1.
Những ngôi nhà trên đồi sương giăng, khói tỏa lững lờ trên mái. Thời hiện đại, chẳng nhà nào ở đất này lại không dùng lò sưởi điện hay gas. Nhưng một chiều đông như chiều nay, đốt dăm ba khúc củi trong lò sưởi được giữ như một nơi cho dĩ vãng đi về, với những câu chuyện về chú thợ nạo ống khói, về ông già Noel, về cơn gió ma… và nhấm nháp tách cà phê nóng cùng dăm ba chiếc bánh quy mới nướng nhân tuần Advent trước Giáng sinh, thú vị lắm. Càng thú vị khi bất chợt bay ngang khung cửa đôi ba bông tuyết đầu mùa.
|
Limburg là thành phố du lịch mà vệ tinh của nó là các thành phố khác xinh xắn, tuyệt đẹp |
Con sóc quen ôm hạt dẻ tròn ngơ ngác giữa vườn. Chú chim nhỏ không di cư trốn rét từng nhịp mổ túi kê ông bà chủ nhà đã rất chu đáo treo trên mấy nhành khô. Nàng nhím loay hoay bới ổ lá cuối vườn tìm chỗ trú. Thời gian bất chợt như chậm lại theo chiều rơi phân vân của những bông tuyết đầu mùa.
Chợt nhớ chỉ đôi ba tháng trước còn quay cuồng giữa những cơn nóng lả cả người, giữa tiếng động và nhịp sống như sôi như giật ở quê nhà, quay về hiện tại có cảm giác mình đang sống trong một thế giới bất thường, vì yên bình quá.
Hoàng hôn mùa cuối năm ở nơi này đến sớm. Đi xuôi con dốc nhỏ xuống với dòng sông Lahn trôi giữa đôi bờ núi, mang mang làn hơi tím loang trên mặt nước và triền sông vàng hoa, bàn tay lạnh lại muốn tìm nơi ủ. Đôi ba hình thù bất động dưới gốc cây già.
Đấy là mấy anh chàng mê câu cá. Nếu bạn khéo cưa cẩm thì thay vì câu được cá lên lại thả cá xuống sông cho bơi, họ sẽ biếu mình cái xô, trong đó có mấy con cá bằng bắp tay đang quẫy.
2.
Tiếng chuông dội vào bờ đá, dội xuống lòng sông, gọi người thức dậy khỏi vùng ký ức. Giáo đường trang nghiêm nằm trên đỉnh đá cao nhất thành phố, trong sương chiều trông như đang lơ lửng trên mặt đất. Đi trên xa lộ xuyên Âu - Á, ít ai không để ý tới ngôi giáo đường đồ sộ này.
Có thể còn một lý do: khi đồng DM còn lưu thông trên thị trường, ngôi giáo đường tuyệt đẹp này đã có mặt trên đồng 1.000 DM. Oai đấy chứ, nếu bạn biết khắp đất nước này đi đâu cũng gặp những lâu đài, nhà thờ, phố cổ, tuổi có trẻ cũng dăm bảy trăm năm.
|
Cầu cổ bắc qua con đường tơ lụa một thời - sông Lahn |
Thành phố nhỏ nhưng nổi tiếng nhờ ngôi nhà thờ cực kỳ hoành tráng, nhờ dòng sông Lahn tên thơ như một âm vọng quê nhà là con đường tơ lụa nối hai trung tâm kinh tế phồn thịnh của châu Âu một thời (Frankfurt và Amsterdam), nhờ cây cầu bắc qua sông, điểm dừng khai thuế của những chủ thuyền buôn thời đó.
Trấn ngự đầu kia cây cầu dẫn vào phố cổ không phải là tháp canh, mà là một khách sạn nổi tiếng vì đã vinh dự đón thống chế Blücher - nhân vật từng đánh cho Napoléon một trận tơi bời.
Limburg là thành phố du lịch mà vệ tinh của nó là các thành phố khác, xinh xắn, tuyệt đẹp. Bad Camberg có suối nước nóng và viện an dưỡng, những đồi cao, tháp cổ rất đỗi êm đềm. Weilburg, nằm giữa thung lũng, nơi mùa thu lá đỏ rực bốn bề, nổi tiếng vì thành quách cổ và kiến trúc baroque, vì thế còn được gọi là thành phố baroque.
Cứ mùa hè, Weilburg lại có rất nhiều đêm trắng, không hẳn là những đêm trắng phương Bắc, mà là những đêm trắng của âm nhạc. Khách du lịch đến Limburg không thể không tới những đêm hòa nhạc ngoài trời ở Weilburg. Và Hadamar nổi tiếng khắp nước Đức vì những xưởng sản xuất kính màu có khả năng khúc xạ ánh sáng huy hoàng, mà hôm nay ta vẫn thường thấy trên rất nhiều bức tường giáo đường cổ kính.
Thuộc bang khác nhưng kề bên Limburg, nhịp sống nơi đây gắn chặt với Limburg đến nỗi có dạo người ta đã tính đến việc sát nhập hai đơn vị hành chính này, là Diez, cố hương của hoàng gia Hà Lan bây giờ và là điểm hành hương của đông đảo du khách Hà Lan.
3.
Bom đã rơi trên thành phố này nửa thế kỷ trước. Nhiều phố tan tành, chỉ được xây dựng lại vội vàng sau chiến tranh. Limburg, vì thế, như rất nhiều thành phố châu Âu, có hai gương mặt, gương mặt nào cũng in bóng lịch sử, vừa đáng tự hào, vừa đáng hổ thẹn và đau khổ.
|
Limburg, như nhiều thành phố châu Âu, có hai gương mặt, gương mặt nào cũng in bóng lịch sử, vừa đáng tự hào, vừa đáng hổ thẹn và đau khổ |
Đối diện với tòa án thành phố may mắn còn sót lại sau một trận bom kinh hoàng còn nguyên dấu ấn trong trí nhớ của những người già là một tấm biển nhỏ cho biết nơi đây năm xưa từng có một nhà thờ Do Thái. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, 15.000 người Do Thái đã sống ở nơi này, rồi chết trong những lò thiêu của chế độ quốc xã.
Rải rác khắp mấy thành phố này còn rất nhiều nơi du khách không biết, cư dân nơi này cũng không mấy người biết. Lang thang trong Diez, có thể thấy ngay tòa lâu đài đồ sộ trên một đỉnh cao của thành phố vốn là nhà tù dành cho trọng phạm. Cũng có thể hỏi bất kỳ cư dân nào ở nơi này về lãnh địa một thời của hoàng gia Hà Lan. Ở đó còn có một ngõ nhỏ với những bậc thang mòn, nơi một đêm vào mấy mươi năm trước những đứa trẻ Do Thái đã bị dẫn đi dưới họng súng.
Mười năm sống ở Limburg, mười ngày nằm sinh con ở Bệnh viện Hadamar, tôi đã bao nhiêu lần chần chừ, để rồi tới ngày rời đi vẫn không đến được một nơi, vì sợ.
Trong khuôn viên bệnh viện có một phòng tưởng niệm những người chết ở nơi này. 24.000 người, xấp xỉ số cư dân hiện tại của thành phố. Có bệnh viện nào trên thế giới này có con số tử vong khủng khiếp đến thế? 24.000 người bệnh thần kinh đã bị lùa tới đây tống vào lò thiêu, để làm sạch dòng máu Đức theo quan điểm chủng tộc điên cuồng của phát xít. Tro của họ đã lẫn vào trong đất trên khắp những cánh đồng chốn này.
Bao nhiêu lần phóng xe trên xa lộ qua những đồng hoa hướng dương, hoa cải vàng ngợp, tôi đã tự hỏi tro ấy giờ có còn. Tôi đã hỏi người dân nơi này khi ấy liệu có biết. Những buổi chiều ngồi bên bàn ăn, nghe trong gió mùi khói có biết đó là khói thiêu xác người bị giết?
Ông cụ chủ nhà, opa của những đứa con tôi, một vị giám mục Tin lành khả kính mới bảy tuổi đời vào những năm tháng đó, nín lặng một lúc rồi mới trả lời: “Chúng tôi biết cả. Nhưng nỗi sợ...“. Tôi nghĩ rằng tôi rất hiểu nỗi sợ này. Để vượt qua nó, nhiều khi một đời chưa đủ. Cũng như tôi mãi vẫn không tìm được lòng can đảm chỉ để đến cúi đầu trước tấm bia tưởng niệm đặt giữa một gian phòng trống. Mới hay quá khứ còn là thách thức lịch sử, đòi con người đối diện, sám hối, để tự giải phóng.
4.
Khi còn ở Limburg, trong những lần đi dạo cuối tuần, chúng tôi hay tạt ra đường dẫn tới một ngôi làng nhỏ tuyệt đẹp. Giữa bạt ngàn hoa cỏ, chơ vơ một nghĩa trang nhỏ. Những tấm bia dựng ở đó không cho biết nhiều về người nằm dưới, tên có, tuổi không, chẳng rõ quê hương. Họ không phải là người Đức. Họ là những tù binh người Pháp, người Nga thời chiến tranh thế giới thứ hai bị đưa về những làng này làm lao công, rồi bỏ xác ở đây.
Trước nhiều ngôi mộ có những bó hoa tàn của dân làng hay khách qua đường. Nhiều người trong số đó may mắn sống qua được cuộc chiến tranh. Năm nào ở ngôi làng nhỏ đó cũng rộn rã tin vui gặp gỡ. Những người tù cũ đem cả gia đình sang tìm gặp ân nhân của mình.
Phải nhìn ra những cánh đồng từng phủ đầy khói lò thiêu, phải nhìn nước mắt lăn khó nhọc trên những đôi má nhăn nheo mới thấy hết cái quý giá của sự sống mà họ đã giành lại cho nhau, mới hiểu được lòng thương nhau và lòng biết ơn thật sự của con người giản dị và vô bờ đến thế nào.
Tôi đã sống ở thành phố ấy mười năm. Tôi đã sống ở quê nhà ba mươi năm. Mảnh đất nào cũng nặng tình nặng nghĩa, nặng cả đau buồn. Lịch sử không phai mờ nếu con người không có ý định phủi mông không thèm biết tới hoặc cố ý quên đi.
|
Dom - giáo đường Limburg nhìn từ phía dưới sát bờ sông |
Nghĩ cho cùng, lịch sử không hẳn chỉ có trong sách vở, trên mạng hay các chương trình truyền thông. Lịch sử luôn được cưu mang qua những con người cụ thể, thân thiết, đang sống quanh ta. Đó có thể là một hồi ức âm thầm, một thói quen có tự những ngày cơ cực của ông bà ta. Đó có thể là những câu chuyện, những tính toán chứa đôi ba phần lẩm cẩm của cha mẹ ta. Đó có thể là những đòi hỏi ứng xử của lớp người trước mà với ta nhiều khi phi lý... Lịch sử, giản dị là bản thân đời sống đa diện, nhùng nhằng, không dễ phán định, làm nên hồn sương nắng miên viễn của những miền ta đi qua.
Ông cụ giám mục, opa của con tôi, gắn bó sâu sắc với thành phố Limburg nhưng không phải là người sinh ra ở thành phố này. Trong một buổi uống cà phê, ông chỉ cho tôi những bức ảnh quê nhà - một thành phố bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh thế giới thứ hai và được xây dựng lại vội vàng, nên có phần vô bản sắc. Nhưng có một bức ảnh buộc tôi dừng lâu.
Ảnh chụp cổng nghĩa trang, nơi chôn cất những người thân của ông, chết cùng 12.000 người khác trong một trận máy bay đồng minh oanh tạc thành phố. Ba biểu tượng, ba ngôi mộ giả bằng đá đen, trên tạc hình người. Như một gia đình, bố, mẹ, con. Họ nằm ngửa, nhìn trời. Bầu trời trong ảnh xanh và cao. Đôi mắt người nằm đó, tôi không hiểu đấy là bình thản hay đau khổ, đấy là bất lực hay uất hận. Những người chết ra khỏi mộ, không chất vấn con người mà chỉ lặng lẽ nhìn lại cả cuộc đời này.
Đời sống của chúng ta sẽ nặng nề hơn nhưng cũng sẽ đẹp đẽ hơn, khi giữa bầu trời mặt đất này, ở bất cứ nơi nào, ta sống và biết, trời cao hơn đất dày hơn, vì những cuộc đời giản dị, đắng cay, bền bỉ, bị vùi chôn.
Với tôi, đó là lịch sử của từng miền ký ức.
Như Limburg.
Lê Minh Hà
Ảnh: Đỗ Quang Nghĩa