Liều mạng lấy chồng

26/02/2017 - 11:49

PNO - Tôi không biết có phải vì lỡ gật đầu trước khi cưới nên cô ấy đành “ngậm đắng nuốt cay”, hay cô ấy cũng thật lòng muốn giúp.

Ai cũng bảo tôi đẹp trai. Tôi cũng nhiều bồ bịch nhưng chẳng hiểu sao cứ đến giờ G thì chẳng cô nào chịu cưới. Ngày tôi lấy vợ, ai cũng thầm thì với tôi: “Con nhỏ đó (chỉ vợ tôi) uống thuốc liều. Nó đồng ý làm vợ mày quả là… liều mạng”.

Lieu mang lay chong
 

Nguyên do, mẹ tôi đã mất, nhà thì đông anh em. Hai anh tôi đã có gia đình nhưng vất vả với nghề nông, cuộc sống khó khăn nên tôi không nỡ ngoảnh mặt. Hai em tôi lại còn đi học. Tôi vẫn nhớ, hôm tôi ngỏ lời cầu hôn, đã kèm theo một điều kiện mà tôi biết là có phần khắc nghiệt với mọi cô gái - là tôi còn phải lo cho các anh em mình; nhưng cô ấy vẫn chấp nhận không chút đắn đo. Lúc ấy, tôi đã vui như một đứa trẻ. Rồi chúng tôi đưa nhau rời quê vào thành phố lập nghiệp.

Dù đã có sự chấp nhận của vợ, nhưng mỗi khi mở lời chuyện nhà mình, tôi vẫn ngại ngần. Ví dụ: “Năm nay thằng Bắc vào đại học, bọn mình phải nuôi nó bốn năm”, “Ba bệnh, phải đưa ba vào thành phố chữa trị”, “Thằng Nam lại theo thằng Bắc, vào thành phố học đại học, bọn mình ráng làm trọn bổn phận nghen em”… Tôi không biết có phải vì lỡ gật đầu trước khi cưới nên cô ấy đành “ngậm đắng nuốt cay”, hay cô ấy cũng thật lòng muốn giúp; chỉ thấy cô ấy ngày càng trở thành một thành viên quan trọng của gia đình tôi, mọi việc cô ấy làm đều gắn với quyền lợi của các thành viên khác trong nhà.

Tôi là thợ cơ khí, thu nhập khá ổn. Vợ tôi chỉ buôn bán lặt vặt, nhưng nhờ lanh lợi nên thu nhập cũng không đến nỗi tệ. Khi thằng Bắc học năm thứ ba, thì thằng Nam vào năm nhất, cũng là lúc chúng tôi có con đầu lòng. Với thu nhập của vợ chồng tôi, trong cảnh đang ở nhà thuê, vừa nuôi con nhỏ, vừa nuôi hai em học đại học, thỉnh thoảng còn phải gửi tiền về quê biếu cha già, giúp hai anh lo các cháu, nên cứ chưa hết tháng là đã “âm” tiền.

Thật ra, vợ tôi cũng chẳng phải ông tiên bà bụt mà không biết than thở, nhưng cô rất nhẹ nhàng, ví như “ái dà, sao mà mau hết tháng quá”, đồng thời vẫn động viên hai em tôi: “Ráng học. Học giỏi thì khó khăn mấy chị cũng lo được”… Thương vợ, bao nhiêu lương tôi đều đưa hết, nhưng tiền vô nhà khó cứ có mà như không, vợ tôi phải chi li nát óc, tính toán đủ đường để đáp ứng mọi chuyện.

Thằng Bắc tốt nghiệp, chưa kịp “thở” thì chúng tôi có đứa con thứ hai. Cứ tưởng thằng Bắc sẽ tìm được việc làm, có thể giúp được thằng Nam cho vợ chồng tôi nhẹ gánh, không ngờ thằng Bắc cứ lông bông cả năm. Rồi khi nó chuẩn bị đi làm, vợ tôi phải may quần áo mới, lo giày dép, trả góp chiếc xe để trang bị cho nó cái chân đi. Lương khởi điểm của Bắc lại chỉ đủ cho nó tiện tặn hết tháng.

Khi tôi nhắc em “để ý” thằng Nam giúp anh chị, vợ lại bảo “mong nó tự lo thân được là quý lắm rồi”. Đến khi thằng Nam tốt nghiệp, chuyện cũ lặp lại, chúng tôi lại phát sinh thêm nợ trả góp. Cả hai thằng giờ đã có việc làm, có lương mà chẳng chịu thuê chỗ ở riêng, cứ bám anh chị, vì dù có đi chơi khuya thế nào thì về nhà là đã có chị dâu để phần cơm, mà chị nấu ăn rất khéo, toàn món quê. 

Vợ tôi hay bảo trời thương nên hai thằng em tôi đều có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao ngất ngưởng; cưới vợ vài năm là đã mua nhà nội thành, rồi dần dà có xe hơi, chứ không như chúng tôi vẫn căn nhà cấp bốn ở ngoại thành. Thế nhưng không phải tụi nó ra riêng là chúng tôi đã hết trách nhiệm. Cả hai cặp chúng nó cứ thường xuyên cãi vã, đòi bỏ nhau, đòi bán nhà, chia xe, chia con… mà không có chị dâu (là vợ tôi) nhảy vào là nguy cơ tan rã rất lớn.

Cả hai tuy nhà cửa to lớn, tài chính thoải mái nhưng lại thiếu sự cảm thông, chia sẻ, nhường nhịn nên cứ phát sinh bất đồng. Vợ tôi, dù chỉ là một phụ nữ bán buôn, kiến thức hạn hẹp nhưng đạo làm dâu, phận làm vợ, làm mẹ, cô ấy rất khéo. Chúng tôi tuy cuộc sống không sung túc, nhưng lúc nào cũng ấm êm. Bản thân tôi hạnh phúc nhất là đã chăm sóc được cha già chu đáo, trang bị cho các em vững bước vào đời.

Lê Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI