Dự kiến ngày 13/11, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, dự án sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn kiến nghị lựa chọn nhà thầu có năng lực khi triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam - ẢNH: P.V. |
Phóng viên: Ông nghĩ gì về thời điểm mà Quốc hội lựa chọn để bàn về chủ trương đầu tư làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
Ông Trần Anh Tuấn: Chúng ta đã có định hướng, chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam từ năm 2010, nhưng ở thời điểm đó, có rất nhiều khó khăn liên quan đến nhu cầu sử dụng, nguồn vốn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển rất nhanh với quy mô nền kinh tế lớn.
Năm 2023, quy mô nền kinh tế là 430 tỉ USD, nguồn thu ngân sách trên 1,7 triệu tỉ đồng và dự kiến năm 2024, thu ngân sách khoảng 1,9 triệu tỉ đồng. Ngoài ra, nhu cầu về vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước rất lớn. Tôi nghĩ rằng, hiện nay và sắp tới, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đường sắt này sẽ kéo giảm chi phí logistics xuống, giải quyết nhu cầu đi lại của hành khách trong nước và quốc tế, khơi thông các nguồn lực ở mọi miền đất nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Xin nói thêm, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay khá cao, chiếm khoảng 20% GDP, gấp đôi nhiều nước.
* Liệu chúng ta có đảm bảo được nguồn lực xây dựng khi dự kiến chi phí đầu tư dự án lên tới hơn 67 tỉ USD, thưa ông?
- Đúng là rất nhiều người băn khoăn về tổng vốn đầu tư và khả năng để thực hiện bởi ngoài đường sắt cao tốc, chúng ta còn đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng có tính cấp bách, cần nguồn vốn rất lớn. Dù vậy, tôi tin rằng chúng ta có thể hoàn thành công trình lớn này thông qua việc linh hoạt kết hợp nhiều phương thức để huy động vốn.
Theo chương trình của Chính phủ, 67,3 tỉ USD trên sẽ được đưa vào 2 kỳ của giai đoạn trung hạn (giai đoạn 2025-2030 và 2031-2035). Việc phân bổ vốn đầu tư công sẽ kết hợp với việc khai thác dọc tuyến với khoảng 23 địa điểm nhà ga theo phương thức TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Ngoài ra, chúng ta có thể kết hợp với các phương thức khác như phát hành trái phiếu, vay nước ngoài.
|
Mạng lưới đường sắt cao tốc Nhật Bản không chỉ giúp giao thông nhanh chóng, hiệu quả mà còn thúc đẩy đáng kể nền kinh tế của đất nước này - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam |
* Vừa qua, các tuyến đường sắt đô thị (metro) ở TP Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ. Theo ông, làm sao để “siêu dự án” đường sắt cao tốc này không rơi vào tình trạng tương tự?
- Tiến độ xây dựng metro ở TP Hà Nội và TPHCM vừa qua đều trễ, có tuyến trễ tới 10 năm. Đây là bài học lớn cần rút kinh nghiệm trong việc làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là việc lựa chọn nhà thầu. Phải lựa chọn các nhà thầu thực sự có năng lực và khi triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì các bộ, ngành, các cấp phải cùng vào cuộc, quyết tâm giải quyết.
* Theo ông, cần quan tâm gì về vấn đề nhân lực khi triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
- Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam đòi hỏi nguồn lực rất lớn không chỉ về vốn mà còn ở nguyên vật liệu, công nghệ và đặc biệt là nhân lực. Cần phải có sự phối hợp, điều phối hợp lý các vấn đề này. Muốn như vậy, dự án cần phải có một tư lệnh chỉ huy sát sao, đảm bảo việc triển khai dự án đúng theo kế hoạch, chương trình. Vị tư lệnh này phải xử lý được những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, cần phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước để học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ và phương pháp quản lý, điều hành dự án, từ đó có ngay đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia phục vụ nhu cầu của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng như nhiều dự án khác.
* Xin cảm ơn ông.
Có đủ tiềm lực, nền tảng để triển khai dự án Người dân đã mơ được “ăn sáng ở TPHCM, chiều làm việc ở Hà Nội” từ rất lâu. Trước đây, chúng ta chần chừ làm đường sắt cao tốc do chưa có điều kiện. Còn hiện tại, chúng ta đã có đủ tiềm lực, nền tảng cơ bản để triển khai, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân, cử tri. Cụ thể, hiện nay, nợ công đang được kiểm soát tốt, nằm dưới ngưỡng an toàn rất xa, có thể huy động nguồn lực rất lớn để đầu tư. Việc giảm thời gian đi lại sẽ mở ra không gian phát triển ở những vùng mà trước đây chưa khai phá hết tiềm năng, lợi thế. Đây là nguồn lực rất lớn giúp nuôi dưỡng đường sắt tốc độ cao chứ không phải chỉ có giá vé. Ở các bến tàu, nhà ga, nguồn thu từ bất động sản theo mô hình TOD ước tính rất cao. Mô hình này đem lại nguồn lợi chính ở nhiều quốc gia khi xây dựng đường sắt cao tốc. Khi mở rộng không gian phát triển, du lịch phát triển thì nguồn thu cũng tăng cao. Chính vì vậy, nhiều nước đã đầu tư cho đường sắt tốc độ cao bằng nguồn vốn đầu tư công, tạo ra những nguồn lợi khác cho người dân. Điều quan trọng là tránh đầu tư dàn trải. Nên đầu tư đến đâu thì làm xong đến đó và phải kết nối đồng bộ. Trạm TOD có thể xa đô thị, không cần đặt nhà ga gần khu dân cư nhưng cần có hệ thống xe buýt, tàu điện để kết nối. Một vấn đề cần phải đặc biệt lưu ý là an toàn đường sắt. Vấn đề này cần được đặt lên trên cả hiệu quả kinh tế bởi Việt Nam thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt. Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN (TPHCM) |
Cần chính sách đặc biệt, vượt trội Chính phủ trình dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam lúc này theo tôi là hợp lý. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đạt hơn 400 tỉ USD, lớn hơn rất nhiều so với năm 2010 khi Chính phủ trình dự án này lần đầu. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nhưng chưa đầu tư vào đường sắt khiến hệ thống đường sắt lạc hậu, khả năng vận chuyển thấp. Hồ sơ mà Chính phủ trình đã đầy đủ, có đánh giá hiện trạng trong nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến chuyên gia. Tổng đầu tư dự kiến trên 67 tỉ USD, tương đương 114% tổng ngân sách trung ương dành cho đầu tư công trung hạn cả nước trong giai đoạn 2021-2025, khoảng 59% tổng ngân sách của trung ương và địa phương cho kỳ trung hạn 2021-2025. Trong lịch sử đầu tư công, chưa có dự án nào đạt tổng mức đầu tư này. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư này cũng chỉ là dự kiến. Chính vì vậy, khả năng thu xếp nguồn vốn triển khai dự án là vấn đề đáng quan tâm. Cần bám sát nghị quyết của Bộ Chính trị về kiểm soát tham nhũng, trong đó quy định: “Quyết định đầu tư dự án phải đúng thẩm quyền, rõ về nguồn vốn”. Điều này giúp đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao, chưa có ngành công nghiệp đường sắt. Đây cũng là dự án phức tạp về công nghệ, đòi hỏi nhân lực chất lượng cao nên quá trình chuẩn bị đầu tư phải kỹ lưỡng. Các nước thường chuẩn bị đầu tư rất lâu, giải ngân rất nhanh, còn ở Việt Nam thì ngược lại: chuẩn bị đầu tư ngắn, giải ngân rất lâu. Năm 2024, tốc độ giải ngân 9 tháng đầu năm chưa quá 50%. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là yếu kém trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Do đó, cần phải lưu tâm vấn đề này. Cùng với chủ trương đầu tư, Chính phủ trình kèm theo 19 chính sách đặc thù, đặc biệt. Theo tôi, Quốc hội cần xem xét, quyết định cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội, có thể khác luật thì mới có thể triển khai dự án, sớm đưa vào vận hành như mục tiêu đề ra. Đại biểu Quốc hội LÊ HOÀNG ANH (tỉnh Gia Lai) |
Huyền Anh (thực hiện)