Liều mạng tìm chồng giữa đạn bom, anh chỉ kịp 'ôm và hôn vợ một cái'

27/07/2017 - 10:43

PNO - Mặc cho tiếng can ngăn đuổi sau lưng, cô vẫn cật lực đạp xe. Một tiếng nổ vang trời khi cô vừa chạy xe qua.

Vượt bom đạn để tìm chồng mong thực hiện giấc mơ được mang thai, sinh con, nhưng cô Lộc đành về không. Câu chuyện của người vợ thương binh năm nào giúp chúng ta trân trọng hơn hạnh phúc đang có...

Lieu mang tim chong giua dan bom, anh chi kip 'om va hon vo mot cai'
Tình vợ chồng chẳng có gì chia cắt được

Một buổi sáng có người báo tin với cô Lộc là đơn vị của chồng cô vừa hành quân về đến Hương Trạch tối qua, đang dừng chân trên đó. (Hương Trạch là một xã thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là điểm tập kết hàng hóa, vũ khí, điểm dừng chân của bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong trước khi vào chiến trường miền Nam).

Bấy giờ cô Lộc đang dạy ở Hương Bình, cách Hương Trạch chừng 17km. Nghe tin, cô nhắn người xin phép hôm nay không tới trường. Cô đạp xe đi tìm gặp chồng. Mang theo một lọ siro làm quà.

Vợ chồng cô lấy nhau năm 1970. Cưới xong bác Sỹ chồng cô ra mặt trận. Thông tin về nhà chỉ một lần ném lá thư trên đường 15 khi bác Sỹ đi qua xã. Những người đi cày nhận được thư, lần theo địa chỉ, cô mới biết đôi chút thông tin về chồng qua những dòng chữ viết vội.

Một giáo viên cùng trường nói với cô Lộc, lấy chồng đi trận, muốn có đứa con em phải tranh thủ từng giây phút. Rồi cô ấy đưa trường hợp một cô giáo dạy cấp III làm ví dụ. Cô giáo ấy có ba đứa thì cả ba đứa con đó đều nhờ cả vào những lần vợ chồng tranh thủ gặp nhau mươi phút trong rừng. 

Mặt trời lên cao cô Lộc mới đạp xe đến Hương Phong. Từ Hương Phong còn phải đi thêm mười cây số trên con đường bom đạn cày xới, cô vừa đi vừa dắt bộ. “Cô kia, không được đi đường này, bom từ trường đấy”. Đường này là đường cấm nhưng đó là con đường tắt nhanh nhất để tới xã Hương Trạch. Mặc cho tiếng can ngăn đuổi sau lưng, cô vẫn cật lực đạp xe. Một tiếng nổ vang trời khi cô vừa chạy xe qua. Đây là đoạn đường nguy hiểm, trưa nào bom cũng dội.

Lọt an toàn vào một ngôi làng đón giao bộ đội từ Bắc vào Nam ở xã Hương Trạch, cô gọi một thằng bé: “Cô cho con hai hào. Con dẫn cô đi tìm chú bộ đội tên Sỹ”. Thằng bé nhanh nhẹn đi trước, cô dắt xe theo sau.

Lieu mang tim chong giua dan bom, anh chi kip 'om va hon vo mot cai'
 

“Ở đây chẳng có ai tên là Sỹ”, nhiều đơn vị về làng mấy ngày hôm nay nên vào ngôi nhà nào cũng câu trả lời đó. “Con tìm kỹ đi, chú bộ đội mặc cái quần đùi màu xanh hòa bình”, cô Lộc nói với thằng bé. Trước ngày nhập quân, cô may cho chồng mới cưới chiếc quần đùi màu xanh hòa bình. Giờ này bộ đội ngủ trưa, cô tin chắc chồng đang mặc chiếc quần đùi đó. Ngôi nhà cuối cùng có một anh lính mặc chiếc quần đùi màu xanh hòa bình, tên là Sỹ. Cả đơn vị vùng dậy reo mừng. Lúc này là hai giờ chiều. Hai tiếng đồng hồ nữa bác Sỹ sẽ lên đường.

“Thôi hai người tranh thủ đưa nhau đi chơi đi”, anh em nói. Hai vợ chồng đi về cuối làng, thấy một ngôi miếu. Cô đứng ngoài chờ chồng vào trong xem sao. Trong miếu chất đầy khoai lang. “Vào đó làm gì thế, chỗ thiêng liêng cấm tầm bậy”, một cụ ông đi vào, tay cầm con dao, quát lớn.

Hai vợ chồng lặng lẽ dắt xe đi tiếp, lạc vào rừng tre. Hơn chục người lớn, trẻ con quây xung quanh:  “Việt gian. Phải bám sát chúng nó”, “Lấm la lấm lét thế này là Việt gian rồi”. Người lớn nói với nhau. Trẻ con chằm chằm nhìn vào mặt hai người.

Họ lại đi tìm chỗ khác. Đi ra cánh đồng khoai, đoàn người kia vẫn theo sau. Đường từ đồng khoai sang làng bên kia khúc khuỷu, xe đạp phải dắt chứ không đạp được. Trước mặt hai người là một ngôi làng nhỏ, người dân sơ tán hết. Dựng xe đạp bên ngoài, hai người đi vào. “Yên tâm rồi nhé”, bác Sỹ cố tìm câu gì đó để người vợ trẻ bớt căng thẳng. Vừa lúc ấy, cô Lộc phát hiện ra không biết lọ siro đã để đâu mất. Lòng cô áy náy vô cùng.

Một tiếng thét vang: “Ra ngay, ngôi nhà này có bom nổ chậm, cấm người vào”. Một toán dân quân xuất hiện. Vợ chồng nhìn vào giữa nhà, cánh bom nổ chậm trồi trên nền nhà. Họ vùng chạy.

Đơn vị tán loạn chạy chia nhau mỗi người mỗi hướng đi tìm bác Sỹ. Đã tới giờ lên đường. “Cảm ơn anh em đã tạo điều kiện cho vợ chồng tôi được có phút giây riêng tư, nhưng thú thật đến giờ phút này tôi vẫn chưa chạm được vào tay vợ. Thôi trước mặt mọi người xin phép cho tôi được ôm và hôn vợ một cái”, bác Sỹ nói. Tất cả bỗng lặng im, vài người không kìm được nước mắt, rồi cả đơn vị cùng khóc.

Xe chuyển quân chuyển bánh. Cô Lộc đạp xe về nhà. Đường về giờ xa hơn vì cô không dám liều mạng đi con đường ban trưa.

Ba năm sau cô Lộc mới gặp lại chồng. Hai người không thể nhận ra nhau. Cô năm mươi ký, còn bác Sỹ chỉ ba mươi mốt ký. Chờ đợi thêm hai năm, họ mới có được đứa con đầu lòng. Vợ giáo viên chồng bộ đội - mẫu hình gia đình được coi là đẹp bấy giờ. 

Thúy Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI