Linh động để không thiếu giáo viên môn tiếng Anh, tin học

07/09/2024 - 06:42

PNO - Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế, cả nước còn 72.000 biên chế giáo dục được giao mà chưa tuyển dụng.

Tổng kết năm học 2023-2024 ngày 19/8, Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến hết tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên bậc mầm non, phổ thông, cơ cấu còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế, cả nước còn 72.000 biên chế giáo dục được giao mà chưa tuyển dụng.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên môn tiếng Anh - Ảnh minh họa
Nhiều địa phương thiếu giáo viên môn tiếng Anh - Ảnh minh họa

Năm học 2024-2025, tỉnh Quảng Bình có 246.000 học sinh, tăng 2.900 học sinh so với năm học trước; có 13.177 giáo viên, còn thiếu 1.311 giáo viên biên chế. Ngành GD-ĐT tỉnh đã bổ sung 914 giáo viên giảng dạy hợp đồng nhưng vẫn còn thiếu gần 400 giáo viên mầm non và phổ thông. Nhiều trường không tuyển được một số vị trí theo nhu cầu, đặc biệt là các môn tiếng Anh, tin học và công nghệ ở cấp tiểu học, môn âm nhạc, mỹ thuật ở cấp THPT.

Ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình - cho biết, tạm thời, sở điều chuyển giáo viên tiếng Anh từ trường này sang trường khác trong cùng khu vực, vận động giáo viên THPT dạy THCS, tiểu học để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở miền núi. Khi có Nghị định 111/2022 của Chính phủ, sở phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh về chính sách tuyển giáo viên hợp đồng nhưng vẫn yêu cầu các phòng GD-ĐT huyện chủ động tìm thêm giáo viên dạy cấp tiểu học, THCS.

Từ năm học 2022-2023 đến nay, tỉnh Yên Bái đã luân phiên “biệt phái” giáo viên tiếng Anh ở TP Yên Bái đến dạy ở các trường học của huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu, đồng thời khuyến khích công dân có bằng THPT, giáo dục thường xuyên của các huyện đó đi học sư phạm tiếng Anh (hoặc cử nhân đi học văn bằng 2 sư phạm tiếng Anh). Sở GD-ĐT tỉnh này cũng nhờ sự giúp đỡ của các sở GD-ĐT của TP Hà Nội và tỉnh Nam Định dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho 31 trường, 207 lớp thuộc 4 huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Lục Yên. Đối với môn tin học, có 28 trường của tỉnh Nam Định phối hợp giảng dạy cho 12 trường của huyện Yên Bình và huyện Lục Yên.

Năm học 2024-2025, tỉnh Nghệ An có hơn 860.000 học sinh ở cả 4 cấp học. Tỉnh đang thiếu 7.712 giáo viên biên chế so với định mức giáo viên mỗi lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT. Để có đủ giáo viên, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung 6.501 biên chế. Do còn nhiều điểm trường lẻ ở bậc tiểu học nên việc tổ chức dạy chương trình mới ở Nghệ An còn khó khăn. Do đó, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An có kế hoạch sáp nhập 61 điểm trường và 7 trường so với năm học 2023-2024. Tỉnh này cũng thiếu giáo viên môn tin học và tiếng Anh ở các huyện miền núi, chỉ tiêu biên chế có nhưng không tuyển được giáo viên. Do đó, nhiều trường phải cử giáo viên ở các bộ môn khác đi học, tập huấn môn tin học và điều động giáo viên môn tiếng Anh dạy liên trường.

Ở tỉnh Thanh Hóa, hầu hết trường trong huyện Hà Trung thiếu giáo viên tin học lẫn máy tính, số máy tính đang có cũng đã cũ, cấu hình thấp. Năm học 2024-2025, học sinh lớp Năm của Trường tiểu học Bát Mọt 1 (huyện Thường Xuân) mới được học tin học trên máy vi tính, được trang bị từ nguồn xã hội hóa). Trước đó, do thiếu máy nên học sinh phải học “chay” môn tin học trong suốt 2 năm lớp Ba và Bốn.

Phan Ngọc - Thuận Hóa - Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI