Liệu Nga có thể sát cánh với Mỹ và Ấn Độ để chống Trung Quốc?

22/08/2020 - 16:38

PNO - Quan hệ Nga - Trung bắt đầu có những rạn nứt bắt nguồn từ câu chuyện thành phố Vladivostok cho đến việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ. Tuy nhiên, rạn nứt lớn nhất nằm ở việc New Delhi đề nghị Moscow tham gia nhóm Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, vốn được nhiều người coi là một nhóm chống Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Theo SCMP, Trung Quốc và Nga thường mô tả mối quan hệ của họ là "đặc biệt", "chưa từng có" và gần đây hai nước còn hứa sẽ duy trì "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, thế giới thấy rõ quan hệ đặc biệt này: tháng 2, Moscow gửi vật tư y tế tới Vũ Hán, khi đó đang là tâm điểm của dịch bệnh, và khi tình hình lây nhiễm virus lên đến đỉnh điểm ở Nga, Trung Quốc đã “đền đáp” bằng cách chuyển cho nước láng giềng hàng triệu khẩu trang cùng các thiết bị bảo hộ khác.

Các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc cũng tỏ ra thân thiết khi họ đã gặp gỡ nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013. Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Nga cùng “chống chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa đơn phương ”, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói quan hệ hai nước đã đạt đến mức “chưa từng có”.

Vịnh Sừng vàng ở Vladivostok, Nga - Ảnh: Shutterstock
Vịnh Sừng vàng ở Vladivostok, Nga - Ảnh: Shutterstock

Mặc dù vậy, những tháng gần đây, quan hệ giữa hai nước đã xuất hiện các vết rạn nứt, đáng chú ý là khác biệt lịch sử đối với thành phố Vladivostok và việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ, cũng như việc Nga chậm giao tên lửa cho Bắc Kinh.

Vấn đề lịch sử Vladivostok

Lập trường khác biệt về Vladivostok trở nên công khai vào tháng trước, khi đại sứ quán Nga bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội ở Trung Quốc khi đăng video kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố. Tình cảm của người Trung Quốc đối với Vladivostok, nơi từng thuộc về Trung Quốc, vẫn cao.

Lãnh thổ ngày nay của vùng Primorsky Krai, trong đó Vladivostok là thủ phủ hành chính, là một phần lãnh thổ Mãn Châu của triều đại nhà Thanh trước khi bị đế chế Sa hoàng sáp nhập vào Nga năm 1860 sau khi Trung Quốc thua Anh và Pháp trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai.

Nhiều người Trung Quốc lên án hành động của đại sứ quán Nga. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu mang tinh thần dân tộc của Trung Quốc, thậm chí còn từ chối gọi thành phố này là "tongzhi dongfang" (Đồng chí Phương Đông) hoặc "Vladivostok" như tên gọi của nó trong tiếng Nga, mà gọi thành phố bằng tên cũ của Trung Quốc: Hải Sâm Uy.

Thành phố Vladivostok - Ảnh: Shutterstock
Thành phố Vladivostok - Ảnh: Shutterstock

Theo ông Gilbert Rozman, Tổng biên tập Diễn đàn Asan, sự phản đối kịch liệt trên blog của đại sứ quán Nga là một trong những dấu hiệu thực tế cho thấy tranh chấp lãnh thổ “chưa có hồi kết” và là dấu hiệu cho thấy “Chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa đang trở thành một vấn đề trong mối quan hệ này”. Ông nói, “một nước Trung Quốc cực kỳ tự tin năm 2020” đang chứng kiến ​​sự trỗi dậy trong những lời kêu gọi thiếu kiên nhẫn mang hơi thở dân tộc chủ nghĩa được các nhà lãnh đạo dung dưỡng. Theo ông Rozman, niềm tin của Bắc Kinh có thể đến từ cảm giác Trung Quốc đang tiến nhanh trong khi Mỹ còn đang sa lầy trong đại dịch.

Quân đội Ấn Độ canh giữ một con đường cao tốc dẫn đến khu vực Ladakh, nơi Ấn Độ và Trung Quốc bị mắc kẹt trong tranh chấp biên giới - Ảnh: DPA
Quân đội Ấn Độ canh giữ một con đường cao tốc dẫn đến khu vực Ladakh, nơi Ấn Độ và Trung Quốc bị mắc kẹt trong tranh chấp biên giới - Ảnh: DPA

Moscow bán vũ khí cho Ấn Độ

Moscow cũng bị dư luận Trung Quốc công kích kịch liệt khi tăng cường bán vũ khí cho New Delhi ngay sau cuộc đối đầu chết người giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo đường biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Một tháng sau cuộc đụng độ ngày 15/6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và một số người Trung Quốc thiệt mạng, New Delhi nhanh chóng thông qua thỏa thuận mua máy bay chiến đấu mới của Nga và nâng cấp đội bay hiện có.

Một người dùng Trung Quốc viết trên mạng xã hội: "Trong khi đang chiến đấu với đối thủ, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu một người bạn của bạn trao cho đối thủ của bạn một con dao?”. Tuy nhiên, Dmitry Stefanovich, một nhà nghiên cứu của Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Học viện Khoa học Nga, chỉ ra rằng Nga cung cấp vũ khí cho Ấn Độ từ rất lâu trước khi xảy ra vụ đụng độ trên dãy Himalaya và hầu hết vũ khí chiến lược của Ấn Độ, từ tàu sân bay đến tàu ngầm tấn công hạt nhân, đều được nhập khẩu từ Nga.

Ông Stefanovich nói: “Ngành công nghiệp quốc phòng Nga, rõ ràng muốn tiếp tục ở lại thị trường Ấn Độ, một thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, trong khi cả Pháp và Mỹ đều đang dòm ngó. Tuy nhiên, doanh số bán vũ khí của Nga cho Ấn Độ trên thực tế đã giảm kể từ mức đỉnh điểm vào năm 2005 khi doanh thu đạt 3,2 tỷ USD.

Nhà phân tích Alexey Muraviev của Viện nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc gia Đại học Curtin của Úc, cũng cho biết Nga không hài lòng về sự hợp tác của Trung Quốc với Ukraine trong cả các vấn đề quân sự và kinh doanh. Ông Muraviev nói: “Trung Quốc cũng tham gia vào việc “copy” công nghệ quân sự của Nga và sau đó cố gắng bán các bản nội địa dựa trên thiết kế của Nga, thông qua đó cạnh tranh với Nga trên thị trường bán vũ khí toàn cầu”. Ông cho biết, Nga coi việc bán vũ khí cho Ấn Độ là một cách để cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nga trì hoãn giao tên lửa S-400 cho Trung Quốc

Nga có hợp đồng bán cho Trung Quốc tên lửa phòng không S-400, một loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tới 400km và độ cao 30km.

Những tin đồn ban đầu cho biết việc giao hàng bị "trì hoãn" do đại dịch COVID-19, nhưng sau đó Moscow nói việc giao hàng đã bị "đình chỉ". Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Trung Quốc đã nhận được lô S-400 đầu tiên vào năm 2018, nhưng việc giao hàng tiếp tục bị đình chỉ vì Moscow cáo buộc Valery Mitko, chủ tịch Học viện Khoa học Xã hội Bắc Cực ở St Petersburg, làm gián điệp cho Bắc Kinh.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga tham gia diễu binh ở Quảng trường Đỏ, Moscow - Ảnh: Xinhua
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga tham gia diễu binh ở Quảng trường Đỏ, Moscow - Ảnh: Xinhua

Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman của công ty tư vấn Rand có trụ sở tại Washington, lưu ý rằng trong suốt những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô (cũ) có quan hệ hữu hảo với Ấn Độ và mối quan hệ vẫn nồng ấm cho đến ngày nay. Ông nhận định, quyết định đình chỉ giao S-400 là kết quả của việc Nga quyết định trừng phạt Trung Quốc và để chứng tỏ với New Delhi rằng Moscow vẫn là người bạn đáng tin cậy.

Đối tác Indo-Pacific?

Tuy nhiên, vấn đề gây chia rẽ nhất trong quan hệ Nga - Trung là tuyên bố gần đây trên truyền thông Ấn Độ rằng New Delhi muốn Moscow tham gia sáng kiến ​​Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu - một nhóm chiến lược được nhiều người coi là nhằm chống lại Trung Quốc.

Vấn đề được cho là đã được thảo luận trong cuộc điện đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và Đại sứ Ấn Độ tại Nga, D. Bala Venkatesh Varma.

Một số nhà bình luận Trung Quốc cho biết ý tưởng này là một sự “phản bội Trung Quốc”. Nhưng các nhà phân tích quốc tế lại nói ý tưởng này phù hợp với quan hệ đối tác Ấn Độ - Nga mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây và sẽ củng cố thêm mối quan hệ này.

Tuy nhiên, nhà phân tích Stefanovich cho rằng Nga ít có khả năng sẽ tham gia sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương, vì cái tiếng chống Trung Quốc của nhóm. Ông Stefanovich nói: “Nga tin tưởng vào các tổ chức khu vực và các chế độ hợp tác toàn diện”. Victor Gao, giáo sư chủ nhiệm Đại học Soochow và phó chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn ở Bắc Kinh, cũng đồng ý như trên và nói “không thể tưởng tượng nổi” rằng Nga sẽ “tự biến mình thành chư hầu của Mỹ”.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI