Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ đã được Chúa gọi về

02/04/2025 - 07:07

PNO - Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ đã được Chúa gọi về lúc 22g03 ngày 1.4.2025, thượng thọ 89 tuổi.

Theo Sổ Rửa tội lưu tại nhà thờ Hội Am, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ sinh ngày 19 tháng 1 năm 1937, là người con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo có bốn anh chị em. Thân sinh là cụ Phan Khắc Tư, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Sa, ở xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.


Năm 15 tuổi, được gởi đi học ở xứ đạo Văn Khê, qua đó vun trồng Ơn gọi. Cậu vào học Chủng viện Chân phúc Liêm (địa phận Hải Phòng), được mấy tháng thì theo Hiệp định Genève 1954, cả Chủng viện chuyển vào tạm trú tại Bình Đức, thuộc địa phận Mỹ Tho.

Lúc này, khi làm giấy thế vì khai sinh, để đồng tuổi với các bạn cùng trang lứa, gia đình đã sửa ngày tháng năm sinh thành 28.12.1941. Năm 1960, chuyển lên học trường trung học Nguyễn Bá Tòng tại Sài Gòn, tiếp tục theo đuổi chí hướng đi tu đến năm 1962 thì vào Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

Ngày 14 tháng 5 năm 1968 tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã đặt tay phong chức linh mục cho thầy Phó tế Phêrô Phan Khắc Từ và các bạn cùng khóa.

Tân linh mục nhận bài sai về làm phó xứ Vườn Xoài (thuộc giáo hạt Tân Định). Không lâu sau đó, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cử linh mục Phêrô Phan Khắc Từ kiêm nhiệm Tuyên úy Thanh Lao Công của địa phận, phụ trách các sinh hoạt của thanh niên lao động Công giáo. Cũng chính bởi đảm nhận công việc này nên linh mục đã tiếp cận với các trào lưu Công giáo tiến bộ sau Công đồng Vatican II, hướng người Công giáo có trách nhiệm với cộng đồng mình sinh sống, có bổn phận với Tổ quốc mình.

Năm 1969, khi sang Pháp du học, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ đã gặp gỡ bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris. Linh mục bày tỏ quan điểm của mình và có nguyện vọng muốn được giúp mục vụ cho đồng bào Công giáo trong chiến khu. Tuy nhiên, vì một số lý do, ý tưởng này về sau không được thực hiện. Về lại Sài Gòn, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ và một số linh mục Công giáo tiến bộ đã hỗ trợ cho phong trào sinh viên chống Mỹ, cùng ủng hộ công nhân hãng pin Con Ó đình công đòi cải thiện đời sống.

Năm 1972, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ đi làm công nhân hốt rác để sống và cùng làm việc với những người lao động nghèo khổ nhất của xã hội. Đến tháng 10 năm 1974, ngài bị Tòa Đô chính sa thải vì thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình. Dù tham gia nhiều hoạt động nhưng linh mục luôn chu toàn việc đạo việc đời trong tinh thần kính Chúa yêu người, luôn đứng về phía người dân nghèo. Ngài nhận làm Phó Chủ tịch Mặt trận Nhân dân Cứu đói, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Người Lao động.

Sau ngày đất nước thống nhất, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ giữ các chức vụ:

- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh.

- Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em Tàn tật Việt Nam.

- Ủy viên Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam.

- Đại biểu Quốc hội khóa VIII (nhiệm kỳ 1987-1992), khóa IX (nhiệm kỳ 1992-1997) và khóa X (nhiệm kỳ 1997-2002).

- Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội (từ năm 1987 đến năm 2002).

- Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 2000 đến năm 2024).

- Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (từ năm 1983 đến năm 2018).

- Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (từ năm 2018 đến năm 2023).

- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi Việt Nam (từ năm 2000 đến nay).

- Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc Quỹ “Vì Trẻ em Khuyết tật Việt Nam” (từ năm 2010 đến nay).
- Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ khóa I đến khóa IV.

- Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2018 đến năm 2024).

- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2018 đến năm 2024).

- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1980 đến năm 2016).

- Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2016 đến tháng 9 năm 2023).

- Tổng Biên tập Báo Công giáo và Dân tộc (từ năm 2009 đến nay).

- Giám đốc Cơ sở Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước (từ năm 2000 đến tháng 6 năm 2024).

- Chủ tịch Danh dự Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2023 đến nay).

Về phía giáo phận, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Phan Khắc Từ làm chánh xứ giáo xứ Vườn Xoài năm 1980 và ngài đã coi sóc cộng đoàn Vườn Xoài cho đến khi xin nghỉ hưu năm 2011.

Linh mục đã tổ chức xây dựng nhà thờ Vườn Xoài năm 1981. Đây là ngôi nhà thờ Công giáo đầu tiên được xây dựng ở thành phố, kể từ khi thống nhất hai miền Nam - Bắc. Trong nhiều giai đoạn, linh mục đã đã âm thầm tham gia gỡ những nút thắt để những hoạt động tôn giáo diễn ra tốt đẹp, và các ngành các cấp hiểu hơn về sinh hoạt của đồng bào Công giáo.

Rời cương vị linh mục chính xứ giáo xứ Vườn Xoài năm 2011, tưởng ngài sẽ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi. Nhưng vị linh mục tuổi cao vẫn miệt mài với các công việc xã hội, có nhiều thời gian hơn lo cho việc bác ái, xã hội. Ngoài cơ sở Thiên Phước xây dựng năm 1999 tại Củ Chi, chăm sóc hơn 100 cháu nhiễm chất độc da cam; năm 2004, ngài mở cơ sở Thiên Phước 2 ở An Phú Đông (quận 12 TPHCM) nuôi dưỡng 60 cháu khuyết tật. Đến năm 2015 xây thêm cơ sở Thiên Phước 3 ở phường 16 quận 8 TPHCM.

Với những cống hiến to lớn cho người dân và xã hội, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ đã được nhận:

- Huân chương Độc lập hạng Nhì

- Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba

- Huân chương Kháng chiến hạng Nhì

- Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp Đại Đoàn kết Dân tộc”

- Kỷ niệm chương “Đồng hành cùng Dân tộc”

Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ luôn nêu cao tinh thần tận tụy, thân ái, đoàn kết, nên ai cũng dễ gần gũi. Ngài biết dựa vào sức mạnh của tập thể để cùng bàn bạc, cùng làm. Ngài thực sự là chiếc cầu nối bền bỉ giữa Đạo với Đời, là điểm nối bền vững giữa người dân với chính quyền. Ngài tận hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân.

Ngài từng khẳng định: “Là linh mục Công giáo, tôi gắn bó với Giáo hội và vâng phục Đấng bản quyền. Là công dân của Tổ quốc Việt Nam, tôi muốn cống hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc, cho đồng bào ruột thịt. Chính từ đó, tôi đã tìm được môi trường lý tưởng cho cuộc đời mình là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam để cống hiến đời mình cho Chúa Kitô, cho đất nước và dân tộc”.

Theo Báo Công giáo và Dân tộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI