Linh tinh chuyện phở

15/08/2016 - 13:42

PNO - Tại sao hồi bé ốm cứ phải ăn phở là một câu hỏi rất khó trả lời. Ừ thì phở ngon, phở dễ ăn, nhưng khối thứ còn ngon và dễ ăn, sao ốm là cứ nhất thiết phải phở?

Vài lần chúng tôi có dịp ngồi nói với nhau về phở, cách nghĩ chung có vẻ nghiêng về hướng “ăn phở bây giờ rất khó thấy ngon”. Mỗi người đưa ra một vài hàng quen, khen bánh chỗ này mềm, nước dùng chỗ kia trong, miếng gầu miếng nạm miếng gân chỗ này ngon chỗ kia dở, mì chính đâu cũng nhiều và phục vụ cơ bản đâu cũng… kém, chẳng bằng ngày xưa. Nói chung, phở là cái thứ thường bị so với ngày xưa. Dù người ta ăn nó gần như thường ngày, suốt cả đời, nhưng nó lại như liên quan nhiều đến kỷ niệm hơn là hiện tại.

Nói chuyện phở, nhớ một lần ốm gần đây. Sáng sớm nghe tiếng kẹt cửa rất khẽ, một lúc sau thấy con trai học cấp III, đang nghỉ hè, rón rén mang cặp lồng phở về để trên bàn gần đầu giường: “Mẹ ốm nên con tự đi ăn phở và mua về cho mẹ”. Có lẽ đã lâu lắm tôi chưa được ăn bát phở nào ngon như thế, dù chỉ húp được vài thìa nước. Hàng chục năm rồi mới có chuyện ốm thì có người mua phở về cho ăn. Lại là con mua. Sướng đến mức khỏi ốm luôn! Mọi người hay nói, đẻ toàn con trai khi ốm chẳng ai chăm sóc, tôi cũng từng tin là thế, bỗng một ngày bất ngờ được con chăm, hạnh phúc ấy sẽ chẳng thể nào quên.

Tại sao hồi bé ốm cứ phải ăn phở là một câu hỏi rất khó trả lời. Ừ thì phở ngon, phở dễ ăn, nhưng khối thứ còn ngon và dễ ăn, sao ốm là cứ nhất thiết phải phở? Kiểu như phở là thuốc hoặc là thước đo sự chăm sóc của bố mẹ với mình, chứ không đơn thuần chỉ là một thứ đồ ăn. Dạo ấy gần nhà tôi có hàng phở mậu dịch, nên thường ăn món nước phở chan cơm nguội, tuy không thường xuyên nhưng cũng không đến nỗi hiếm, vậy mà ốm vẫn cứ mong có bát phở của mình.

Vì ốm, nên sẽ được dành nguyên một bát, không phải san ra cho anh chị em khác. Ốm nên được ưu tiên, chuyện ấy đã là công thức ứng xử trong gia đình của một thời. Nghĩ lại chuyện một ông anh họ ốm, mẹ anh bảo phải đi họp gấp, không kịp mua phở cho con. Thế là ông anh ấy ngồi phắt dậy, bảo con tự đi mua được, mà buồn cười. Đã tự đi mua phở được còn gì là ốm. Nghe mẹ nói thế, ông ấy òa ra khóc, ốm thật luôn.

Mấy hôm nay nghe rộn ràng những chuẩn bị cho mùa Vu lan báo hiếu, hoa hồng trắng, hoa hồng đỏ… không hiểu sao lại chạnh buồn. Những việc hiếu nghĩa ấy có cần diễn ra theo phong trào? Chỉ mong nó âm thầm hơn, sâu kín hơn và thiết thực hơn. Sáng ra phố, vào những ngày gần rằm tháng Bảy, thấy nhộn nhịp những đoàn Phật tử chuẩn bị lên lễ chùa.

Linh tinh chuyen pho
Ảnh minh họa: Internet

Trong dòng người vội vã ấy, có ai quên chưa chuẩn bị cho mẹ già ở nhà bữa ăn không? Hỏi thế vì từng biết đã có. Lại nghĩ lan man đến những “ngày” mới du nhập vào nước ta như Ngày của mẹ (ngày Chủ nhật thứ nhì của tháng Năm) và xưa cũ như mùa lễ Vu lan báo hiếu này, những người mẹ có được con cái chăm sóc khác lúc bình thường hay không? Chẳng biết thế nào, bởi đấy là chuyện mỗi nhà.

Lại nhớ bát phở con trai đã mua vào một ngày ốm cách đây không lâu. Ghé thăm bà ngoại, hỏi vớ vẩn rằng, mẹ có muốn lên phố ăn phở ở cái quán ngày xửa ngày xưa không? Con đưa mẹ đi ăn phở nhé, không thì mẹ chỉ toàn ngồi nhà. Bà ngoại giờ chẳng nhớ được gì mấy, bảo mẹ không thích ăn phở, mà mưa thế này đi làm gì. Thế là ở nhà nấu cơm cho mẹ.

Cứ êm đềm thế, mùa Vu lan đi qua, trong mưa dầm và chớm sương mù.

Phạm Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI