Liệu pháp ôm con

02/05/2018 - 16:14

PNO - Sinh ra một đứa trẻ đã khó, nuôi dưỡng con khôn lớn càng khó bội phần… Nhưng đó là hành trình với đầy những vòng hoa nguyệt quế dành cho các bậc cha mẹ.

Một người bạn từng thoát khỏi chứng trầm cảm sau sinh đã chân thành khuyên tôi rằng, đừng bao giờ coi nhẹ nó. Nó như một con quỷ dữ chực chờ vồ bất cứ ai, nhất là có thể làm tổn hại đến những sinh linh bé nhỏ.

Bạn từng cười xòa khi nghe về vấn đề này. Bạn bảo, chỉ những ai yếu tinh thần hay bị suy nhược thần kinh từ trước mới bị trầm cảm sau sinh, chứ một người thần kinh thép như bạn không thể bị nó “hỏi thăm” được… cho đến khi chính bạn là nạn nhân của nó.

Lieu phap om con
Ảnh minh họa

Con gái nhỏ của bạn khóc bất kể đêm ngày và ngốn hết thời gian của mẹ. Bạn không có thời giờ đọc báo hay xem ti vi, ra ngoài chơi lại càng khó vì bé hay nôn mửa và đi ngoài nên phải thay tã liên tục. Bạn nhiều lần đưa con đến bác sĩ nhưng tình hình cũng không được cải thiện. Bạn cảm thấy bế tắc cùng cực. Bạn bắt đầu quát tháo con và có khi còn đét vào mông nó.

Nhiều lần bạn nghe văng vẳng bên tai một tiếng nói lạ - tiếng nói của con người, rằng đứa bé là cội nguồn của bất hạnh, để nó khóc mãi nghe điếc cả tai. Bạn hoảng loạn và gọi cho chồng, nhưng chỉ nghe tiếng “tút… tút…” kéo dài mệt nhọc.

Bạn tắt máy, nằm bẹp xuống và ngủ lúc nào không hay, chỉ giật mình thức giấc khi nghe tiếng con gào khóc vì đói. Bạn nhìn lên đồng hồ, đã sáu tiếng trôi qua… quá dài với một cữ bú của đứa bé mới bốn tháng tuổi. Bạn ôm con bật khóc vì xót xa khi nhìn cái bụng của con xẹp đến mức trũng xuống.

Bạn nhìn mình trong gương, đâu rồi một phụ nữ thành đạt và hoạt bát? Đã bao lâu rồi bạn không nở một nụ cười và mái tóc bềnh bồng đã nhường chỗ cho cái “tổ quạ” trên đầu? Rồi bạn nhìn lại con, đứa bé xinh xắn đáng yêu, đáng lý ra phải được ôm ấp dỗ dành chứ không bị mẹ mắng mỏ, thậm chí có khi bị đét vào mông đau điếng. Thế nhưng, khi nghe tiếng khóc không dứt của con, đầu óc bạn lại mụ mị và rơi vào trầm uất.

Tôi đưa bạn đến gặp một bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh. Vị bác sĩ đặc biệt này hỏi rất kỹ về bệnh sử cũng như những yếu tố liên quan đến cuộc sống hiện tại của bạn và đưa ra “liệu pháp ôm ấp trẻ”. Thoạt nghe có vẻ lạ lẫm và buồn cười, nhưng nó thật sự hiệu quả. Từ vòng tay ôm và những lời dịu ngọt của mẹ, bé đã có giấc ngủ sâu, giảm nôn trớ và quấy khóc.

Lieu phap om con
Ảnh minh họa

Sau hơn một tháng điều trị tích cực và thay đổi chế độ dinh dưỡng, thói quen sống… sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của bạn và bé tốt lên trông thấy. Bạn cũng có cuộc nói chuyện thẳng thắn với chồng, yêu cầu anh cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái và quán xuyến gia đình. 

Giờ thì bạn tôi là một người mẹ rất hạnh phúc, dù con gái nhỏ vẫn thỉnh thoảng quấy mẹ, nhưng bạn đã học được cách kiểm soát chính mình và con. 

Hình như mỗi đứa trẻ đều có một giai đoạn “khó chịu” khác nhau và ít có đứa trẻ nào “dễ nuôi” toàn tập. Bản thân tôi cũng từng suýt rơi vào cái bẫy chết người của chứng trầm cảm, nhưng may mắn là tôi sớm nhận ra những dấu hiệu đầu tiên, kịp thời điều chỉnh và kêu gọi sự giúp đỡ từ những người thân để không phải một mình với những vướng mắc, khó khăn.

Con tôi từng có những đêm khóc mãi không chịu nín, dù có dỗ cách nào cũng cứ gào thét cho đến khi mệt đừ, rồi lại lấy sức khóc tiếp. Thức theo con để dỗ dành rất mệt mỏi và chán nản, chỉ người đã trải qua mới hiểu hết gian nan. Khi đó vừa mệt, vừa buồn ngủ, vừa lo sợ không biết con có bị làm sao không… vừa bực nữa. 

Tôi tìm đến yoga, thiền để giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn. Rồi tôi điều chỉnh chế độ ăn uống của mình với những món dễ tiêu hóa để con khi bú ít bị trớ hơn. Tôi cho ít tinh dầu hoa cỏ vào gối cho bé có giấc ngủ sâu hơn. Tôi dành thời gian chơi với con nhiều hơn.

Tôi trồng nhiều cây trái, hoa lá và bế con ra ngắm, nói chuyện với con về những loài hoa, về chú ong mật và chim sẻ. Dù con chưa hiểu biết nhiều để thấu cảm những gì đang trải nghiệm nhưng con tỏ vẻ rất thích thú. Và điều quan trọng hơn cả, là vòng tay yêu thương của tình mẫu tử thiêng liêng.

Trầm cảm sau sinh là một thực trạng rất đáng lo ngại. Những bà mẹ sau sinh rất cần được cảm thông và chia sẻ. Sinh ra một đứa trẻ đã khó, nuôi dưỡng con khôn lớn càng khó bội phần… Nhưng đó là hành trình với đầy những vòng hoa nguyệt quế dành cho các bậc cha mẹ.

Thế nên, đừng để niềm hạnh phúc làm mẹ biến thành nỗi day dứt ân hận vì những điều đáng tiếc. Hãy cho con cái ôm trìu mến, vì nó quý hơn tất cả mọi loại thuốc quý. Phương thuốc quý ấy, đã được nghiên cứu và kiểm chứng trên tất cả mọi loài. 

Phạm Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI