“Liệu pháp TikTok”

17/09/2024 - 07:53

PNO - Tại Singapore, “liệu pháp TikTok” đang nổi lên như cách để chuyên gia sức khỏe tâm thần nâng cao nhận thức và cung cấp hỗ trợ trên nền tảng mạng xã hội.

Trong một video trực tuyến, Nur Adam - 35 tuổi, một nhà trị liệu phục hồi chấn thương - đã chia sẻ về nỗi đau khổ tột cùng cô từng trải qua. Cô đã thoát khỏi vực thẳm đó sau khi nhận ra rằng nỗi đau rồi sẽ qua và bằng cách ở bên cạnh những người luôn tin tưởng mình. “Sự thay đổi trong suy nghĩ khiến tôi biết được cuộc sống còn nhiều điều hơn là khoảnh khắc đau đớn tôi đang phải trải qua lúc này… Hãy nhớ rằng nỗi đau sẽ không kéo dài mãi mãi” - cô nói.

Elias Soh cho rằng vẫn nên có thái độ hoài nghi lành mạnh khi sử dụng TikTok để trị liệu vì có thể có thông tin sai lệch từ những người sáng tạo nội dung - Ảnh: Nuria Ling (TODAY)
Elias Soh cho rằng vẫn nên có thái độ hoài nghi lành mạnh khi sử dụng TikTok để trị liệu vì có thể có thông tin sai lệch từ những người sáng tạo nội dung - Ảnh: Nuria Ling (TODAY)

Nur Adam là một phần của cộng đồng các nhà trị liệu nhỏ nhưng đang phát triển tại Singapore, những người đảm nhiệm cả vai trò sáng tạo nội dung, với hy vọng nâng cao nhận thức về những khó khăn liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Xu hướng mang tên “Liệu pháp TikTok” đề cập đến hoạt động chia sẻ một số mẹo về sức khỏe tâm thần và những chiến lược tự lực trên các nền tảng mạng xã hội của các chuyên gia và nhà hoạt động sức khỏe tâm thần. Nội dung đó có thể bao gồm các video ngắn về cơ chế đối phó, bài tập tỉnh thức, giáo dục sức khỏe tâm thần và những trải nghiệm cá nhân như Nur đã chia sẻ.

Nur lý giải: “Những trải nghiệm cá nhân có thể giúp kết nối mọi người vì nội dung về sức khỏe tâm thần không chỉ là chia sẻ các dấu hiệu và triệu chứng. Nó phải sâu sắc và dễ liên hệ. Vì vậy, bạn có thể thể hiện một chút sự yếu đuối, cho thấy rằng bạn cũng là một con người bình thường”.

Những đoạn clip như trên thường được các nhà trị liệu ở Mỹ và Vương quốc Anh chia sẻ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Ở Singapore, nội dung về sức khỏe tâm thần do các chuyên gia biên soạn chỉ mới bắt đầu phổ biến trong 3 năm trở lại đây.

Sau khi xem một bài đăng trên mạng xã hội, Ron Yap - 27 tuổi, nhà hoạt động sức khỏe tâm thần - nhận ra rằng anh có các triệu chứng của chứng lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Anh đã lập tài khoản @mentalhealthCEO trên TikTok và Instagram vào năm 2020 để xóa bỏ sự kỳ thị đối với những người đang phải đấu tranh với sức khỏe tâm thần.

“Tôi muốn tái hiện quá trình khám phá và chữa lành này với những người có thể đang ở hoàn cảnh giống tôi hoặc những người nghĩ rằng tình trạng của họ không đáng quan tâm” - anh nói.

Asher Low - 37 tuổi, Giám đốc điều hành của Limitless, một tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần cung cấp sự can thiệp và các chương trình cho thanh thiếu niên có nguy cơ - cho hay, sau khi tài khoản TikTok của tổ chức ra mắt vào năm 2021, số lượng khách hàng cần giúp đỡ tăng theo cấp số nhân trong năm đó, phục vụ gần 940 thanh thiếu niên. Vào năm 2019, con số này là dưới 300. “Mỗi năm, chúng tôi đều thấy số lượng người viết thư xin giúp đỡ tăng lên đều đặn” - Asher nói.

Bổ sung cho liệu pháp truyền thống

Các nhà trị liệu như Daryl Tan (37 tuổi) và Charmaine Marsh (39 tuổi) từ phòng khám trị liệu Goodity Co xem việc sáng tạo nội dung là một công cụ hữu ích để bổ sung cho các dịch vụ của họ vì nó hấp dẫn thế hệ hiện tại.

Ron Yap đang điều hành tài khoản trên TikTok và Instagram tập trung vào sức khỏe tâm thần - ẢNH: Ooi Boon Keong (TODAY)
Ron Yap đang điều hành tài khoản trên TikTok và Instagram tập trung vào sức khỏe tâm thần - Ảnh: Ooi Boon Keong (TODAY)

Một số video TikTok phổ biến nhất của họ làm sáng tỏ những khó khăn thường gặp như căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Người xem thường viết thư để hỏi: “Tôi phải đối phó với những đồng nghiệp độc hại như thế nào?” hoặc “Tôi phải kiểm soát căng thẳng ra sao?”.

Daryl cho biết nhóm của anh cảm thấy rằng việc để các nhà trị liệu chia sẻ kinh nghiệm của họ trước ống kính sẽ giúp mở ra nhiều cánh cửa hơn, đảm bảo mang lại một môi trường không phán xét.

Ngoài việc quay video, Jeannette Qhek - 30 tuổi, một nhà cố vấn và trị liệu tâm lý - còn tổ chức các buổi phát trực tiếp với tài khoản Chill by Nette trên TikTok kéo dài 1 giờ vào thứ Tư hằng tuần. Mục đích của Jeannette là giúp đỡ những người không có đủ nguồn lực để tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

“Họ chỉ cần lên mạng và đặt câu hỏi. Rất nhiều người trong số họ hỏi về các mối quan hệ, dù là trong chuyện tình cảm hay ở nơi làm việc. Một số người thấy rằng bản thân không có động lực và tự hỏi làm thế nào để vượt qua tình trạng trì hoãn kinh niên” - cô nói và cho biết thêm các buổi phát trực tiếp giúp người xem tìm được sự đồng cảm, điều này mang lại cảm giác thân thuộc vì họ biết rằng họ không đơn độc trên hành trình của mình.

Có nên chuyển sang TikTok để trị liệu?

Nhà thiết kế đồ họa Damia Erina Saiful (28 tuổi) bắt đầu xem nội dung về sức khỏe tâm thần trên TikTok cách đây khoảng 2 năm khi cô nghi ngờ mình mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). “Tôi tìm thấy nhiều nhà sáng tạo gặp phải vấn đề giống mình và họ đã chỉ cho tôi vài mẹo hay để kiểm soát các triệu chứng. Tôi cũng cho chồng tôi xem để anh ấy hiểu tại sao đôi khi tôi tràn đầy năng lượng nhưng cũng rất nhanh kiệt sức” - cô nói.

“Liệu pháp TikTok” đang nổi lên tại Singapore, trong đó các nhà trị liệu đăng tải những video ngắn để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và một số mẹo về sức khỏe tâm thần - Ảnh: Samuel Woo (TODAY)
“Liệu pháp TikTok” đang nổi lên tại Singapore, trong đó các nhà trị liệu đăng tải những video ngắn để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và một số mẹo về sức khỏe tâm thần - Ảnh: Samuel Woo (TODAY)

Damia biết rằng việc đi khám sẽ hữu ích hơn vì được chẩn đoán chính xác nhưng hiện tại cô chưa có đủ khả năng tài chính để điều trị.

Sadhna Upadhya - 40 tuổi, chuyên gia quản lý sức khỏe - cho biết việc xem các video thông tin giúp cô nhận ra mình đang kiệt sức vì công việc. Do đó, cô rất chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng việc học cách quản lý căng thẳng và cảm xúc. “Có những ngày, chỉ cần đọc một câu trích dẫn đầy động lực về cách tự chăm sóc và phát triển bản thân cũng có thể mang lại cho tôi sự khích lệ cần thiết” - cô bộc bạch.

Sinh viên Elias Soh (21 tuổi) đang học công tác xã hội tại một trường bách khoa. Những video về sức khỏe tâm thần thực sự hấp dẫn và hữu ích vì chúng giúp anh hiểu rõ hơn về bản thân và hành vi của người khác. “Tôi có những người bạn bị lo âu và trầm cảm. Qua những video đã xem, tôi biết mình có thể làm gì để hỗ trợ họ” - anh nói.

Dù vậy, Soh cho rằng vẫn nên có thái độ hoài nghi lành mạnh khi sử dụng TikTok để trị liệu vì có thể có thông tin sai lệch từ những người sáng tạo nội dung.

Hiệp hội Tư vấn Singapore đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận những video về sức khỏe tâm thần một cách thận trọng mặc dù chúng có thể là nguồn tham khảo có giá trị để nâng cao nhận thức và cung cấp hỗ trợ. Theo hiệp hội, các chuyên gia sức khỏe tâm thần nên ưu tiên tính chính xác và thông tin dựa trên nghiên cứu khoa học, đảm bảo sự chuyên nghiệp, xem xét đối tượng mục tiêu, sử dụng nền tảng mạng xã hội một cách phù hợp và có trách nhiệm.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI