bán vé chứ không phải chương trình thiện nguyện hay miễn phí. Kể cả khi là chương trình thiện nguyện, miễn phí thì việc xin phép và trả phí (có thể được miễn hoặc trả ở mức tượng trưng) vẫn là đương nhiên phải làm và phải làm xong trước khi sân khấu mở màn (hoặc có thỏa thuận khác) chứ không phải đợi đến mức người ta gửi giấy, đến tận nơi để đòi.

Đây không phải là lần đầu tiên một chương trình quy mô, có sự xuất hiện của các danh ca hải ngoại vướng phải lùm xùm về chi trả tác quyền. Năm 2012, liveshow của Chế Linh cũng rơi vào trường hợp tương tự - đến sát giờ diễn vẫn chưa thanh toán tác quyền và VCPMC cũng đã phải làm việc căng thẳng với nhà tổ chức để đòi quyền lợi cho tác giả.

Có thể thông cảm cho các fan của Khánh Ly và nỗi lo không được nghe thần tượng hát nếu chương trình bị chặn vì chuyện tiền nong. Nhưng Khánh Ly chẳng liên quan gì đến câu chuyện này bởi bà nhận show, hát theo hợp đồng và lấy thù lao.

Và khán giả, nếu muốn nghe thần tượng, nếu vẫn ủng hộ sự văn minh trong nghệ thuật thì lý ra nên yêu cầu nhà tổ chức phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tác quyền với tác giả - trách nhiệm họ đương nhiên phải gánh vác khi nhận tiền vé chúng ta mua.

 PHẠM THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI