PNO - Những hạn chế của y tế cơ sở đã được phản ảnh nhiều, đặc biệt là khi xảy ra dịch COVID-19. Vậy làm sao để đầu tư đúng mức, giúp y tế cơ sở phát huy được thế mạnh của mình, nhất là khi dịch bệnh xảy ra. Ông Trần Duy Hưng, chuyên gia tư vấn của World Bank về các dự án đầu tư tài chính y tế và tài chính dự án hợp tác công tư (PPP) - Giám đốc Công ty Monitor Consulting chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM nhiều giải pháp về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, là chuyên gia nghiên cứu về nguồn đầu tư tài chính trong y tế, đặc biệt là các vấn đề hợp tác công tư (PPP) trong y tế, ông nhận định thế nào về vấn đề đầu tư cho tuyến y tế cơ sở của nước ta?
Ông Trần Duy Hưng: Từ trước đến nay, tuyến y tế cơ sở (trạm y tế và các phòng khám bác sĩ gia đình) chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Tất cả hoạt động ở tuyến cơ sở này đều phụ thuộc vào nguồn ngân sách rót xuống của Nhà nước ngược lại với quy mô và vị trí nên sống thoi thóp và lay lắt. Cho đến khi đại dịch xảy ra, nhiều nơi đã trở tay không kịp. Có những phòng khám bác sĩ gia đình mặc dù tư nhân tham gia đầu tư nhưng không thành công, ít bệnh nhân đến khám vì không đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phạm vi hoạt động khám chữa bệnh của y tế cơ sở không thể thay thế được các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện thành phố do chức năng, nhiệm vụ cũng như khả năng đáp ứng còn hạn chế, nhưng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và được bác sĩ gia đình theo dõi là luôn luôn có. Người dân luôn muốn được dự phòng để không mắc bệnh, và khi có bệnh cũng cần được kiểm soát để bệnh không tiến triển nặng hơn… Đây là vấn đề bao trùm quản lý của y tế cơ sở, bao gồm quản lý mô hình bệnh tật, dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính không lây, nâng cao sức khỏe cho người dân và quản lý bệnh án từ trẻ sơ sinh đến người già.
* Làm thế nào để tuyến y tế cơ sở - trạm y tế, mô hình bác sĩ gia đình - phát triển vững mạnh, bài bản hơn theo đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới?
- Ở các quốc gia phát triển, trong đó có Cu Ba, phòng khám bác sĩ gia đình được chính phủ chi trả để hoạt động thông qua dịch vụ khám bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, các phòng khám bác sĩ gia đình phục vụ rất tốt, nhiều bệnh nhân để hút tiền từ chính phủ. Ở nước ta, mức độ bao phủ BHYT đã hơn 90% dân số là điều kiện thuận lợi để phát triển theo mô hình này. Các phòng khám bác sĩ gia đình được liên thông khám chữa bệnh bằng BHYT, bệnh nhân khám xong lãnh thuốc ngay tại trạm y tế như ở bệnh viện.
Khi có nhiều bệnh nhân, đời sống được cải thiện, được nâng cao tay nghề, bác sĩ được tôn trọng, họ sẽ có động lực để làm không ngơi nghỉ. Trong thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư tài chính cũng như các chính sách cho ngành y tế rất lớn, tuy nhiên ngân sách cho tuyến y tế cơ sở vô cùng nhỏ, eo hẹp. Cộng thêm với chính sách khám BHYT còn nhiêu khê nên không giữ chân được bệnh nhân lẫn nhân viên y tế và áp lực công việc cao dẫn đến nhiều người ra đi làm ở nơi khác hoặc nghỉ việc.
Để thu hút bệnh nhân đến khám ở phòng khám bác sĩ gia đình, buộc các phòng khám phải được đầu tư máy móc, thiết bị y tế, cơ sở vật chất, dù đơn giản nhưng phải đủ và đảm bảo chất lượng. * Nguồn đầu tư tài chính này được trích ra từ đâu sẽ ổn định và phát triển tốt hơn, từ chính phủ, kêu gọi xã hội hóa hay từ nguồn ngân sách địa phương? - Nếu đầu tư từ nguồn ngân sách của Nhà nước do Chính phủ cải tổ, sắp xếp đầu tư hợp lý sẽ căn cơ hơn. Việc chi tiêu hợp lý và hiệu quả sẽ giúp ích cho người dân. Hầu hết bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, y tế cơ sở đều có nhu cầu cao về đầu tư, nhưng đầu tư công bằng và hiệu quả vẫn phải từ nền móng vững chắc là y tế cơ sở. Nghĩa là đầu tư “công bằng” nhưng “không cào bằng”.
Mô hình xã hội hóa, kêu gọi đầu tư tư nhân - với các hình thức liên doanh liên kết, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, có nguồn thu và thu hút được bệnh nhân… với cơ chế khám bảo hiểm và lãnh thuốc đầy đủ thì đây là bài toán hay. Tuy nhiên, với những vụ lùm xùm và bắt bớ cán bộ sau dịch COVID-19 về đầu tư mua sắm, nhiều nơi sẽ không dám kêu gọi đầu tư xã hội hóa, mô hình này sẽ ngày càng khó khăn hơn. Kéo theo xu hướng đầu tư y tế về sau sẽ minh bạch, rõ ràng giữa công và tư.
Y tế cơ sở được mong chờ đầu tư đúng mức để trở thành nơi gác cửa sức khỏe hiệu quả cho người dân. (Trong ảnh: Trạm y tế P.8, Q.Gò Vấp, TPHCM mô hình điểm về Y học gia đình kết hợp với bệnh viện tuyến trên khám bệnh, chẩn bệnh từ xa) - Ảnh: Hoàng Nhung
Vấn đề cốt lõi lúc này để giải bài toán phát triển y tế cơ sở là chính quyền địa phương (quận, huyện). Lãnh đạo chính quyền địa phương muốn quận của mình có bao nhiêu trạm, bao nhiêu cán bộ y tế, bao nhiêu bác sĩ gia đình sẽ đầu tư bấy nhiêu, phù hợp với nhu cầu thực tế. Để đột phá về y tế cơ sở phát triển bền vững và vững mạnh hơn, chính quyền địa phương phải đặt quyền lợi đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Phải đồng loạt, đồng tình từ trên xuống, tạo ra hiệu ứng đầu tư trên toàn thành phố, với những chính sách đầu tư lâu dài, liên tục và bền vững…
Song song đó là sự bắt tay chung sức cải tổ nhiều bộ, ngành khác liên quan đến y tế cơ sở như: luật phân bổ đầu tư tài chính trong y tế, luật khám chữa bệnh BHYT tại tuyến cơ sở, quy định thực hành lấy giấy phép hành nghề tại tuyến y tế cơ sở… để y tế cơ sở dễ dàng hoạt động và dần phát triển vững mạnh, bền vững.
Giải pháp “kéo” người dân về y tế cơ sở
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngoài việc đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế phường như trong thời gian qua TPHCM đã làm, Sở Y tế TPHCM cần có chính sách sử dụng tài sản công (trạm y tế), điều chỉnh lại luật sử dụng tài sản công để bác sĩ làm ngoài giờ thay vì bác sĩ đi thuê phòng mạch ở ngoài để kiếm thêm thu nhập.
Đồng thời, mỗi phòng khám bác sĩ gia đình ở trạm y tế là các phòng khám chuỗi được hỗ trợ bởi bác sĩ tuyến bệnh viện quận, huyện. Khi có bệnh khó, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên khám bệnh, hội chẩn trực tuyến từ xa qua Zalo, Messenger, giúp bệnh nhân không phải đi xa mà vẫn được thụ hưởng chuyên môn ở tuyến trên, bác sĩ ở tuyến trên cũng được trả phí. Vì vậy, khi triển khai mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình là liều thuốc chữa căn bệnh “ế ở trạm y tế”.
Cũng theo bác sĩ Hiệp, cái sai hiện nay của cơ chế y tế là chia riêng vấn đề dự phòng và điều trị. Trong y khoa, bệnh nhân không chia dự phòng, điều trị, nhưng Nhà nước chia ra để đầu tư, đào tạo, phân tuyến. Thực tế cho thấy, trong dự phòng luôn có điều trị và trong điều trị luôn có dự phòng. Do đó, vai trò, nhiệm vụ, chức năng, vị trí của phòng khám bác sĩ gia đình và trạm y tế phải được định nghĩa lại rõ ràng, xác định mối quan hệ giữa trạm y tế với các đơn vị khác trong ngành y tế.
Cần có chính sách thu hút bác sĩ về trạm y tế, tạo môi trường để hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh gần dân được diễn ra một cách tốt nhất. Đó là xây dựng hệ sinh thái bao gồm chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, cơ chế chuyển tuyến được ưu tiên. BHYT phải cho danh mục thuốc đầy đủ, khoán định xuất về tuyến y tế cơ sở.
Bệnh nhân đến trạm y tế khám bệnh thì được hưởng 100% BHYT, còn tư vấn, điều trị cai thuốc lá, giảm cân thì phải trả thêm phí dịch vụ. Bác sĩ gia đình đến nhà khám bệnh cho bệnh nhân theo yêu cầu được chi trả thêm chi phí khám chữa bệnh dịch vụ. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi tư duy, cơ chế để dịch vụ cung ứng cho bệnh nhân ngày càng chất lượng và được thanh toán chi trả, hướng đến chi trả BHYT toàn bộ (nếu được) vì đây là y tế cơ bản, thiết yếu, gần dân.
Bác sĩ gia đình ở trạm y tế đóng vai trò như một CEO điều hành cả trạm, cộng thêm cơ chế xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp vào hỗ trợ đặt máy móc… để hoạt động khám chữa bệnh ngày càng chất lượng cao, lấy lại lòng tin của người dân về y tế cơ sở.