Liệu Quốc hội Mỹ có thể đảo ngược chiến thắng của ông Joe Biden?

16/12/2020 - 10:01

PNO - Hôm 14/12, sau khi Đại cử tri đoàn xác nhận ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11, một số đồng minh trung thành nhất của Tổng thống Trump trong Quốc hội vẫn từ chối chấp nhận ông thua cuộc, họ tuyên bố vẫn có thể đảo ngược kết quả tại cuộc bỏ phiếu phê chuẩn kết quả bầu cử tại lưỡng viện Mỹ vào ngày 6/1/2021.

Dân biểu Cộng hòa Mo Brooks (Alabama) tuyên bố sẽ đảo ngược kết quả bầu cử khi Hạ viện bỏ phiếu phê chuẩn vào ngày 6/1/2021 - Ảnh: EPA
Dân biểu Cộng hòa Mo Brooks (Alabama) tuyên bố sẽ đảo ngược kết quả bầu cử khi Hạ viện bỏ phiếu phê chuẩn vào ngày 6/1/2021 - Ảnh: EPA

Tổng thống Trump đã “khuếch đại” tuyên bố của những người này, khi hôm 15/12 đăng lại trên Twitter ý tưởng về những nỗ lực đang được dân biểu Mo Brooks theo đuổi, nhằm thách thức chiến thắng của ông Biden - khi Hạ viện và Thượng viện họp chung để chính thức phê chuẩn kết quả bầu cử vào ngày 6/1 sắp tới.

Nhưng ngay cả khi Hiến pháp trao cho Quốc hội là người có tiếng nói cuối cùng về cuộc bầu cử tổng thống, thì “cũng không có cơ hội” để Quốc hội lật ngược kết quả và trao chiến thắng cho ông Trump.

Cứ bốn năm một lần, Thượng viện và Hạ viện Mỹ họp lại với nhau để chính thức xác nhận số phiếu đại cử tri và đưa ra những ý kiến cuối cùng về kết quả bầu cử. Thông thường, đó là một xác nhận chiếu lệ đối với việc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn. Nhưng năm nay, dân biểu Brooks đã đe dọa sẽ biến nó thành “một mớ hỗn độn” khi phản đối kết quả bầu cử. Theo tờ New York Times, dân biểu Brooks chắc chắn sẽ thất bại, nhưng sự chia rẽ tại Hạ viện có thể đẩy Phó Tổng thống Mike Pence vào tình huống nguy hiểm về mặt chính trị khi xác nhận thất bại của ông Trump.

Quá trình này hết sức khó khăn. Trước tiên, ông Brooks sẽ phải tìm một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẵn sàng hợp tác với ông trong cuộc “thách đấu”, theo luật liên bang quy định mỗi viện phải có ít nhất một thành viên đồng ký. Đến nay, chưa có thượng nghị sĩ cùng đảng nào ủng hộ nỗ lực này, và hôm 15/12, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell (Kentucky) - lãnh đạo phe đa số Thượng viện - đã lên tiếng kêu gọi các nghị sĩ trong đảng tại Thượng viện không tham gia.

Thậm chí nếu có người đồng ý tham gia, cũng sẽ không có sự hậu thuẫn đủ mạnh để duy trì sự phản đối. Trong trường hợp một dân biểu Hạ viện và và một nghị sĩ Thượng viện lên tiếng phản đối, phiên họp chung sẽ tạm dừng và các nhà lập pháp quay lại chỗ của mình trong Thượng viện hoặc Hạ viện để tranh luận trong tối đa hai giờ. Sau đó, họ sẽ bỏ phiếu về việc có nên loại bỏ kết quả bầu cử Đại cử tri đoàn đã xác nhận hay không. Cả hai viện sẽ phải nhất trí bác bỏ kết quả bầu cử - một điều chưa từng xảy ra từ thời kỳ Tái thiết nước Mỹ (1863-1877).

Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, vì vậy không có khả năng Hạ viện bỏ phiếu để lật ngược kết quả bầu cử. Trong khi đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện - một số thượng nghị sĩ Cộng hòa đã thừa nhận ông Biden là tổng thống đắc cử - và ông McConnell đã nói rõ khi trao đổi với các đồng nghiệp của mình hôm 16/12 rằng ông không ủng hộ nỗ lực này.

Tô Châu (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI