Liệu pháp mới giúp bệnh nhân ung thư giảm rụng tóc khi hóa trị

27/10/2023 - 17:06

PNO - Sáng kiến của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore giúp các nữ bệnh nhân ung thư vú vượt qua trở ngại về thể chất và tinh thần khi làm hóa trị.

 

Trong lúc thực hiện liệu pháp làm mát da đầu, bệnh nhân đội chiếc mũ có tác dụng truyền chất làm mát để hút nhiệt từ da đầu – Ảnh: NCIS
Bệnh nhân đội chiếc mũ có tác dụng truyền chất làm mát để hút nhiệt từ da đầu - Ảnh: NCIS

Đối với những nữ bệnh nhân ung thư vú, một trong các thử thách lớn nhất là chấp nhận việc bị rụng tóc khi làm hóa trị. Viện Ung thư Quốc gia (NCIS), thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) Singapore cung cấp liệu pháp làm mát da đầu, có thể giúp giảm gánh nặng này, theo Channel News Asia đưa tin ngày 27/10.

Bác sĩ Joline Lim, chuyên gia tư vấn tại NUH, người tiên phong trong sáng kiến ​​làm mát da đầu, cho biết liệu pháp này đã giúp hơn 500 bệnh nhân ung thư tại NCIS giảm rụng tóc, từ tháng 12/2017 đến nay.

Cô Ananthini, bị ung thư vú giai đoạn 3, đã thực hiện liệu pháp này theo gợi ý của bác sĩ Lim. “Rụng tóc khiến tôi rất đau khổ và ảnh hưởng đến lòng tự ái của tôi. Liệu pháp làm mát da đầu thật sự làm giảm tình trạng rụng tóc trong quá trình hóa trị và tác động tích cực đến tinh thần của tôi”, nữ bệnh nhân 36 tuổi chia sẻ.

Bác sĩ Silm cho biết, liệu pháp này bảo vệ các nang tóc khỏi bị tổn thương do thuốc hóa trị trong máu, đồng thời giúp tốc độ mọc lại tóc nhanh hơn. Tại NCIS, lần thực hiện thứ nhất có giá 100 SGD (khoảng 73 USD) và mỗi lần tiếp theo có giá 76 SGD (khoảng 56 USD). “Liệu pháp này làm co các mạch máu ở da đầu, làm giảm lượng thuốc hóa trị đến được các nang tóc hơn”, vị chuyên gia chia sẻ.

Theo đó, NCIS sử dụng hệ thống làm mát da đầu Paxman, trọng tâm là chiếc mũ làm mát bằng silicone để bệnh nhân đội trên đầu. Chất làm mát đi qua mũ này có tác dụng hút nhiệt từ da đầu. Liệu pháp này bắt đầu 30 phút trước khi hóa trị và kết thúc sau hóa trị khoảng từ 60 đến 90 phút.

Vị chuyên gia lưu ý, mục đích của việc làm mát da đầu là làm giảm lưu lượng máu đến khu vực này trong suốt quá trình hóa trị, nên bệnh nhân “cần phải thực hiện liệu pháp trong mỗi đợt hóa trị để có hiệu quả”. Việc rụng tóc có thể sẽ tiếp tục xảy ra sau hóa trị, nếu bệnh nhân không tiếp tục làm mát da đầu.

Bác sĩ Lim cho biết, có nghiên cứu tại Singapore cho thấy liệu pháp nhìn chung có hiệu quả. “Hơn 90% bệnh nhân cho biết trải nghiệm là thoải mái hoặc tích cực hơn nữa”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ Lim cho biết thêm, những bệnh nhân trải qua liệu pháp này nói rằng tóc họ mọc lại nhanh hơn so với những người không thực hiện, qua đó tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của họ. Liệu pháp cũng có tác dụng phụ, như lạnh và đau đầu, choáng váng hoặc chóng mặt và buồn nôn.

Bác sĩ Slim lưu ý, liệu pháp này chỉ giúp làm giảm, chứ không ngăn chặn sự rụng tóc, đó vẫn là thử thách mà những nữ bệnh nhân ung thư vú phải vượt qua. Cô Gemma Foo, nữ bệnh nhân 46 tuổi đã vượt qua ung thư vú, chia sẻ: “Đối với phụ nữ chúng tôi, mái tóc là một phần bản sắc”. 

Cô Foo kể về trải nghiệm đội tóc giả sau hóa trị: “Đối với nhiều bệnh nhân ung thư, tóc giả không chỉ là vật trang trí. Nó cho chúng ta thời gian để điều chỉnh lại suy nghĩ và cảm xúc cũng như quan điểm về cách chúng ta muốn sống cuộc đời mình. Phải mất một thời gian tôi mới cảm thấy đủ tự tin để đi lại mà không cần đội tóc giả”.

Trường An (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI