edf40wrjww2tblPage:Content
Gặp Linh Phượng ngoài đời, ít ai nghĩ cô đã là mẹ của bé gái hơn hai tuổi. Không chỉ vì Linh Phượng trẻ trung mà còn vì bên cạnh cô luôn có mẹ hoặc chị dâu đồng hành, chăm chút từng li từng tí mỗi khi cô đến trường quay hoặc sân khấu biểu diễn. Nghe hai chị em Linh Phượng nói chuyện, nhìn cách chị chăm sóc em… họ giống chị em ruột hơn là chị dâu em chồng.
Linh Phượng và ba mẹ trong buổi chung kết xếp hạng Chuông vàng vọng cổ 2014
Là con út, lại xinh xắn nên từ nhỏ Linh Phượng đã được ngoại, ba mẹ và anh Hai rất cưng chiều. Bốn, năm tuổi, cô bé Linh Phượng đã là niềm tự hào của ông bà ngoại và ba mẹ vì ngoài giọng ca khá hay Linh Phượng còn luôn tự tin khi bước lên sân khấu gần nhà để hát chung với người lớn trong các chương trình hát với nhau.
Lớn hơn một chút, biết Linh Phượng mê cải lương nhưng vùng Củ Chi không có nơi nào cho cô bé luyện ca, Chủ nhật hàng tuần, cơm trưa xong, bất kể mưa hay nắng, lúc thì ông ngoại, lúc thì ba chở Linh Phượng xuống tận trung tâm TP.HCM để học đàn, học ca diễn ở nhóm đồng ấu Bạch Long. Có những ngày trời mưa, cha con, ông cháu ướt lép nhép. Rồi lúc ngập đường, lúc kẹt xe, xe chết máy, ra khỏi nhà từ trưa nhưng đến tận nửa đêm, cha con, ông cháu mới về tới nhà. Phượng nói mình không nhớ nổi bao nhiêu lần ngủ gục trên lưng ba, lưng ngoại… Nhưng trên những hành trình đó, ước mơ được trở thành “nghệ sĩ” của cô bé cứ lớn dần theo năm tháng.
Cô con gái út vốn được ba mẹ cưng như “trứng mỏng”, được bảo bọc quá kỹ, bỗng một ngày được gửi về Sài Gòn theo học nghề diễn viên cải lương khi mới 15 tuổi. Quyết định này của ba mẹ Linh Phượng làm nhiều người ngạc nhiên. Là những người dân quê chất phác, cách thương con của ba mẹ Linh Phượng mộc mạc, chân chất nhưng cũng rất cụ thể: “Thương con là phải giúp con thực hiện được điều con mơ ước”.
Gia đình nhỏ của Linh Phượng
Ba năm học ca diễn ở nhà vợ chồng nghệ sĩ Đỗ Quyên - Hoài Thanh, mỗi tuần ba mẹ lại về trung tâm thành phố đón Linh Phượng về nhà. Có lúc về được một ngày, có khi chỉ nửa ngày, vì Linh Phượng còn bận học hành, thi cử… 18 tuổi, tốt nghiệp trung học phổ thông cũng là lúc Linh Phượng rời nhà thầy cô để bắt đầu cuộc sống tự lập. Sau khi bàn tính, cả nhà quyết định để mẹ xuống thành phố chăm sóc Linh Phượng. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó lại là sự hy sinh rất lớn của ba mẹ. Mẹ phải bỏ buôn bán và giao toàn bộ gánh nặng kinh tế gia đình lên vai ba. Vậy mà cũng đã mười một năm.
Mười một năm, mẹ vừa là “bảo mẫu”, vừa là khán giả khó tính, kiêm đạo diễn, bạn diễn của diễn viên Thy Nhung - nghệ danh của Linh Phượng. Mỗi lần nhận bài ca hay tuồng mới, mẹ là người đọc đầu tiên và dùng bút đánh dấu đậm những chỗ cần nhấn nhá để nhắc Linh Phượng chú ý khi tập luyện. Những lúc cần tập thêm ở nhà, mẹ tình nguyện đóng thế tất cả các vai để Linh Phượng có bạn diễn. Lo phục trang, hóa trang cho Phượng xong, mẹ lại làm khán giả để “bắt lỗi” con gái chỗ nào đã ca diễn được, chỗ nào cần phải thay đổi và cố gắng hơn…
Không gần ba nhiều, ba lại là người ít nói và gần như không bao giờ khen ngợi khi cô bé được giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ như ngoại và mẹ, nhưng từ khi đủ khôn lớn, nhìn ánh mắt ba, Linh Phượng hiểu niềm vui của ba theo từng bước trưởng thành của con gái. Linh Phượng kể: “Lúc anh Hai chưa lấy vợ, ba phải tự mình xoay xở để mẹ yên tâm chăm sóc tôi. Thường thì hai mẹ con cố gắng tranh thủ về nhà ngay khi tôi vừa hết đợt chạy show. Nhưng có khi bận bịu quá, không về được, ba lại “khăn gói” lên thăm hai mẹ con”.
Trong vai nàng Trinh, trích đoạn Bến nước Ngũ Bồ
Trầy trật suốt hơn mười năm để học nghề và làm nghề, Linh Phượng mới chạm tay vào giải thưởng lớn đầu tiên: Chuông Bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2014. Trong hạnh phúc của ngày nhận giải, Linh Phượng có một nỗi buồn mà mãi đến bây giờ cô mới bộc bạch: “Hơn một năm nay ông ngoại của tôi yếu dần và bắt đầu lẫn. Ông là người đã ròng rã suốt mấy năm không quản ngại nắng mưa vuợt quãng đường 80-90 cây số cả đi lẫn về, chở tôi đi học ca, học diễn. Hạnh phúc của tôi sẽ tròn đầy hơn nếu ông ngoại biết tôi không làm ngoại thất vọng. Nếu có một điều ước tôi ước được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của ngoại khi tôi khoe giải thưởng của mình với ông”.
Linh Phượng nói cô chưa bao giờ buồn hay thất vọng với suy nghĩ con đường mình đã chọn sao quá gian nan. Đơn giản vì: “Không ai có một cuộc sống vẹn toàn với mọi điều mình ước mơ. Tôi phải mất rất nhiều thời gian để đi với ước mơ của mình, nhưng đổi lại tôi có được tình cảm đủ đầy của gia đình từ ông bà, cha mẹ đến anh chị. Và giờ lại có thêm một gia đình nhỏ hạnh phúc, một người chồng hiểu và yêu thương vợ”.
Khác với cô gái vốn được cưng chiều Linh Phượng, Hậu - ông xã Linh Phượng sống tự lập từ rất sớm. Hai tính cách, lối sống tưởng chừng trái ngược đã được ông xã khéo léo dung hòa. Hễ vợ “nổi cơn” tiểu thư đỏng đảnh thì chồng yên lặng. Suốt những đêm Linh Phượng thi vòng chung kết cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, dù có đi công tác ở đâu, Hậu cũng thu xếp quay về để làm khán giả ủng hộ vợ. Lời động viên của chồng ngắn gọn, không hoa mỹ nhưng tiếp thêm cho Linh Phượng rất nhiều động lực để quyết tâm hơn, nỗ lực hơn ở mỗi vòng thi.
Với đặc thù công việc khác nhau, hai vợ chồng tự đặt ra cho mình những thỏa thuận “ngầm”: không nói dối, không để trong lòng những điều ấm ức, không làm điều gì khiến “đối phương” tổn thương. Hỏi cắc cớ: “Vợ là diễn viên cả ở sân khấu cải lương lẫn kịch nói, “lấn sân” luôn lĩnh vực ca nhạc… đi nhiều, nhiều khán giả hâm mộ, chắc ông xã ghen dữ?”. Linh Phượng dí dỏm: “Nếu ông xã nghi ngờ điều gì, có thể đi theo vợ đến điểm diễn bất kỳ lúc nào, không cần báo trước”.
Giờ đã có cô con gái hai tuổi rưỡi nhưng vợ chồng Linh Phượng vẫn như vợ chồng son. Thương con, quý cháu, mẹ Linh Phượng “giành” luôn trách nhiệm chăm cháu ngoại để vợ chồng có thêm thời gian chia sẻ, gắn bó với nhau sau giờ làm việc. “Vợ chồng son” yên lòng khi con gái đã có ngoại giữ nên thường hẹn hò lang thang trên phố rồi ghé vào một quán ăn khuya. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản vậy.
THẢO VÂN