* Thị trường âm nhạc có một năm biến động trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hỗn loạn và ổn định. Sân khấu (SK) ca nhạc bị thu hẹp từ nghĩa bóng đến nghĩa đen, do sự tác động mạnh mẽ của truyền hình thực tế (THTT). Tuy nhiên, cũng từ THTT, điểm sáng của ca nhạc cũng được nhìn thấy khi nhiều tài năng trẻ nhờ sân chơi này mà phát lộ. Trong lĩnh vực quản lý văn hóa, nhiều văn bản được ban hành và liên tục được điều chỉnh, cho thấy luật định không theo kịp thực tế.
Các nhà hát, SK ở TP.HCM năm 2016 thường xuyên rơi vào cảnh tắt đèn. Số lượng chương trình quá ít ỏi, lượng vé tiêu thụ nhỏ giọt ở nhiều sô, càng tô đậm bức tranh ảm đạm. Nhu cầu thưởng thức của khán giả được đáp ứng miễn phí không chỉ từ THTT mà cò n từ các SK, nhờ sự nhúng tay của các nhãn hàng.
Ngay cả chương trình có sự góp mặt của Michael Learn To Rock mới đây, cũng là sô kỷ niệm của một thương hiệu, với lượng vé tặng nhiều hơn bán. Bối cảnh đó càng thêm buồn khi hai SK Trống Đồng và Cầu Vồng 126 chấm dứt hoạt động vào những ngày cuối năm 2016. Đây là hai SK ca nhạc sáng đèn đều đặn nhất của thành phố, là nơi giải trí của tầng lớp khán giả bình dân.
Tuy nhiên, nhạc Việt năm 2016 cũng có những điểm sáng. Những cái tên mới toanh như Soobin Hoàng Sơn, Cao Bá Hưng, Lê Thiện Hiếu… đã trở thành những hiện tượng trong năm. Khác với nhiều gương mặt trước đây gây ồn ào sau đêm đăng quang hay xuất hiện rồi nhanh chóng “xẹp” đi như bong bóng xà phòng, những gương mặt trẻ năm nay cho thấy họ có tài năng thật sự, được đào tạo bài bản với những sản phẩm được chú ý.
Cũng chưa khi nào giới underground “trỗi dậy” mạnh mẽ đến thế. Những Hoàng Touliver, SlimV, Duy Anh… cho thấy một lực lượng nhà sản xuất trẻ của Việt Nam đang hoạt động thật sự, góp phần thay đổi diện mạo nhạc Việt một cách rõ rệt. Những sản phẩm âm nhạc đáng chú ý trong năm tiệm cận âm nhạc thế giới, hiện đại và văn minh đều đến từ những nhân vật trẻ này.
Ở khía cạnh quản lý văn hóa, chưa khi nào năng lực quản lý cho thấy bị thực tiễn bỏ xa như năm qua. Người ta thấy sự rõ sự bối rối trong việc nhận diện, phân loại và giám sát của cơ quan chức năng trong lĩnh vực văn hóa, giải trí. Một số quy định trong Thông tư hướng dẫn Nghị định 15/2016/NĐ-CP nhằm quản lý tốt hơn những phát sinh trong thực tế, nhưng không phù hợp buộc phải điều chỉnh. Điều khoản về cam kết chi trả tác quyền bị giới luật sư và tác giả lên án, quy định về chụp ảnh khỏa thân ban hành rồi bãi bỏ...
* SK năm 2016 vẫn nằm trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. SK thu hẹp, số lượng vở diễn giảm sút. Lần đầu tiên một nhóm nghệ sĩ, trong đó có một NSND bị phạt hành chính vì hành vi xuyên tạc tác phẩm SK kinh điển. Nhưng điều gây bức xúc, khiến những người làm nghề nặng lòng, là vấn đề đạo đức, thái độ làm nghề và lòng tự trọng của một bộ phận nghệ sĩ (NS), diễn viên (DV), nhất là những người trẻ. Tuy nhiên, giữa gam màu tối ấy, người yêu SK vẫn chưa nguôi hy vọng khi còn thấy những SK, những NS đối mặt với khó khăn, thử thách để kiên định với con đường mình đã chọn: giữ cho SK luôn là thánh đường với những tác phẩm nghiêm túc, tử tế và đầy cảm xúc.
Trích đoạn Tô Ánh Nguyệt remix do NSND Ngọc Giàu, Trấn Thành, Anh Đức biểu diễn đã tạo nên làn sóng phản ứng, phẫn nộ trong giới làm nghề lẫn công chúng yêu cải lương. Tô Ánh Nguyệt, hình ảnh người phụ nữ hiền lành, suốt đời nhẫn nhịn, hy sinh cho chồng con đã bị bóp méo đến dị dạng. Mức xử phạt hành chính dành cho các NS tham gia trích đoạn không cao nhưng nó là lời cảnh tỉnh các NS về đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm nghề và lòng tự trọng.
Những người làm SK nghiêm túc còn bày tỏ sự thất vọng trước hiện tượng ngày càng nhiều DV, nhất là những DV trẻ thiếu sự tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả và tôn trọng chính bản thân mình. Chưa bao giờ các SK rơi vào tình trạng phải hủy các suất diễn nhiều như năm 2016. Lý do là DV bận chạy sô không về kịp, dù lịch diễn của SK được sắp xếp trước đó hàng tháng.
Dẫu vậy, SK năm 2016 vẫn có những tín hiệu lạc quan. Trong khó khăn chồng chất, dù phải bỏ tiền túi bù lỗ cho hầu hết các suất diễn mỗi khi SK sáng đèn, nhưng SK Hoàng Thái Thanh và SK Hồng Hạc vẫn kiên định với hướng đi của mình: thực hiện những tác phẩm SK tử tế, nghiêm túc để mang đến cho khán giả cảm xúc đẹp và thông điệp nhân văn.
Những vở diễn như Lan và Điệp, Mình có quen nhau hông? Rau răm ở lại (Hoàng Thái Thanh), Giờ của quỷ, Thiên thần nhỏ của tôi, Ngộ nhận (Hồng Hạc)… dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số vở diễn ra mắt trong năm, nhưng là những tác phẩm ghi được nhiều dấu ấn đẹp trong lòng công chúng.
|
Vở Rau răm ở lại trên sâu khấu Hoàng Thái Thanh ghi được nhiều dấu ấn đối với khán giả |
* Ở lĩnh vực điện ảnh, năm 2016 cho thấy phim Việt có sự vượt trội về mặt đầu tư, chất lượng kỹ thuật. Đề tài phim khá đa dạng và giữ được sự ổn định về sản lượng nhưng chất lượng lại trồi sụt thất thường. Thị trường không có được những tác phẩm gây tiếng vang về nghệ thuật hay doanh thu như “hiện tượng” Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Em là bà nội của anh như năm 2015, nhưng lại ồn ào chuyện tố cáo chèn ép giữa nhà sản xuất và phát hành.
Vẫn xấp xỉ 40 tác phẩm ra rạp nhưng đề tài của các phim năm 2016 được mở rộng đến những mảng mà trước giờ phim Việt ít đề cập như thể thao (phim Sút), nhạc rock (Fan cuồng), hacker (Siêu trộm), chống ma túy (Truy sát), cổ tích (Tấm Cám: chuyện chưa kể). Chất lượng kỹ thuật của phim tiến bộ thấy rõ, phim nào cũng mê hoặc người xem bằng những khuôn hình lung linh, các pha hành động đánh đấm hoặc cháy nổ đẹp mắt không thua kém mấy so với phim nước ngoài.
Thế nhưng chất lượng nội dung của mùa phim 2016 lên xuống thất thường. Có những phim được đánh giá tốt như Siêu trộm, Taxi em tên gì, Nắng, Bao giờ có yêu nhau, Sài Gòn anh yêu em hay Cô hầu gái nhưng cũng có hàng loạt phim nhạt nhẽo như Điệp vụ chân dài, Vợ ơi em ở đâu, Thần tiên cũng nổi điên, Găng tay đỏ, Nữ đại gia, Bí ẩn song sinh, Vệ sĩ tiểu thư và chàng khờ.
Phim gây “đình đám” không có nhiều nhưng đây lại là một năm đầy “đình đám” của chuyện phát hành phim. “Ông lớn” về phát hành phim tại VN - CGV hết bị nhà sản xuất Tấm Cám: Chuyện chưa kể đến nhà sản xuất phim Găng tay đỏ tố cáo chèn ép trong việc phát hành, xếp lịch chiếu.
Một điểm nổi bật ở phim Việt trong năm là ra đời nhiều phim có kinh phí “khủng”. Nếu như trước đây hiếm hoi lắm mới xuất hiện một phim Việt đầu tư kiểu “bom tấn” thì bây giờ chuyện bỏ mười mấy hay hai mươi tỷ đồng làm phim không còn lạ. Nhưng nghịch lý là một số “bom tấn” khi ra rạp đã biến thành “bom xịt” vì lý do kịch bản kém (Truy sát) hoặc sai lầm từ khâu quảng bá (Fan cuồng).
Xét về mặt doanh thu, biểu đồ doanh số bán vé có chiều hướng đi xuống rõ rệt. Nếu như năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Em là bà nội của anh lần lượt chạm mốc 80 tỷ và 102 tỷ đồng thì năm 2016 quán quân phòng vé là Tấm Cám: Chuyện chưa kể chỉ xấp xỉ 70 tỷ đồng. Kinh phí làm phim tăng nhưng doanh thu bán vé có chiều hướng giảm chung quy do lượng phim ra rạp quá nhiều, thậm chí có tháng một tuần đến hai phim Việt cùng khởi chiếu.
|
Quán quân phòng vé năm nay là Tấm Cám: chuyện chưa kể cũng chỉ thu gần 70 tỷ đồng |
Vì “đầu ra” quá dễ nên nảy sinh phong trào ai ai cũng có thể làm phim hay đóng phim. Màn ảnh rộng xuất hiện những gương mặt đạo diễn tay ngang như Luk Vân, Khương Ngọc, Nam Cito, Bảo Nhân, Việt Max, Lý Minh Thắng… cùng một loạt DV mới toanh, trước đó ít ai biết tên như Jun Vũ (Cho em gần anh thêm chút nữa), Huy Me (Siêu trộm, Sút), An Nguy (Chờ em đến ngày mai), Hạ Vi (Tấm Cám: chuyện chưa kể).
* 2016 cũng là năm sôi động của thị trường xuất bản với hàng loạt sự kiện ra mắt sách cùng sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới, đặc biệt là sự ra đời của đường sách đã tạo dấu ấn văn hóa đọc độc đáo của TP.HCM. Tuy nhiên, đây cũng là năm cho thấy có sự bão hòa về giá trị văn chương, câu chuyện bản quyền sách còn nhức nhối và còn nhiều xuất bản phẩm bị vi phạm.
Năm 2016 ghi dấu với rất nhiều tên tuổi mới trên thị trường sách. Các tác giả trẻ có nhiều cơ hội in sách, tổ chức các buổi giao lưu ký tặng sách, dễ dàng tiếp cận với bạn đọc trên nhiều phương tiện. Nhưng sự phát triển như “vũ bão” của một thế hệ người viết mới vẫn chưa phải là tín hiệu đáng mừng. Tản văn và sách du ký là hai thể loại “thịnh hành”, được nhiều người viết trẻ lựa chọn.
Đó cũng là lý do khiến văn trẻ bị đánh giá hời hợt, tản mạn, không phản ánh được hiện thực cuộc sống, bỏ qua những vấn đề “nóng” của xã hội. Trong khi đó, vụ việc NXB Giáo dục Việt Nam bị tố in sách vi phạm bản quyền cuối năm 2016 không phải là tiếng chuông báo động mới.
Câu chuyện bản quyền được dự đoán sẽ còn tiếp tục nhức nhối trong năm 2017, khi tiếp tục có rất nhiều tác giả phát hiện tác phẩm của mình được/ bị các nhóm biên soạn chọn in sách tham khảo. Nhiều đơn vị làm sách thiếu trách nhiệm với các sản phẩm của mình khi có 179 xuất bản phẩm vi phạm bị phát hiện và xử lý trong năm. Trong đó, có 114 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, sáu xuất bản phẩm mạo danh NXB, in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp; cùng 59 xuất bản phẩm vi phạm khác.
Nhưng, như một bức tranh nhiều màu, sự có mặt hoạt động của đường sách từ ngày 9/1/2016 đến nay đã trở thành điểm hẹn lý tưởng cho gia đình, giới trẻ, những người yêu sách… Không chỉ là không gian trao đổi, mua bán sách đáng tin cậy (với sự tham gia của 12 đơn vị xuất bản có uy tín), Đường sách TP.HCM năm qua cũng thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời còn là nơi kết nối các giá trị văn hóa, giao lưu tác giả- tác phẩm, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, cùng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.
* Các chương trình truyền hình năm 2016 vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí cho khán giả. Trong đó, đáng ghi nhận việc các gameshow về cải lương đã chạm được vào cảm xúc khán giả, tạo thành động lực làm nghề cho các DV trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là năm cho thấy các gameshow hài và THTT dành cho đối tượng “nhí” vẫn làm mưa làm gió, nhưng hiếm hoi các chương trình được ghi nhận về chất lượng. Phim truyền hình dù ít điểm sáng, nhưng cũng cho thấy có sự sàng lọc mạnh mẽ.
Sao nối ngôi và Đường đến danh ca vọng cổ như những sắc màu lạ, điểm sáng bất ngờ trong “rừng” gameshow của năm 2016. Đánh tan suy nghĩ cải lương khó có thể làm gameshow ít sức hút với số đông khán giả, cả hai đều nằm trong số những chương trình có lượng người xem nhiều nhất trong năm. Đưa trở lại SK những NS nổi tiếng một thời, Sao nối ngôi không chỉ có những câu chuyện xúc động phía sau ánh hào quang của người NS mà còn thể hiện thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và khát khao được nối nghiệp gia đình của hậu duệ những người nổi tiếng.
Khó có thể thống kê có bao nhiêu gameshow, chương trình THTT hài đã phát sóng trong năm 2016. Tăng về số lượng, nhưng chất lượng các chương trình hài vẫn chưa có nhiều thay đổi. Truyền hình vẫn loạn tiếng cười dễ dãi, nhảm nhí, thậm chí dung tục. Tuy nhiên, một số chương trình như Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ (mùa đầu tiên), Làng hài mở hội, Học viện danh hài, Tiếu lâm tứ trụ… đã thể hiện nỗ lực đưa các chương trình hài trở về gần hơn với tiếng cười hóm hỉnh nhưng nghiêm túc và có thông điệp rõ ràng.
Những tiết mục hài đã bớt tiếng cười bông phèng để bắt đầu có cả những giọt nước mắt phía sau tiếng cười. Một vài nhóm hài, DV hài vừa nổi lên sau các gameshow đã bắt đầu được công chúng yêu mến và chấp nhận như Hữu Tín, Anh Tú, Huỳnh Lập, nhóm Xpro, nhóm Ngũ Sắc…
Cũng vẫn chưa dừng lại hay “giảm tốc” như nhiều người dự đoán, THTT trong năm tiếp tục nở rộ chương trình về đối tượng nhí. Nối tiếp các chương trình của các năm trước nhiều chương trình về trẻ em tiếp tục ra mắt: Siêu nhí tranh tài, Thử tài siêu nhí, Vietnam idol kids, Siêu hài nhí, Vua đầu bếp nhí, Siêu mẫu nhí, Ước mơ của em, Chung sức nhí... và mới đây nhất là Biệt tài tí hon.
Cùng với sự bùng nổ này là các gương mặt nhí cũng không khác gì người lớn, quay cuồng từ sân chơi này sang sân chơi khác. Đó là chưa kể việc các chương trình trùng lắp nhau: Người hùng tí hon là sân chơi “thử tài” tất cả các loại hình nghệ thuật, từ diễn xuất, ca hát, đến vẽ, dẫn chương trình… thì Biệt tài tí hon cũng như thế.
Mảng phim truyền hình ít điểm sáng, nhưng không trồi sụt vàng thau lẫn lộn như những năm trước. Thị trường đã sàng lọc, không còn tình trạng người người làm phim, nhà nhà làm phim như trước đây. Các đơn vị thiếu tiềm lực, làm phim cẩu thả đều dần bị đào thải.
Giờ vàng phim Việt trên các kênh truyền hình đã được dành đặt hàng cho các đơn vị sản xuất phim có uy tín: Sena Film, M&T Pictures, Khang Việt, Sóng Vàng… Kịch bản đã được chọn lọc chỉn chu, cân nhắc hơn. Đáng chú ý có những dự án phim hợp tác thu hút, ấn tượng: Tuổi thanh xuân, Thề không gục ngã, Khúc hát mặt trời, Đặc vụ Macau… Bên cạnh đó là các phim được vinh danh tại các liên hoan phim truyền hình: Mặn hơn muối, Zippo, mù tạt và em, Con thuyền số phận…
Ban văn hóa văn nghệ