PNO - Chiều 25/11, Bộ Y tế phối hợp với Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề “TPHCM thích ứng linh hoạt, an toàn trong công tác khám, chữa bệnh”.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (bên phải), Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM và phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến chiều 25/11 - Ảnh: Phùng Huy
Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan tới chính sách, điều trị, giải pháp ứng phó với COVID-19 đã được tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM và phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, giải đáp cặn kẽ.
Các ca mắc mới nằm trong dự báo
Bạn đọc Phạm Tấn Hải (ngụ tại Q.8, TPHCM) băn khoăn các ca F0 đang có xu hướng tăng trở lại, ngành y tế TPHCM có giải pháp gì để ứng phó với tình trạng trên. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, khi TPHCM chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ (nới rộng việc giãn cách xã hội, gia tăng các hoạt động xã hội để phục hồi kinh tế) thì khả năng lây nhiễm sẽ tăng, việc này đã được dự báo.
Trước tình huống này, ngành y tế TPHCM đã có giải pháp thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận/huyện, hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế/trạm y tế lưu động tiếp tục theo dõi, kịp thời phát hiện các ổ dịch trong cộng đồng để cách ly, ngăn chặn các nguồn lây, hạn chế việc gia tăng các trường hợp mắc mới. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường chăm sóc các ca mắc mới, chủ yếu là chăm sóc tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện (không có bệnh nền, không thuộc nhóm nguy cơ cao, nhà có đủ điều kiện tự cách ly mà không lây lan cho người thân).
Với độ phủ vắc xin cao, các trường hợp bệnh nặng và các trường hợp có nguy cơ tử vong sẽ giảm đi đáng kể. Ngành y tế có nhiệm vụ phát hiện các trường hợp bệnh nặng, đặc biệt theo dõi sát nhóm đối tượng nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người có bệnh mạn tính chưa được tiêm vắc xin để điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Bạn đọc Nguyễn Hải Anh (37 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh) đặt câu hỏi về mô hình tháp ba tầng điều trị COVID-19 tại TPHCM trong giai đoạn “bình thường mới” có gì khác so với trước đây. Theo bác sĩ Châu, sau đợt dịch thứ tư, TPHCM tiếp tục duy trì mô hình điều trị theo tháp ba tầng, đồng thời điều trị tại nhà cho các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, thành phố cũng thành lập các bệnh viện theo mô hình bệnh viện ba tầng (có cả ba tầng điều trị trong cùng một bệnh viện) để thuận tiện cho việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mà không cần chuyển tuyến. Hiện nay, TPHCM đang có Bệnh viện ba tầng số 16 trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Hồi sức COVID-19 từ Bệnh viện Bạch Mai sáp nhập với Bệnh viện Dã chiến số 16.
Giải đáp về tiêm mũi ba và điều trị tại nhà
Nhiều độc giả hỏi về thời điểm tiêm vắc xin tăng cường mũi thứ ba cũng như kế hoạch tiêm vắc xin cho lứa tuổi tiểu học để trẻ có thể tới trường. Bác sĩ Vĩnh Châu cho biết, Bộ Y tế đang dự trù nguồn vắc xin để tiến hành tiêm mũi ba trong thời gian tới. Hiện tại, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 ưu tiên cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là tiêm đủ liều cho người từ 50 tuổi trở lên; tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc tiêm các mũi nhắc, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn sau. Khi có nguồn vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng ở độ tuổi nhỏ hơn (dưới 12 tuổi) và được Bộ Y tế hướng dẫn, TPHCM sẽ tiêm cho lứa tuổi này.
Bên cạnh mối quan tâm về các giải pháp của ngành y tế để đảm bảo an toàn cho người dân trong giai đoạn bình thường mới, bạn đọc còn muốn biết hiệu quả điều trị bệnh, “thời gian vàng” trong điều trị COVD-19 như thế nào, nhất là những F0 tự điều trị tại nhà. Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Khôi cho biết trong bệnh COVID-19, khái niệm “thời gian vàng” không áp dụng. Mỗi giai đoạn, mức độ bệnh cần phải có những điều trị phù hợp khác nhau. Nếu điều trị không đúng thì có thể gây hậu quả nặng nề.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Khôi trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Y tế phối hợp với Báo Phụ Nữ TPHCM tổ chứ c chiều 25/11 - Ảnh: Phùng Huy
Với những bệnh nhân F0 không triệu chứng không nên điều trị các thuốc corticoid và chống đông vì các thuốc này không có hiệu quả và có thể làm xấu đi tình trạng bệnh. Ngược lại, những bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp, đặc biệt có biểu hiện cơn bão cytokine thì cần phải được điều trị tích cực với các thuốc kháng virus, corticoid, chống đông, kháng thể đơn dòng. Bác sĩ khuyến cáo người dân không tự mua thuốc uống, đặc biệt là các toa thuốc không rõ nguồn gốc.
Bạn đọc Trần Đức Hiếu (Q.10) hỏi về những cấp độ và diễn biến của dịch COVID-19 hiện nay được ghi nhận tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM như thế nào. Bác sĩ Khôi cho hay, khi chưa có vắc xin, 80% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng, 15% có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, 5% còn lại có biểu hiện nặng và nguy kịch. Với sự bao phủ của vắc xin hiện nay, tỷ lệ bệnh nặng và nguy kịch đã giảm rõ.
Đến nay, Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận điều trị 981 bệnh nhân, 576 bệnh nhân đã xuất viện (81 ca thở máy và 218 trường hợp thở ô-xy lưu lượng cao). Hiện tại, trung tâm đang điều trị cho 100 bệnh nhân.
Các triệu chứng bất thường hậu COVID-19
Các triệu chứng bất thường sau khi khỏi COVID-19 là mối quan tâm lớn của bạn đọc với nhiều câu hỏi được đặt ra như: bị giảm thị lực, bị ám ảnh không dám tiếp xúc với ai, mất vị giác, khứu giác kéo dài… Với những trường hợp này, theo bác sĩ Khôi, trong “giai đoạn cấp” của COVID-19 thì phổi là cơ quan chịu tác động nặng nề nhất, mặc dù virus có thể tấn công toàn bộ cơ quan trong cơ thể.
“Giai đoạn cấp” này thường được tính trong vòng bốn tuần kể từ khi khởi bệnh. Từ sau 4 - 12 tuần, một số người bệnh vẫn còn có biểu hiện của COVID-19. Đây được gọi là giai đoạn bán cấp. Nếu triệu chứng vẫn tồn tại hoặc xuất hiện sau 12 tuần thì được gọi là biểu hiện hậu COVID-19. Nhiều cơ quan có biểu hiện hội chứng hậu COVID-19 như phổi, tim, thần kinh - tâm lý, tiêu hóa, cơ xương khớp, huyết học, sinh dục...
Mắt cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của virus SARS-CoV-2. Ở bệnh nhân nặng, có thể trong “giai đoạn cấp”, tình trạng thiếu ô-xy não ảnh hưởng đến vùng chức năng thị giác của não bộ và gây nên di chứng về sau. Ngoài ra, còn một số biểu hiện khác chưa giải thích được như đau mắt, chói sáng, nhìn mờ, nhìn lòa. Một số nghiên cứu cho thấy võng mạc của người khỏi bệnh COVID-19 có biểu hiện tổn thương rõ. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải đi khám chuyên khoa mắt và thần kinh để xác định nguyên nhân.
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về mất khứu giác, vị giác cũng như chưa có phương pháp điều trị nào được công bố một cách thuyết phục. Có thể việc mất vị giác là do hậu quả của COVID-19 nhưng cũng không loại trừ là do một bệnh lý nội, ngoại khoa nào khác kèm theo. Việc mất vị giác kéo dài trên hai tháng ít xảy ra, bác sĩ khuyên người dân nên đi khám chuyên khoa để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý đi kèm có trùng triệu chứng.
Nội dung đầy đủ!!!
Sự thấu cảm của người dân với nhân viên y tế
Không chỉ đặt câu hỏi cho bản thân, bạn đọc còn quan tâm tới các chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự thấu cảm của người dân đối với nhân viên y tế. Theo bác sĩ Châu, để động viên và ghi nhận sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu, tất cả nhân viên y tế được nhận chính sách hỗ trợ theo chế độ đặc thù của Nghị quyết số 16/NQ-CP trong đó có quy định về mức hỗ trợ tiền ăn và các chế độ phòng, chống dịch khác. Bên cạnh đó, nhân viên y tế vẫn được đảm bảo lương, phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, phụ cấp làm thêm giờ, phụ cấp độc hại... theo quy định hiện hành.
Đồng thời, ngành y tế còn áp dụng chế độ lưu trú ở các khách sạn dành riêng cho nhân viên y tế tham gia chống dịch để giảm nguy cơ lây lan cho người thân. Chế độ này cũng áp dụng cho lực lượng nhân viên y tế từ các bệnh viện trung ương và các tỉnh, thành khác gửi đến hỗ trợ. Thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng không quá 450.000 đồng/ngày.
Ngoài ra, HĐND thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 24/8/2021, trong đó hỗ trợ một lần cho tuyến đầu tham gia chống dịch từ 1.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy vào tính chất công việc tham gia.
Chiều 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, biểu dương Đội tuyển bóng đá nam quốc gia sau khi đội tuyển giành chức vô địch ASEAN Mitsubishi Electric Cup™ 2024.
14g30 ngày 6/1/2025, chuyến bay Vietnam Airlines chở đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vừa giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài.